Điểm sáng vĩ mô sẽ lan sang chứng khoán

Điểm sáng vĩ mô sẽ lan sang chứng khoán

(ĐTCK) Diễn biến kinh tế vĩ mô được cập nhật mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác cho thấy, nhiều điểm sáng bắt đầu xuất hiện.

Tín dụng “ấm” dần

Tâm điểm của diễn biến vĩ mô ở thời điểm này liên quan nhiều đến hai yếu tố: đầu vào và đầu ra của DN. Nếu như ở khía cạnh đầu vào, sự chú ý đang đổ dồn vào diễn biến khơi thông dòng vốn cho DN, thì tâm điểm của câu chuyện đầu ra là hàng tồn kho được cải thiện đến đâu?

Thông tin mới nhất từ cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu và đầu tư tháng 5/2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức cho thấy, cả hai yếu tố trên bắt đầu có những điểm sáng, dù khó khăn vẫn còn nhiều.

Điểm sáng vĩ mô sẽ lan sang chứng khoán ảnh 1

Bà Nguyễn Huyền Diệu, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tăng trưởng tín dụng đang tốt dần qua các tháng. Tính đến ngày 20/5, tín dụng tăng trưởng 2,1% so với cuối năm 2012. Đây là tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng 4/2013. Cụ thể, trong năm ngoái, tính đến tháng 5/2012, tăng trưởng tín dụng vẫn âm và chỉ bắt đầu dương từ tháng 6/2012. Diễn biến tín dụng đến tháng 5/2013 cho thấy, tín dụng đang chảy vào nền kinh tế theo hướng tăng dần. Tín dụng dần khởi sắc nhờ Quyết định 780/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ...

Theo đại diện NHNN, nhiều khoản nợ quá hạn đã không bị chuyển sang nợ xấu, nên tạo thuận lợi cho DN tiếp cận tín dụng. Nếu không thực hiện Quyết định 780 thì các tổ chức tín dụng đã phải trích lập dự phòng rủi ro thêm 13.810 tỷ đồng. Bởi vậy, thay vì bị “nhốt” chặt, số tiền này được sử dụng cho DN vay sản xuất - kinh doanh.

Một tín hiệu tích cực khác hỗ trợ cho tín dụng chảy nhanh hơn đến DN, theo bà Diệu, đó là nợ xấu đang giảm. Việc này do NHNN chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng rủi ro để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Tổng mức trích lập dự phòng rủi ro những tháng đầu năm nay so với cuối năm 2012 giảm mạnh, còn khoảng 68.500 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2013.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, để làm hồi sinh nền kinh tế và DN, nếu chỉ có giải pháp tiền tệ thôi là không đủ, mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính sách tài khóa. Theo đó, Bộ Tài chính cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Qua đó, góp phần tăng sức cầu cho nền kinh tế, khơi thông đầu ra cho DN.

“Ngoài tập trung huy động nguồn vốn qua kênh trái phiếu chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn này”, ông Tô Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nói và cho biết, chính sách tài khóa đang phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, cũng như tiếp sức cho DN sớm vượt qua khó khăn.

Một tín hiệu vĩ mô tích cực khác là chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng trước. Diễn biến này đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các giải pháp kích cầu nền kinh tế, cũng như hỗ trợ DN nhanh và mạnh hơn.

 

Tồn kho đang giảm

Theo ông Huỳnh Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, chỉ số hàng tồn kho đang có xu hướng giảm. Tín hiệu này đã được phát đi từ tháng trước, khi trong tháng 4/2013, chỉ số hàng tồn kho giảm so với 3 tháng đầu năm. Tính đến ngày 1/5, chỉ số hàng tồn kho giảm khoảng 0,8% so với cùng kỳ năm 2012. Một số ngành hàng có chỉ số hàng tồn kho giảm mạnh như: thuốc lá, vải may mặc, ô tô, xe máy… Tuy số liệu thống kê chưa làm rõ chỉ số hàng tồn kho giảm do DN giải phóng được hàng tồn kho, hay do cắt giảm sản xuất, nhưng diễn biến trong tháng 5 cho thấy, các DN đã đỡ vất vả hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tháng 5/2013, cả nước nhập siêu gần 2 tỷ USD. Qua theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công thương cho biết, nhập siêu là một trong những chỉ số phản ánh đà hồi phục tình hình hoạt động sản xuất trong nước, bởi hầu hết nhập siêu là nhập các loại nguyên, nhiên liệu phục vụ các ngành sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, những điểm sáng xuất hiện trên bức tranh kinh tế vĩ mô đang dần nhiều hơn, các giải pháp cải thiện sức cầu cho nền kinh tế, cũng như DN khôi phục sản xuất - kinh doanh cần được triển khai rốt ráo hơn.

Diễn biến của kinh tế vĩ mô trong tháng 5 đang phần nào được phản ánh trên TTCK. Trong những phiên giao dịch cuối tháng 5, sau khi chinh phục ngưỡng tâm lý quan trọng 500 điểm, VN-Index vẫn giữ được mốc hơn 500 điểm tại phiên chốt tuần ngày 24/5. Cùng với điểm số tăng, thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện.  

Tháng 5/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, IIP tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 5/2013 ước đạt hơn 215.000 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đầu năm tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

“Lãi suất giảm và DN dễ tiếp cận vốn vay hơn”

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS)

So với đầu năm nay, tình hình vĩ mô bớt căng thẳng hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Dưới góc nhìn của các DN, điều này được thể hiện rõ nét ở sức cầu của nền kinh tế yếu, nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Cải thiện đáng kể nhất của tình hình kinh tế vĩ mô là lãi suất giảm, nên với khá nhiều DN, tiếp cận vốn lúc này không còn quá khó khăn. Mặc dù vậy, từ thực tế hoạt động của DN cho thấy, hàng tồn kho giảm một phần do DN cắt giảm quy mô sản xuất, thích ứng với tình hình sức tiêu thụ giảm, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động. Mối quan tâm nhất lúc này đối với DN là bao giờ sức cầu được cải thiện, khơi thông đầu ra cho DN, từ đó khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

 

“Tháng 6, khả năng TTCK đi lên”

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HCM)

Tuy tình hình vĩ mô vẫn còn không ít khó khăn, nhưng nếu đem diễn biến của tháng 5 này so với các tháng đầu năm, thì mức độ khó khăn đang giảm dần. CPI tiếp tục giảm trong tháng 5/2013, trên cơ sở đó tạo cơ sở cho triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế và DN một cách quyết liệt, dứt khoát hơn trong thời gian tới. Bên cạnh lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá tương đối ổn định cho phép các cân đối vĩ mô có dư địa giữ được sự thăng bằng hơn.

Diễn biến vĩ mô tháng 5 có những điểm khả quan sẽ tác động tích cực đến TTCK trong thời gian tới. Thêm vào đó, tín hiệu chính sách cho thấy, Chính phủ đang tập trung triển khai thêm các giải pháp nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm tăng sức cầu cho nền kinh tế, cũng như hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Với những yếu tố hỗ trợ này, trong tháng 6 tới, nhiều khả năng TTCK sẽ có xu hướng đi lên.