
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư sẽ bổ sung ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ hỗ trợ giao dịch trên thị trường các-bon” và ngành, nghề “hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản mã hoá” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thị trường carbon và thị trường tài sản mã hóa, tài sản số phát triển mạnh thời gian gần đây, nhiều quốc gia cũng đang hoàn thiện hành lang pháp lý về các lĩnh vực này.
Bà Trương Hạnh Linh, thành viên điều hành Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam cho hay, theo thống kê mới nhất được thực hiện bởi Mastercard vào năm 2024, vốn hóa thị trường tài sản số đạt khoàng 2.700 tỷ USD và 12/20 nước thuộc nhóm G20, chiếm 57% GDP toàn cầu đã có quy định liên quan đến các tài sản số. Những con số trên cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đối với các tài sản kỹ thuật số trong giai đoạn vừa qua đến từ thị trường và các bên liên quan.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia dẫn đầu thế giới về mức độ tiếp cận và sử dụng tài sản số. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý chính thức cho loại hình đầu tư tài sản số, mặc dù các hoạt động mua - bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn đang diễn ra rất sôi động và thông qua các sàn quốc tế; hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp. Điều đó đã và đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, các yêu cầu về định giá cũng như quản lý kiểm soát rủi ro đối với loại tài sản này.
Riêng với tín chỉ carbon, theo bà Linh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 số 72/2020/QH14 xác định: tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn C02 hoặc tương đương, cho thấy bước đầu thừa nhận về mặt thương mại tín chỉ carbon. Tuy vậy, hành lang pháp lý về tín chỉ carbon vẫn cần bổ sung, hoàn thiện thêm nữa.
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia thậm chí còn đề nghị có thể hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép thí điểm coi tín chỉ carbon và tài sản số làm tài sản đảm bảo của ngân hàng.
"Việt Nam cần tìm hiểu và học hỏi các bài học kinh nghiệm thực tế từ một số quốc gia như EU, Singapore hay Brazil trong việc triển khai thị trường trao đổi tín chỉ carbon cũng như việc đưa tín chỉ này trở thành tài sản đảm bảo trong hoạt động tín dụng. Sự công nhận tín chỉ carbon là tài sản và phải định nghĩa rõ ràng là một loại “tài sản” hay “quyền tài sản” trong Bộ luật Dân sự; có thể định giá, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, tương tự cổ phiếu, trái phiếu. Quy định về thế chấp, xử lý khi bên vay mất khả năng thanh toán, hướng dẫn cơ chế định giá và có bảng giá giao dịch tín chỉ carbon cập nhật thường xuyên, được chấp nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước hoặc sàn giao dịch. Việt Nam đã có Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải và phát triển thị trường carbon, tuy nhiên cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể về giao dịch, mua bán, thế chấp tín chỉ", bà Linh kiến nghị.
Trong khi đó, theo TS. Luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Salus, Việt Nam nên nghiên cứu ban hành luật hoặc Nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: nhà phát hành, sàn giao dịch, nhà đầu tư và yêu cầu cấp phép hoạt động. Mặt khác, tăng cường giám sát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý.
Ngoài ra, cần công khai thông tin về các rủi ro, phí giao dịch, và tiêu thụ năng lượng của các Dự án tài sản số để bảo vệ người tiêu dùng và môi trường; Phát triển cơ chế pháp lý cho hợp đồng thông minh, đảm bảo tính ràng buộc pháp lý khi sử dụng trong thế chấp tài sản số; Cho phép thế chấp tài sản số trong giao dịch bất động sản, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài và tối ưu hóa thuế…
Trong giai đoạn trước mắt có thể ban hành quy chế thử nghiệm sandbox cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thí điểm cho vay thế chấp bằng tài sản số trong 3-5 năm; Đánh giá kết quả thí điểm để điều chỉnh khung pháp lý, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới và kiểm soát rủi ro; Ưu tiên các tài sản số có tính thanh khoản cao trong giai đoạn thử nghiệm; xem xét thành lập cơ quan chuyên trách giám sát thị trường tài sản số, đảm bảo tuân thủ quy định về vốn, quản trị rủi ro, và chống rửa tiền.
Một trong những nội dung cần triển khai chương trình giáo dục người dân về rủi ro của tài sản số và cách sử dụng an toàn các nền tảng thế chấp số; xây dựng hệ thống cảnh báo và hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư gặp rủi ro trong giao dịch tài sản số.