Kết thúc năm tài chính 2023, VNR chính thức bước ra khỏi vòng xoáy thua lỗ . Ảnh: Đức Thanh

Kết thúc năm tài chính 2023, VNR chính thức bước ra khỏi vòng xoáy thua lỗ . Ảnh: Đức Thanh

Điểm sáng trong kinh doanh của 5 “ông lớn” giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Việc có tới 4/5 tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, vận tải có vốn nhà nước chi phối ghi nhận lợi nhuận vượt kế hoạch là hàn thử biểu chính xác cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều điểm sáng

Mặc dù còn phải đợi kiểm toán xác nhận chính thức, nhưng sự tích cực là điều có thể nhận thấy trong kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 của 5 tổng công ty chuyển từ Bộ Giao thông - Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Cụ thể, có tới 4/5 tổng công ty nói trên ghi nhận lợi nhuận dương, thậm chí nếu xét về các chỉ tiêu kinh doanh được chủ sở hữu phần vốn nhà nước giao hồi đầu năm thì cả 5/5 tổng công ty đều đạt hoặc vượt.

Trong số này, ACV là đơn vị có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất, khi kết thúc năm tài chính 2023, doanh nghiệp đang vận hành khai thác 22/23 cảng hàng không trong toàn quốc có tổng doanh thu đạt 20.034 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế ACV đạt 8.646 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước 2.051 tỷ đồng.

Kết quả này có được là nhờ trong năm 2023 có tới 114 triệu lượt khách thông qua các cảng hàng không của ACV, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế là 33 triệu lượt, tăng 176% so với năm 2022.

Cũng trong năm 2023, ACV khởi công được 3 gói thầu xây lắp có tổng vốn đầu tư lên tới 53.000 tỷ đồng, thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và Dự án thành phần 3, Dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, bằng nguồn vốn tự có và vốn tín dụng.

“Đến nay, tiến độ thực hiện các hạng mục của 2 dự án nói trên đều bám sát kế hoạch, đáp ứng đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết.

Là một trong số các doanh nghiệp vận tải chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19, VNR liên tục phải ghi nhận những khoản lỗ lớn trong suốt giai đoạn 2020 - 2022. Tuy nhiên, nhờ một loạt giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, cải thiện dòng tiền và khôi phục sản xuất, kinh doanh như đẩy mạnh khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, tàu hàng nhanh, container và chạy thêm đoàn tàu liên vận quốc tế; tổ chức các đoàn tàu vận tải hành khách chất lượng cao, nên kết thúc năm tài chính 2023, VNR chính thức bước ra khỏi “vòng xoáy” thua lỗ.

Cụ thể, trong năm 2023, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm và bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó Công ty mẹ đạt 6.247 tỷ đồng doanh thu, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 4,5 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch năm 2023 (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).

Cần phải nói thêm rằng, tại Quyết định số 310/QĐ - UBQLV của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đạt tổng doanh thu 6.505 tỷ đồng, trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) >0,0% (lớn hơn 0,0%); không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn > 1.

Trên thực tế, kết quả sản xuất, kinh doanh của VNR có thể còn ghi nhận kết quả tốt hơn nếu hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường sắt về đích đúng kế hoạch đề ra.

Theo lãnh đạo VNR, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải hàng hóa năm 2023 giảm, nên doanh thu vận tải hàng hóa bằng đường sắt không đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 (doanh thu đạt 95,1% kế hoạch, bằng 82,5% so với cùng kỳ năm 2022).

“VNR đang phấn đấu để đường sắt không chỉ là loại hình vận tải thuần túy, đưa hành khách từ điểm A đến điểm B, mà nó còn là phương tiện để du khách trải nghiệm, tìm hiểu nhiều giá trị di sản lịch sử, văn hóa các vùng miền khác nhau của đất nước, tận hưởng những phút giây thư giãn”, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR cho biết.

Cần thêm lực đỡ

Mặc dù cũng phải chịu tác động kép từ suy thoái kinh tế và biến động giá nhiên liệu, nhưng trong năm 2023, VIMC vẫn nối dài được “phong độ” kinh doanh có được từ năm 2021.

Theo lãnh đạo VIMC, trong năm 2023, sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty ước đạt 20,6 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong năm 2023, lợi nhuận của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 59 trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, được tôn vinh là doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, do Vietnam Report đánh giá.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh năm 2023, tình hình thị trường vận tải biển có nhiều biến động, trong đó thị trường tàu hàng khô liên tục suy giảm, đặc biệt tại các phân khúc Supramax, Handysize, với sản lượng các mặt hàng chính như than, quặng, clinker, ngũ cốc sụt giảm nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong năm 2023, chỉ số BDI (chỉ số đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô như quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc) có những thời điểm giảm xuống mức rất thấp, dao động ở mức 500 điểm (là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020). Thị trường vận tải container cũng suy giảm rất mạnh khi chỉ số World Container Index (WCI) giảm liên tục, thậm chí giảm tới trên 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Một “ông lớn” giao thông khác cũng có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm 2023 là VEC, khi đơn vị đang khai thác 4 tuyến cao tốc trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, dự kiến đạt tổng doanh thu 5.658,4 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 607,3 tỷ đồng.

Trong đó, công ty mẹ VEC đạt 5.255 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận sau thuế của toàn tổng công ty dự kiến đạt 607,3 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 593 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm.

Cũng trong năm 2023, VEC đã thu xếp được 4.766,74 tỷ đồng để trả nợ gốc, lãi, phí cho các khoản vay đầu tư 5 dự án đường cao tốc, trong đó trả nợ nước ngoài của các dự án (3.420,74 tỷ đồng), trả gốc, lãi trái phiếu (580 tỷ đồng) và hoàn trả Bộ Tài chính 766 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu công trình Bộ Tài chính đã ứng trả cho VEC.

Trong số 5 tổng công ty giao thông hiện do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đại diện phần vốn nhà nước, Vietnam Airlines là đơn vị gặp nhiều khó khăn nhất.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trong năm 2023, thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, với sản lượng hành khách quốc tế cả năm ước khoảng 30 triệu lượt hành khách, tương đương 75% sản lượng năm 2019, trong đó nhu cầu đi lại trong những tháng cuối năm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - những thị trường trọng điểm tăng trưởng chậm lại. Thị trường vận tải hành khách nội địa tuy phục hồi về mức năm 2019, nhưng có dấu hiệu chững lại từ giữa cao điểm hè năm 2023 và suy giảm đều trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, giá nhiên liệu bay diễn biến ở mức cao (trung bình 106 USD/thùng), vượt xa kế hoạch được Hãng xây dựng; tỷ giá diễn biến bất lợi; biến động địa chính trị trên thế giới rất phức tạp.

Song, nhờ nỗ lực cao độ, cùng các giải pháp điều hành linh hoạt, Vietnam Airlines đã đạt được kết quả kinh doanh rất tích cực, trong đó lỗ hợp nhất giảm hơn 50% so với kế hoạch. Kết quả kinh doanh tích cực nói trên giúp Vietnam Airlines mạnh dạn đặt mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.

Hiện Vietnam Airlines tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hãng cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường như đã áp dụng trong giai đoạn Covid-19 và các chính sách hỗ trợ chung cho ngành vận tải hàng không.

“Cùng với lực đỡ từ Chính phủ và việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp theo đề án này sẽ giúp bổ sung dòng tiền, thu nhập, phục hồi năng lực tài chính của Vietnam Airlines, đưa Vietnam Airlines về trạng thái tài chính lành mạnh, các chỉ số tài chính được cải thiện đủ điều kiện để duy trì niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM”, ông Hòa khẳng định.

Tin bài liên quan