Năm 2007, số lượng hàng hoá qua cảng đạt tốc độ tăng mạnh (tốc độ tăng chủ yếu là do khối lượng hàng hoá nhập tăng, như hàng hoá lỏng nguyên khối, lượng nhập quý I/2008 tăng nhiều so với khối lượng nhập cả năm 2007). Trong đó, điển hình là Cảng Cần Thơ. Trong quý I, cảng này đã bốc xếp 300.000 tấn hàng hóa các loại, doanh thu đạt 23 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2007, sản lượng vượt trên 20% và vượt gần 15% kế hoạch năm 2008. Ngoài ra, phải kể đến Cảng Sài Gòn với kết quả hoạt động kinh doanh rất khả quan trong năm 2007. Cụ thể, tổng sản lượng đạt 13,6 triệu tấn hàng thông quan, tổng doanh thu gần 670 tỷ đồng; sản lượng, thu nhập của Cảng và người lao động đến năm 2007 đang giữ mức kỷ lục trong ngành, với mức tăng trưởng lần lượt là 18,3%, 39% và 83% so với năm 2003 - năm đầu tiên Cảng Sài Gòn đón nhận chủ trương di dời. Đối với Cảng Hải Phòng, tháng 2/2008, tổng sản lượng hàng hoá thông quan là 1,102 triệu tấn, đạt 106,55% kế hoạch tháng, bằng 90,65% tháng 1/2008, góp phần đưa sản lượng 2 tháng đầu năm lên 2,319 triệu tấn.
Các công ty khai thác cảng đã niêm yết
Số lượng công ty khai thác cảng trên hai sàn HOSE và HASTC tuy nhiều nhưng quy mô vốn không cao. Thêm vào đó, nhiều công ty lại đi theo hướng phát triển đa lĩnh vực, chỉ có một vài công ty điển hình chuyên sâu vào khai thác cảng hoặc mạnh về lĩnh vực này như VFC, VFR, DXP, GMD, VGP…
Chúng ta sẽ xem xét một vài chỉ tiêu tài chính quý IV/2007 của các công ty điển hình:
Về khả năng thanh toán ngắn hạn, TMS có khả năng thanh toán cao nhất. Tiếp theo là VGP (3,4), còn lại đều thấp hơn so với trung bình ngành. Tuy khả năng thanh toán ngắn hạn cao nhưng khả năng thanh toán nhanh của TMS chỉ đứng thứ 2, thấp hơn so với trung bình ngành, chỉ tiêu này đứng đầu là VGP (2,33).
Các chỉ tiêu về cơ cấu vốn: đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng, việc đầu tư đổi mới đòi hỏi phải có vốn rất lớn và huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Hầu hết công ty khai thác cảng đã niêm yết đều có cơ cấu vốn với tỷ lệ nợ thấp so với tổng tài sản (trừ VFC) nên việc huy động từ nguồn vốn vay khá dễ dàng.
Chỉ tiêu về năng lực hoạt động: do đặc thù của ngành, vòng quay tài sản của các công ty thấp (trung bình ngành của hai chỉ tiêu vòng quay tổng tài sản và tài sản cố định lần lượt là 0,25 và 0,77). Vòng quay các khoản phải thu của TMS cao hơn hẳn các công ty khác cũng như trung bình ngành, chứng tỏ công tác thu hồi nợ của TMS tốt và ít bị đọng vốn trong khoản phải thu.
Về chỉ tiêu EPS, chỉ có GMD có EPS là cao (6.797,62 đồng) còn lại đều thuộc mức khá thấp, mức trung bình 3.674,08 đồng. Tuy vậy, ROA của nhóm này khá cao, thể hiện mức sinh lợi trên tài sản đạt 10,34%. Tuy vậy, ROE chỉ đạt mức trung bình so với toàn thị trường.
Mặc dù hiện tại, kết quả tài chính của các công ty khai thác cảng còn hạn chế so với tiềm năng, tuy nhiên thời gian tới, với chính sách phát triển kinh tế biển đến năm 2020 mà Đảng và Nhà nước đã xây dựng, đi kèm với vị trí thuận lợi và đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, ngành kinh doanh khai thác cảng biển Việt Nam đang là địa chỉ hấp dẫn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Từ năm 2006 trở lại đây, đầu tư nước ngoài vào cảng biển đã bắt đầu sôi động, hàng loạt dự án phát triển cảng và xây dựng cơ sở hạ tầng đã được ký kết và bắt đầu khởi công. Từ đó hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh của ngành hàng hải nói chung và các công ty khai thác cảng nói riêng.