Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Để ngỏ nhiều yếu tố chi phối thị trường chứng khoán 2020

(ĐTCK) Với đà tăng trưởng kinh tế cao dự báo tiếp tục duy trì trong năm 2020, môi trường kinh doanh ổn định, CPI dự kiến được giữ ở mức dưới 4% trong năm 2020, thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính thận trọng cho rằng, còn nhiều ẩn số để ngỏ, chi phối trực tiếp triển vọng thị trường 2020. 

Với triển vọng thị trường tín dụng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 có thể sẽ tiếp tục được giữ ở mức 13-14%; lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ ở mức thấp; thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định.

Chất lượng tài sản của ngân hàng cũng sẽ được cải thiện, nhiều ngân hàng đã duy trì chính sách trích lập dự phòng ở mức cao, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp kinh tế biến động.

Đối với thị trường ngoại hối, tỷ giá VND/USD những tháng đầu năm 2020 vẫn còn trong áp lực tăng, bởi xu hướng của các đồng tiền của nền kinh tế lớn (như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) khó lường trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, trong dài hạn, đồng VND được dự báo sẽ tăng giá nhẹ so với đồng USD vào cuối năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực từ tình hình sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế ở cả trong lẫn ngoài nước.

Với thị trường vàng và kim loại quý, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Ban Phát triển thị trường Tài chính - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, năm 2020, với những bất ổn về chính trị chưa có dấu hiệu suy giảm, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dự báo còn kéo dài, sẽ tạo ra nhiều thách thức tác động trực tiếp khiến giá vàng tiếp tục xu hướng tăng.

Cơ quan này dẫn cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho thấy một triển vọng xấu hơn cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, trong dự báo mới nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2019 tăng trưởng ở mức 3%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008.

Tổ chức này vừa qua cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 thêm 0,1% điểm, xuống còn 3,4%, giảm so với dự báo mà IMF đưa ra hồi tháng 7 bởi quan ngại rằng các căng thẳng địa chính trị và thương mại sẽ khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Triển vọng xấu hơn cho nền kinh tế toàn cầu nay được đánh giá là đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh lên triển vọng giá kim loại quý với khả năng xu hướng đi lên.

Vì vậy, dự báo năm 2019 - 2020 giá vàng đạt tới ngưỡng 1.600 USD/ounce và sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Do giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, vì vậy giá vàng trong nước sẽ có xu hướng tăng cùng với đà tăng của giá vàng thế giới do các nhà đầu tư nhìn nhận, vàng là hầm trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn.

Một yếu tố chi phối rất lớn khác là dòng vốn đầu tư cũng như dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Theo nhận định của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn rủi ro khiến dòng vốn đầu tư sẽ khó đổ vào TTCK nói chung, trong đó có Việt Nam.

Điểm sáng của năm 2020 được nhiều dự báo cho rằng nằm ở khối ngân hàng. Năm 2020 là năm cuối cùng để các ngân hàng thương mại phải niêm yết lên sàn và đạt chuẩn Basel II.

Hiện nay, mới chỉ có 18/30 ngân hàng thương mại niêm yết và cũng chỉ có 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II nên năm 2020 là năm các dạng cổ phiểu này có nhiều triển vọng phát triển.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, rất nhiều khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm tới theo tiêu chí của FTSE vì ở 2 kỳ đánh giá trước Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí.

Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được cả MSCI và FTSE nâng hạng thì dòng vốn ngoại sẽ đổ rất nhanh vào thị trường trong năm tới.

Đối với thị trường trái phiếu chính phủ năm 2020, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính dự báo có khoảng 128.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) đến hạn (gồm cả 1 tỉ USD trái phiếu ngoại tệ), cao hơn 11,6% so với 2019. 

Nhu cầu đầu tư TPCP để tăng tài sản có thanh khoản của các NHTM và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất TPCP rất có thể sẽ giảm tiếp trong năm 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với 2019.

Hơn nữa, sự đa dạng kỳ hạn của trái phiếu chính phủ đang giúp  nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường. Tổ chức này cho rằng, trái phiếu vẫn tiếp tục là kênh thu hút vốn mạnh trong năm 2020.

Tin bài liên quan