Đề nghị làm rõ định nghĩa các hình thức ký điện tử mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
Những quy định về chữ ký số, chữ ký điện tử, giao dịch điện tử… trong Luật Giao dịch điện tử đang được các doanh nghiệp đề nghị sửa đổi nhằm khơi thông nhiều vướng mắc trong hoạt động.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sớm công nhận chữ ký điện tử

Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam thực hiện nhiều hợp đồng có giá trị lớn với đối tác nước ngoài, nhưng chưa áp dụng được phương thức sử dụng chữ ký điện tử, mà vẫn phải ký bằng chữ ký sống. Nguyên nhân là bởi, dù Luật Giao dịch điện tử, các nghị định hướng dẫn đã khá rõ, nhưng khi làm việc cụ thể với các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế hoặc hải quan thì lại vướng mắc. Theo đó, để có hiệu lực pháp lý và được các cơ quan hữu quan công nhận, thì chữ ký điện tử nước ngoài phải được chứng nhận tại Việt Nam, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc pháp chế Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam đề nghị, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi nên có nội dung quy định cụ thể về việc tự công nhận chữ ký nước ngoài.

“Cần có cơ chế tự động công nhận chữ ký điện tử nước ngoài nếu nó đáp ứng được các điều kiện và đủ độ tin cậy. Đây là vấn đề doanh nghiệp có ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài rất quan tâm", bà Lan Anh nói.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam nêu vấn đề, tại sao không chấp nhận cho hai công ty tự xác định tính hợp pháp của chứng thư số hoặc chữ ký số. Nếu Bộ Thông tin và Truyền thông đưa nội dung này vào Dự thảo Luật thì doanh nghiệp sẽ tự tin giao dịch với đối tác nước ngoài bằng chữ ký số điện tử. Ngược lại, sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch với đối tác nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch.

Còn đại diện Ngân hàng Maritime Bank (MSB) cho rằng, theo nguyên tắc của tư pháp quốc tế, giá trị pháp lý của chữ ký (bao gồm cả chữ ký điện tử) do pháp luật quốc gia mà cá nhân, tổ chức đó mang quốc tịch quyết định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, tránh trường hợp pháp luật Việt Nam yêu cầu hình thức chữ ký điện tử mà pháp luật nước ngoài không có, dẫn đến không thể tiến hành giao kết theo phương thức điện tử được. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định việc lưu trữ hợp đồng, chứng thư điện tử sẽ do các bên tham gia giao dịch tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về công nghệ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện FPT Information System (FPT IS) đề nghị làm rõ định nghĩa cho các hình thức ký điện tử mở rộng. Cụ thể, chữ ký điện tử là một tập hợp rất rộng của nhiều hình thức ký điện tử khác nhau. Tuy nhiên, như đề cập trong Dự thảo Luật thì sẽ hiểu là chỉ có chữ ký số mới đáp ứng được các yêu cầu này.

“Đề xuất mở rộng cho cả các hình thức ký điện tử khác như ký ảnh hoặc ký ảnh có xác thực hoặc kết hợp nhiều hình thức ký điện tử trên cùng một văn bản, như vậy việc ký kết tài liệu điện tử sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn trong thực tế triển khai”, đại diện FPT IS kiến nghị.

Cần bỏ nhiều rào cản khác

Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) phản ánh, khi công ty này sử dụng phần mềm để truy cập dữ liệu đấu thầu công khai thì bị yêu cầu ngừng sử dụng. Trong khi đó, dữ liệu về đấu thầu vốn được công khai theo Luật Đấu thầu và được tiếp cận theo Luật Tiếp cận thông tin.

Ông Phạm Đức Tiến, Giám đốc Marketing VINADES đề xuất bổ sung khái niệm “dữ liệu mở”, phân loại rõ dữ liệu mở nói chung và dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Đồng thời bổ sung nội dung quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và phát triển kinh tế số.

“Bổ sung điều mới, quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng. Ví dụ như việc yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình, từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào hoạt động kinh tế”, ông Tiến kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị, Dự thảo Luật nên bỏ những quy định về nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp dịch vụ như phải cung cấp dịch vụ 24/7, phải công khai các thuật toán, hay phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về danh sách nhân viên tuân thủ. Những quy định này có thể ảnh hưởng đến quyền hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, tính bảo mật và sự an toàn của hệ thống thông tin mà các chủ thể cung cấp dịch vụ sử dụng.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, việc hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hoạt động giao dịch điện tử và bổ sung các nội dung mới của hoạt động kinh tế số như kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, mô hình kinh tế số ngành, lĩnh vực...

Xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử, để việc thực hiện giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng và an toàn hơn việc thực hiện giao dịch theo các phương thức truyền thống. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tin bài liên quan