Quý III, TCM ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.

Quý III, TCM ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.

Điểm sáng cổ phiếu xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý III/2023 của nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu chưa thoát được đà suy giảm. Song với tín hiệu đơn hàng hồi phục rõ ràng hơn và tính chu kỳ, lợi nhuận của nhóm này được kỳ vọng sẽ tích cực trong quý cuối năm nay và đầu năm sau.

Các mảng màu đối lập

Quý vừa qua, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) ước đạt doanh thu 936 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 105 tỷ đồng, giảm 24% về doanh thu nhưng lại tăng 14% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 104,88 triệu USD (tương đương 2.527 tỷ đồng), lãi sau thuế 6,73 triệu USD (tương đương 162 tỷ đồng) giảm lần lượt 27% và 26% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, ở thời điểm hiện tại, công suất hoạt động của Công ty đang ở mức 85 - 90%, cao hơn 10% so với quý trước. Công ty vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý I/2024. Hàng tồn kho đã ghi nhận giảm, cùng với kỳ vọng từ mùa cao điểm mua sắm lễ hội cuối năm sẽ giúp doanh thu và lợi nhuận quý IV tăng trưởng từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, theo đánh giá của lãnh đạo TCM, để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 245 tỷ đồng cả năm là rất khó, có thể chỉ đạt 90% kế hoạch.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023. Trong quý III, FMC ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 89 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

FMC cho biết, kết quả này đến từ mảng kinh doanh tôm của công ty thành viên Khang An (lãi 7,76 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 20,70 tỷ đồng và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp). Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FMC đạt 3.934,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 213,5 tỷ đồng, giảm gần 15% về doanh thu và giảm hơn 11% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho của Công ty tăng gần 34%, lên 1.241,7 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm. Đây chính là lượng hàng chuẩn bị cho mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) công bố kết quả kinh doanh quý III với những con số không mấy khả quan, doanh thu thuần gần 378 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17 tỷ đồng, giảm lần lượt 27% và 67% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, lợi nhuận giảm chủ yếu do doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu thuần gần 1.073 tỷ đồng và lãi sau thuế 56 tỷ đồng, giảm tương ứng 36% và 72% so với cùng kỳ, thực hiện 50% kế hoạch doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận năm.

Thị trường nội địa hiện đóng góp hơn 60% vào doanh thu của Sợi Thế Kỷ; gần 40% doanh thu còn lại từ thị trường xuất, chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Trong quý III/2023, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) ghi nhận doanh thu 1.123,48 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 75,67 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, DRC ghi nhận doanh thu đạt 3.397,81 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 151,97 tỷ đồng, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Công ty mới hoàn thành 57,6% kế hoạch lợi nhuận.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc DRC cho biết, Công ty có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khó khăn nhất hiện nay là Mỹ, với mong muốn kết thúc năm 2023, doanh thu từ thị trường này sẽ tăng 20 - 25% so với năm 2022. Thị trường châu Mỹ hiện đang chiếm 40 - 45% doanh thu của DRC, thị trường châu Á chiếm 20 - 30%, còn lại là ở các thị trường khác.

Cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng

Với việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, việc VND yếu đi cũng giúp cho các sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang được kỳ vọng có kết quả kinh doanh phục hồi nhờ nhu cầu giao thương tăng trở lại, lượng đơn hàng cải thiện trong mùa cao điểm cuối năm.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đều đang có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2023 đạt 31,41 tỷ USD, tăng trưởng so với cùng kỳ và kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong các tháng cuối năm.

Dù vậy, như chia sẻ của ông Nguyễn Như Tùng, về nguyên tắc, các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ yếu tố tỷ giá tăng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp cũng phải dùng ngoại tệ để mua nguyên liệu đầu vào, nên hưởng lợi từ tỷ giá USD/VND là không đáng kể.

Từ góc nhìn của ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS), khi Việt Nam mở rộng tham gia các hiệp định thương mại tự do thì chắc chắn các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên khi lựa chọn nhóm doanh nghiệp này, cần có sự phân tích kỹ từng ngành nghề cụ thể để đánh giá cơ hội.

Không phải doanh nghiệp nào liên quan đến xuất khẩu cũng hưởng lợi, thậm chí nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh có phần thụt lùi, do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình quan tâm.

“Các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu thường có chu kỳ lợi nhuận khá đặc thù trong năm, lợi nhuận các quý khá chênh lệch. Thời điểm cuối năm thường sẽ là lúc thị trường xuất khẩu sôi động nhất, nên các doanh nghiệp luôn có kết quả kinh doanh tích cực vào quý IV năm nay và quý I năm sau. Đó cũng là một lợi thế nếu nhà đầu tư muốn đón đầu các cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Linh nêu quan điểm.

Thực tế, sau nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường chung vừa qua, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã có mức chiết khấu khá mạnh. Chẳng hạn, sau 3 phiên giảm mạnh đầu tuần qua, cổ phiếu MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng đã giảm xuống mức 38.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 6.800 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước nữa.

Nhờ lực cầu bắt đáy trong hai phiên cuối tuần, cổ phiếu này hồi phục về 40.900 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 20/10. Hay cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI rơi về mức 11.700 đồng/cổ phiếu trong phiên 19/10, giảm 3.700 đồng/cổ phiếu so với đỉnh ngắn hạn vào ngày 18/9, tương ứng mức giảm 24%.

Trước phiên hồi phục mạnh vào cuối tuần qua, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn rơi về mức giá 70.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm gần 20% so với phiên 21/9...

Những nhịp giảm mạnh như vậy sẽ là cơ hội tích lũy tốt với cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp có nền tảng tốt, triển vọng hồi phục kết quả kinh doanh trong quý cuối năm.

Tin bài liên quan