Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất của một công ty cổ phần.

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất của một công ty cổ phần.

ĐHCĐ Giày Sài Gòn: SCIC có phạm luật?

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) là cơ quan quyền lực cao nhất của một công ty cổ phần. Luật Doanh nghiệp cũng trao quyền cho NĐT dồn phiếu đề cử thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), song hiện nay trước cuộc họp ĐHCĐ, HĐQT nhiều công ty đại chúng thường chốt luôn danh sách ứng cử viên HĐQT và Ban kiểm soát để đưa ra đại hội chấp thuận và bầu cử. Điều này gây bức xúc cho không ít NĐT và họ đã phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình, song NĐT cũng cần am hiểu và hành xử đúng luật. Trường hợp tại ĐHCĐ của CTCP Giày Sài Gòn là một ví dụ.

CTCP Giày Sài Gòn tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa tháng 7/2004, có vốn điều lệ 16 tỷ đồng, trong đó 51% là vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty là người đại diện SCIC quản lý số vốn này.

Theo phản ánh của NĐT tới ĐTCK, trong Thông báo số 22/2009/TB-HĐQT ngày 6/3/2009 của HĐQT Công ty về việc chốt danh sách cổ đông họp ĐHCĐ thường niên năm 2009 thì thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và cổ đông sở hữu hoặc đại diện sở hữu cho ít nhất 1% vốn điều lệ trở lên (16.000 cổ phần) mới được dự họp. Nếu chiểu theo Luật Doanh nghiệp, thì quy định trên đã vi phạm quyền dự họp của cổ đông.

Một vấn đề gây bức xúc cho một bộ phận NĐT khác là trong phần nội dung đại hội có mục bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2009 - 2014. Tuy nhiên, cổ đông không nhận được thông báo về điều kiện đề cử và ứng cử thành viên HĐQT, Ban kiểm soát cho cổ đông, thời hạn để cổ đông gửi danh sách đề cử hoặc ứng cử vào HĐQT và Ban kiểm soát.  Ngày 15/4/2009, HĐQT Giày Sài Gòn có thư mời chính thức cổ đông đã đăng ký, họp ĐHCĐ vào 8h30 ngày 26/4/2009 với các nội dung như đã thông báo. Ngày 17/4/2009, Chủ tịch HĐQT Giày Sài Gòn triệu tập cuộc họp HĐQT, quyết định lập tờ trình đưa ra danh sách ứng cử viên HĐQT (5/5) và Ban kiểm soát (3/3) để ĐHCĐ thông qua với lý do không có ai được đề cử hoặc tự tham gia ứng cử cho nhiệm kỳ tới (trong số 5 ứng cử viên HĐQT đó có 3 ứng cử viên do SCIC đề cử).

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 139/2007/NÐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thì "trước và trong cuộc họp ĐHCĐ, các cổ đông có quyền cùng nhau lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người họ đề cử". Vì thế, trong ĐHCĐ ngày 26/4/2009, một số cổ đông CTCP Giày Sài Gòn đã đề nghị Chủ tịch đoàn (Chủ tịch HĐQT - chủ tọa) cho phép họ thực hiện việc đề cử ứng cử viên vào HĐQT và Ban kiểm soát trực tiếp ngay trong ĐHCĐ, nhưng Chủ tịch đoàn bác đề nghị này với lý do: HĐQT không thể làm trái với chỉ đạo từ SCIC! Ban kiểm soát Công ty cũng không có ý kiến can thiệp. Theo phản ánh của NĐT, do đa số cổ đông dự họp đều là cổ đông nội bộ nên không dám phản đối ý kiến của Chủ tịch đoàn vì sợ ảnh hưởng đến công việc (41,7% cổ phần của Công ty là do cán bộ, công nhân viên nắm giữ).

SCIC nói gì?

Ngay khi nhận được phản ánh của cổ đông Giày Sài Gòn, SCIC đã yêu cầu người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Công ty báo cáo. Theo đó, yêu cầu cổ đông phải sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ mới được tham dự họp ĐHCĐ là trái Luật Doanh nghiệp, song điều kiện này lại được đưa vào Điều lệ Công ty, đã được chính ĐHCĐ Giày Sài Gòn thông qua. Vấn đề này, SCIC sẽ yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại Công ty có hướng khắc phục.

Liên quan đến việc đề cử thành viên HĐQT. Theo quy định hiện hành, SCIC nắm giữ 51% vốn tại Giày Sài Gòn và được đề cử 3 ứng viên để cổ đông bỏ phiếu bầu. Việc lựa chọn cá nhân ứng cử thành viên HĐQT được thực hiện theo quy trình nội bộ của SCIC và căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm, trình độ của các cá nhân. Đại diện SCIC khẳng định: "SCIC chỉ thực hiện quyền cổ đông trong phạm vi tỷ lệ sở hữu của mình, không có chỉ đạo dưới bất kỳ hình thức nào để hạn chế quyền đề cử và ứng cử của các cổ đông nhỏ khác". Theo thông tin SCIC nắm được, tại cuộc họp ĐHCĐ, cổ đông có đề nghị dồn phiếu đề cử ứng viên tham gia Ban kiểm soát, song ứng viên được đề cử từ chối. Tại cuộc họp này, không có nhóm cổ đông nào đề cử ứng viên tham gia HĐQT.

Do đặc thù quản lý vốn nhà nước tại hơn 800 doanh nghiệp, nên vào mùa ĐHCĐ, SCIC không có điều kiện cử cán bộ tham gia tất cả các cuộc họp ĐHCĐ của doanh nghiệp mà SCIC có sở hữu vốn. Khúc mắc giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ có thể xảy ra tại các cuộc họp và cần được giải đáp thỏa đáng. Về vấn đề này, đại diện SCIC cho hay, sẵn sàng tiếp nhận phản ánh của NĐT để xác minh và có hình thức ứng xử phù hợp. Quy chế Người đại diện của SCIC cũng đã đưa ra những quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, làm sai thì chịu phạt!