ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Chấp nhận lỗ lớn để thanh lý tài sản

ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Chấp nhận lỗ lớn để thanh lý tài sản

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) diễn ra sáng nay (26/6/2017) tại tỉnh Bình Dương, ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT TTF chia sẻ về mục tiêu sắp tới của TTF là trở thành doanh nghiệp sạch về nợ ngân hàng, sạch về hàng tồn kho vì lượng gỗ cũ không thể đưa vào sản xuất kinh doanh.

Tại đại hội, ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc TTF năm 2016, doanh thu thuần của Công ty chỉ đạt 643 tỷ đồng, lỗ trước thuế 1.295 tỷ đồng, các chỉ số tài chính của Công ty đều rất tệ.

Thay đổi chủ yếu từ tổng tài sản giảm 664 tỷ đồng, chủ yếu giảm hàng tồn kho hơn 632 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng 669 tỷ đồng.

Ông Tín cho biết, quan trọng của nhóm cổ đông mới tham gia điều hành công ty là nỗ lực làm thực. Cụ thể, năm 2017, dự kiến doanh thu 1.267 tỷ đồng.

Để làm được điều này, công ty tìm kiếm các khách hàng mới và sẽ mở rộng sang các dự án của các đơn vị phát triển bất động sản. Trước đó, Công ty đã ký thỏa thuận nguyên tắc giá trị 16.000 tỷ đồng với Tập đoàn Vingroup và mới đây nhất là ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Đất Xanh.

Đối với mảng xuất khẩu, TTF tiếp tục giữ lại các khách hàng tốt vì TTF có lợi thế về mảng này.

Ông Tín chia sẻ, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên có hệ thống kho chứa đồ gỗ lớn nhất trên thế giới. Theo đó, TTF có thế mạnh trong việc tiếp thị với các nhà bán lẻ đồ gỗ lớn là trong tầm tay.

Tuy nhiên, việc khó là nâng cấp nhà máy đạt chuẩn để có thể cung cấp hàng chất lượng cho các khách hàng tiềm năng này.

"Nhìn vào nội lực các nhà máy hiện tại của TTF ở thời điểm này, thì Công ty không thể làm hơn con số 1.267 tỷ hàng năm", ông Tín nói..

Theo ông Tín, sắp tới, TTF sẽ được cải tổ triệt để đạt chuẩn về năng suất, giá thành cạnh tranh. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ nâng cấp nhà máy sản xuất cửa, tủ và đưa nhà máy ván sàn đi vào hoạt động.

Để làm được việc đó, TTF cần nhà máy sạch, gọn và hiệu quả. Do vậy, cần xử lý hàng tồn kho rất lớn đang nằm rải rác trong nhà máy. Có những lượng gỗ tồn tại ở Trường Thành gần 10 năm.

“Đây là điều không thể chấp nhận được. Công ty cố gắng có lãi dù thấp trong năm 2017. Việc này sẽ giúp cổ phiếu của công ty không bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE”, ông Tín nói.

Về thanh lý, ông Tín cho biết, TTF cần chấp nhận lỗ lớn trong năm 2018 và việc này không thể không làm.

“Tôi muốn làm ngay trong 2017 nhưng không làm được và sẽ hoàn thành trong đầu năm 2018. Sau đó, sẽ là các bước mạnh mẽ, đủ lực để TTF tiến xa phía trước”, ông Tín khẳng định...

ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Chấp nhận lỗ lớn để thanh lý tài sản ảnh 1

Ban lãnh đạo của TTF 

Đầu tư Chứng khoán lược trích phần thảo luân giữa cổ đông và Ban lãnh đại TTF tại Đại hội:

Cổ đông: Diện tích rừng trồng hiên nay của TTF được định giá ra sao? Trước đây, TTF kỳ vọng về diện tích rừng vì đảm bảo được xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu, tạo thuận lợi trong việc xuất khẩu, nay vì sao Công ty có tờ trình thoái vốn ngoài ngành (bao gồm trồng rừng)? Nếu thoái vốn thì mang về bao nhiêu? Ngoài ra, giá vốn TTF đầu tư tại khu đất 56 ha tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) và tỷ lệ sở hữu tương ứng là bao nhiêu?

Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT: HĐQT TTF có tờ trình xin cổ đông cơ cấu lại khoản đầu tư dài hạn bao gồm rừng, bất động sản tại Nhơn Trạch và ở các công ty con.

Về rừng, hiện con số cổ đông nghe 100.000 ha là không chính xác. Diện tích mà TTF được giao trồng là 33.000 ha và diện tích trồng thực hiện nay 9.500 ha. Công ty chưa định giá vùng rừng trồng, ngay sau khi cổ đông thông qua tờ trình, HĐQT sẽ tiến hành thuê các tổ chức định giá, nhưng cam kết khi thoái vốn sẽ không lỗ.

Đối với khu đất ở Nhơn Trạch, vốn thực góp của TTF là 199 tỷ đồng, tương ứng 41,79%. HĐQT sẽ nghiên cứu phương án thoái vốn với mục tiêu đảm bảo vốn cho cổ đông. Trong phần đất Nhơn Trạch này, có 18 ha đất trong dự án và 12,5 ha đất ngoài dự án

Tồn kho hiện 1.700 tỷ đồng, đã được kiểm toán đánh giá lại và ghi nhận lỗ vào năm 2016. Vậy khi thanh lý năm 2018, ghi nhận lỗ như thế nào?

Ông Mai Hữu Tín: Hai con số này khác nhau. Số mà kiểm toán EY kiểm định là số phát hiện chênh lệch trên chứng từ, còn thực tế đã chênh lệch rồi. Giá trị nguyên liệu tồn trên sổ sách và hàng thực có trong kho, khi định giá lại theo giá thị trường, chênh rất lớn.

Ví dụ kho còn 1.000 m3, giá 1.000 USD/m3, giá trị sổ sách 1 triệu USD. Hàng trong kho đúng là có 1.000 m3, nhưng theo giá thị trường hiện tại, với chất lượng hiện nay, thì giá trị trong không còn là 1 triệu USD.

Con số chênh lệch bao nhiêu tôi không thể nói chính xác ngay bây giờ mà phải đợi bán xong mới biết được. Có thể lỗ vài trăm tỷ đồng. Năm 2018 sẽ là năm lỗ cuối cùng của TTF

Tân Liên Phát có còn là cổ đông của TTF?

Ông Mai Hữu Tín: Hiện tại là không

Kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu như thế nào, công ty đang đàm phán với  đối tác nào?

Ông Mai Hữu Tín: Để phát hành 1.000 tỷ đồng với giá mệnh giá thì có nhiều e dè, nhưng chúng tôi phải quyết phát hành để trả nợ gốc và lãi suất, hiện khoảng 11%/năm.

Mục tiêu của TTF kéo về 5-6%, do vậy cần phải sạch sẽ về nợ và hàng tồn kho rồi làm việc với ngân hàng lớn.

Nếu phát hành không ai mua, thì tôi  và anh Dũng (ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT - PV) sẽ mua.

Khi nào lãnh đạo cũ sử dụng tài sản để đền bù thiệt hại? Đối với cổ phiếu của lãnh đạo cũ, Công ty dự kiến làm gì?

Ông Mai Hữu Tín: Ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT đã có văn bản cho biết, sẽ không bàn giao tài sản và chờ đợi kết luận cơ quan điều tra. Do đó, đối với tài sản cũ cần tiếp tục chờ đợi kết luận cuối cùng.

Tại sao đầu tư vào TTF để gánh trách nhiệm “trả nợ”, trong khi nguồn lực cổ đông mới hoàn toàn có thể làm 1 cái mới?

Ông Mai Hữu Tín: Trường Thành vẫn có giá trị của Trường Thành, thể hiện qua TTCK, thể hiện qua chính định giá mà cổ đông mới là chúng tôi định giá.

ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Chấp nhận lỗ lớn để thanh lý tài sản ảnh 2

Chúng ta tưởng tượng một doanh nghiệp mới không thể nào có thể ký hợp đồng 16,000 tỷ đồng với VIC… Đó là những giá trị rất lớn. Không phải đơn giản mà VIC đồng ý, việc đàm phán thành công thì chúng tôi mới dám bước chân vào TTF.

Vì sao 4,5 triệu cổ phiếu TTF (phát hành để hoán đổi cổ phiếu Bình Dương 2) chưa được niêm yết?

Ông Hồ Anh Dũng: Cuối 2015, TTF phát hành 4,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi Bình Dương 2. Sau đó HOSE yêu cầu nộp BCTC kiểm toán và ý kiến thẩm định về tỷ lệ hoán đổi 1:1, nhưng sau đó TTF xuất hiện thông tin lỗ lớn.

Hiện nay, Sở GDCK TP.HCM cho biết, sau kết quả bán niên 2017 thì mới có quyết định cho niêm yết hay không.

TTF xuất thân từ xuất khẩu, vậy tại sao trong thời gian tới lại tập trung phát triển nội địa?

Ông Mai Hữu Tín: TTF trước đây là công ty xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời rất tốt nếu không muốn nói tốt nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng này đã không còn được ưa chuộng nữa, do đó TTF thay đổi theo chiến lược kinh doanh đồ gỗ trong nhà (chất lượng tốt hơn).

Rất nhiều công trình bất động sản lớn sử dụng gỗ Trung Quốc, đây là điều vô cùng xấu hổ đối với ngành gỗ trong nước.

Khi làm xuất khẩu với đơn hàng lớn, thời gian ổn định rõ ràng thì dễ làm hơn, còn trong nước, đơn hàng quy mô nhỏ hơn, thời gian gấp hơn, nhưng tại Việt Nam làm gỗ  có lời, vậy thì tại sao không làm mà để doanh nghiệp nước ngoài lấn chiếm thị trường nội địa.

Cổ đông: Xin HĐQT Công ty chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch 5 năm tiếp theo?

Ông Mai Hữu Tín: Kế hoạch giai đoạn 2017-2021 tăng trưởng doanh thu kịch trần 20% mỗi năm. Vì sao kịch trần thì đây là quan điểm về quản trị.

Nếu một doanh nghiệp tăng vài chục phần trăm, năm sau lại sụt giảm sẽ tạo nên gánh nặng lớn lên đội ngũ quản lý, nhân sự công ty. Quan điểm của tôi, không phải khi thị trường tốt thì chạy tối đa, xấu thì thụt lùi, mà phải đi đều, ổn định để có lợi cho tất cả các bên liên quan. 

Tin bài liên quan