Dệt may lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD/tháng

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu điện thoại trong tháng 8 đạt 6,09 tỷ USD, tăng mạnh 39,4% so với tháng trước, dệt may lần đầu tiên cán mốc 4 tỷ USD, máy tính tăng 25,4% so tháng 7, đạt 4,94 tỷ USD.

Tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu của loạt ngành hàng chủ lực đạt mức tăng rất mạnh so với tháng 7. Mức tăng kỷ lục về trị giá xuất khẩu điện thoại, máy tính, hàng dệt may, máy móc... đã góp phần vào kết quả xuất khẩu 8 tháng, đạt 252,60 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 38,85 tỷ USD) so cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 8/2022 đạt trị giá 6,09 tỷ USD, tăng mạnh 39,4% so với tháng trước.

Tính trong 8 tháng/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 40 tỷ USD, tăng 13,5% so với 8 tháng/2021. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,25 tỷ USD, tăng 48%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 8,97 tỷ USD, tăng 11%; sang EU(27) đạt 4,61 tỷ USD, giảm 5%; sang Hàn Quốc đạt 3,88 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 4,94 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng/2022 đạt 36,71 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 4,49 tỷ USD, tăng 9,7% so với tháng trước. Tính trong 8 tháng/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 30,06 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ấn tượng nhất là dệt may, khi xuất khẩu 6 tháng liên tiếp đạt trên 3 tỷ USD và lần đầu tiên đạt mốc 4 tỷ USD vào tháng 8.

"Xuất khẩu hàng dệt may trong ba tháng trở lại đây (tháng 6, 7, 8) đều tăng tốt, lập đỉnh liên tiếp và lần đầu tiên xuất khẩu đạt mốc 4 tỷ USD vào tháng 8/2022. Cụ thể, trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8 đạt 4 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng 7/2022. Tính đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu hàng dệt may đạt 26,28 tỷ USD, tăng 24,3%, tương ứng tăng 5,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng", Tổng cục Hải quan phân tích.

Đáng mừng là 8 tháng qua, một số thị trường chủ lực về dệt may của Việt Nam đều có mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,88 tỷ USD, tăng 22,6%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD; sang EU đạt 3,02 tỷ USD, tăng 41,1%, tương ứng tăng 879 triệu USD; Nhật Bản đạt 2,54 tỷ USD, tăng 22%, tương ứng tăng 458 triệu USD; Hàn Quốc đạt 2,14 tỷ USD, tăng 20,5%, tương ứng tăng 365 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường chính 8 tháng/2022 và 8 tháng/2021.
Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường chính 8 tháng/2022 và 8 tháng/2021.

Trong tháng 8/2022, xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,29 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với tháng 8/2022. Tính đến hết tháng 8/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,37 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu giày dép các loại sang Mỹ đạt 7,01 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước; sang EU đạt 3,96 tỷ USD, tăng 36%; sang Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, giảm 4%.

Tại báo cáo thống kê mới của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2022 đạt 1 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 7. Trong một báo cáo trước đó, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 thống kê ở dưới ngưỡng 1 tỷ USD.

Lũy kế đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu nhóm này đạt 7,63 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,63 tỷ USD, tăng 25,6%; sang Nhật Bản đạt 1,12 tỷ USD, tăng 28%; sang Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD, tăng 82,8%; sang EU đạt 941 triệu USD, tăng 42%...

Trái ngược với mức tăng mạnh xuất khẩu của các nhóm hàng chủ lực trên, sắt thép xuất khẩu lại giảm sâu.

Cụ thể, xuất khẩu sắt thép giảm liên tiếp trong hai tháng gần đây và tháng 8/2022 ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Trong tháng 8/2022, xuất khẩu sắt thép các loại đạt gần 514.000 tấn với trị giá gần 458 triệu USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 29% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết 8 tháng/2022, cả nước xuất khẩu hơn 5,9 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt 6,08 tỷ USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Trung Quốc giảm hơn 1 tỷ USD với mức giảm gần 1,68 triệu tấn.

Diễn biến xuất khẩu sắt thép sang hai thị trường chính là EU và Mỹ 8 tháng qua biến động rất thất thường và liên tiếp giảm mạnh trong hai tháng gần đây.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng sắt thép xuất khẩu sang các thị trường chính 8 tháng/2022 đều giảm hoặc tăng thấp, như: EU là 1,13 triệu tấn, tăng nhẹ 0,8%; Campuchia là 848 nghìn tấn, giảm 2,4%; Mỹ là 453 nghìn tấn, giảm 15,6%. Riêng xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Trung Quốc 8 tháng/2022 đã giảm rất mạnh chỉ là 93 nghìn tấn, trị giá 55 triệu USD trong khi 8 tháng/2021 là 1,77 triệu tấn và 1,08 tỷ USD.

Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc 8 tháng 2022 giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc 8 tháng 2022 giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 499,71 tỷ USD, tăng 68,69 tỷ USD so với cùng kỳ,...

Tin bài liên quan