Đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 15,68%, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07% so với cuối năm 2021

Đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 15,68%, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07% so với cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021 - là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế.

Báo cáo trả lời chất vấn đại biểu quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Cụ thể, tạm tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,56%; tín dụng ngành công nghiệp-xây dựng tăng 7,37%; tín dụng ngành thương mại-dịch vụ tăng 11,34%.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Cụ thể, tạm tính đến cuối tháng 8/2021, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9,26%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,54%; xuất khẩu tăng 2,68%; công nghiệp hỗ trợ tăng 11,6%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,28%.

Đặc biệt, đến tháng 8/2022, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 15,68% so với cuối năm 2021, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 7,35%; phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 20,14%. Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07%, chiếm 0,32%. Riêng tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, con số Ngân hàng Nhà nước công bố mới tính đến 30/6/2022 là giảm 1,72% so với cuối năm 2021, chiếm 0,88%.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán), Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Thứ tư, có nhiều công văn chỉ đạo TCTD về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, trong đó yêu cầu các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Bên cạnh đó, hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; Tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân…

Thứ năm, tập trung đầu tư nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Tin bài liên quan