Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều có tuần hồi phục, thậm chí có mã tăng tới hơn 15%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PHR, giá mục tiêu 69.000 đồng/CP

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa là 69.000 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp SOTP, tương đương với khuyến nghị khả quan.

Tuần qua, PHR đã công bố báo cáo tài chính riêng quý III/2022 với doanh thu đạt 322,28 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ; nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 12,32 tỷ đồng, giảm 80,7% do huth cổ tức từ công ty liên kết. Diễn biến cổ phiếu đã có tuần biến động lên xuống trong biên độ khá rộng, nhưng với đà giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua, cổ phiếu PHR cũng đã hồi nhẹ trong tuần giao dịch tích cực vừa qua.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, trong đó có 1 phiên nằm sàn ngày 11/10 và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng 550 đồng (+1,18%) từ mức giá 46.450 đồng/CP lên 47.000 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, giá mục tiêu 33.800 đồng/CP

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu MBB là 33.800 đồng/CP. Khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu này.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm nhấn thị trường trong tuần qua với những phiên giao dịch khởi sắc đã hỗ trợ tốt cho xu hướng hồi phục của thị trường, trong đó MBB cũng không ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm sàn ngày 11/10 và 4 phiên tăng, trong đó phiên 12/10 tăng kịch trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng 850 đồng (+5%) từ mức giá 16.950 đồng/CP lên 17.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu GMD

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị theo dõi do lo ngại đà tăng trưởng sản lượng sẽ chậm lại trong thời gian tới. Mức Upside 10% chủ yếu đến từ giá cổ phiếu GMD đã giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh kể từ tháng 5/2022.

Cổ phiếu GMD đã có tuần giao dịch giằng co nhẹ với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD tăng nhẹ 250 đồng (+0,53%) từ mức giá 47.450 đồng/CP lên 47.700 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HT1

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 18.800 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 63%. Định giá của chúng tôi giả định rằng tốc độ tăng trưởng của dòng tiền sau năm 2026 là 0% (g = 0%) do thị trường xi măng trong nước hiện phân mảnh và đang tiến dần đến tình trạng bão hòa mà không có động lực tăng trưởng mới. Ngoài ra, chúng tôi nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3.5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.

Mặc dù còn cách khá xa giá mục tiêu, nhưng sau tuần lao dốc mạnh đầu tháng 10, cổ phiếu HT1 đã có những nhịp hồi phục trong tuần qua trong xu hướng thị trường chung khởi sắc. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HT1 tăng 350 đồng (+3,26%) từ mức giá 10.750 đồng/CP lên 11.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu ACV

Chúng tôi cũng giả định rằng đồng Yên Nhật sẽ có xu hướng giảm giá so với VND trong 1-2 năm tới, do đó rủi ro lỗ tỷ giá là không cao. Tuy nhiên, trong các dự án sắp tới nói trên, rủi ro này có thể tăng lên do các khoản vay mới sẽ không còn là vốn vay ODA nữa mà là các khoản vay thương mại với lãi suất thả nổi và cao hơn. Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu ACV với giá mục tiêu 88.000 đồng/CP.

Trái với nhận định của SSI, cổ phiếu ACV đã quay đầu điều chỉnh giảm sau tuần hồi phục trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACV giảm 2.800 đồng (-3,55%) từ mức giá 78.800 đồng/CP xuống 76.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu FPT

FPT hiện giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 14,2 lần và 11,6 lần với mức tăng trưởng EPS lần lượt là 23% và 22%, tương đương với tỷ lệ PEG hấp dẫn là 0,6-0,5 lần. Hiện tại, mức giá mục tiêu 1 năm là 96.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 36% và khuyến nghị khả quan.

Mặc dù FPT đã giảm khoảng 25% từ đỉnh và đang giao dịch gần vùng đáy một năm, nhưng nếu so với mức giảm 34% từ đỉnh của VN-Index, cổ phiếu này lại có phần tích cực hơn thị trường. Trong tuần qua, cổ phiếu đã có phiên giảm sâu ngày 11/10 cùng xu hướng chung của thị trường và sau đó FPT đã liên tục hồi phục nhưng đà tăng hạn chế, chỉ đủ để giúp mã này lấy lại thăng bằng. Cụ thể, với 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT không có sự biến động và giữ ở mức 74.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu TLG, giá mục tiêu 63.500 đồng/CP

Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) thêm 6% lên 63.500 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua.

Mặc dù bị cản trở bởi phiên giảm sàn ngày 11/10, nhưng cổ phiếu TLG vẫn ghi nhận đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm sàn và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG tăng 1.100 đồng (+2,04%) từ mức giá 53.900 đồng/CP lên 54.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu IJC, giá mục tiêu 25.163 đồng/CP

Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu IJC vẫn đang định giá thấp so với giá trị hợp lý của Công ty. Theo ước tính thận trọng của BVSC, giá hợp lý mỗi cổ phần IJC là 25.163 đồng/CP, cao hơn 92,8% giá thị trường ngày 11/10/2022. Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu IJC cho mục tiêu đầu tư trung hạn. Rủi ro: chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài hơn kịch bản.

Không nằm ngoài đánh giá và phân tích của BVSC, sau tuần lao dốc, cổ phiếu IJC đã hồi phục, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 1,8 triệu đơn vị/phiên, giảm tới gần 50% so với mức trung bình của tuần trước. Về diễn biến giá, với việc đón nhận 1 phiên giảm sàn và 4 phiên tăng, trong đó phiên cuối tuần ngày 14/10 tăng kịch trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu IJC tăng 700 đồng (+5,19%) từ mức giá 13.500 đồng/CP lên 14.200 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho VHC, ANV và FMC

Chúng tôi khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VHC, ANV và FMC với giá mục tiêu lần lượt 79.200 đồng/CP; 37.000 đồng/CP; 45.000 đồng/CP.

Trái với nhận định của SSI, thông tin chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% đã giúp VHC hồi phục mạnh mẽ sau tuần lao dốc đầu tháng 10. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 14/10 và 4 phiên tăng, trong đó phiên đầu tuần 10/10 tăng kịch trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC tăng 10.300 đồng (+15,44%) từ mức giá 66.700 đồng/CP lên 77.000 đồng/CP.

Tương tự, Nam Việt thông báo ngày 31/10 tới đây là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Và tuần qua, cổ phiếu ANV đã đảo chiều hồi phục tích cực sau tuần lao dốc trước đó. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên nằm sàn ngày 11/10 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ANV tăng 2.450 đồng (+7,72%) từ mức giá 31.750 đồng/CP lên 34.200 đồng/CP.

Trong khi đó, FMC là một trong số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sớm, với doanh số tháng 9 đạt 20,1 triệu USD, tương ứng 476 tỷ đồng, không bằng tháng 8 và cùng kỳ năm trước. Thông tin này phần nào khiến FMC giao dịch thiếu tích cực so với doanh nghiệp cùng ngành là VHC và ANV. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FMC giảm 850 đồng (-2,15%) từ mức giá 39.550 đồng/CP xuống 38.700 đồng/CP.

Tin bài liên quan