Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoại trừ duy nhất điểm sáng là nhóm cổ phiếu chứng khoán, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường chung và các mã được đưa ra khuyến nghị đều có tuần không mấy thành công.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu SAB

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 74.500 đồng/CP, tương ứng với P/E dự phóng bình quân 23,4 lần trên lợi nhuận năm 2024. Lưu ý giá mục tiêu trên thấp hơn 23% so với cập nhật trước, chủ yếu cho điều chỉnh giảm dự báo 2023 và 2024.

Mặc dù có pha trở lại ấn tượng trong ngày cuối tuần 24/11, là động lực lớn nhất khi đóng góp hơn 0,85 điểm cho chỉ số chung, nhưng chưa đủ sức mạnh để giúp mã lớn ngành hàng tiêu dùng – SAB thoát khỏi tuần điều chỉnh nhẹ bởi phiên giảm mạnh cùng thị trường chung ngày 23/11. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 700 đồng (-1,1%) từ mức 63.700 đồng/CP xuống 63.000 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với GEG ở mức 18.900 đồng/cổ phiếu, cho thấy tiềm năng tăng giá 42%, mặc dù kết quả của GEG năm 2023 có thể không đạt được mức dự báo nhưng chúng tôi cho rằng triển vọng của GEG cho năm 2024F sẽ khả quan hơn.

Dù thoát khỏi “cơn lốc” thị trường trong phiên 23/11 khi có được mức tăng 1,9%, nhưng với những phiên rung lắc nhẹ còn lại trong tuần đã khiến cổ phiếu GEG không có sự biến động. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GEG đứng nguyên tại mức giá 13.250 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi điều chỉnh giảm 14% giá mục tiêu nhưng nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua cho CTCP Tập đoàn MASAN (MSN) do giá cổ phiếu đã giảm khoảng 18% trong 3 tháng qua. Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng của mảng tiêu dùng hàng đầu với phạm vi hoạt động rộng khắp của MSN. Chúng tôi tin rằng MSN sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn.

Trái với khuyến nghị của VCSC, sau tuần hồi phục tích cực giữa tháng 11, cổ phiếu MSN đã trở lại trạng thái mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN giảm 2.300 đồng (-3,59%) từ mức 64.100 đồng/CP xuống 61.800 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPM

Chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của công ty năm 2023 sẽ không cao so nền cao 2022, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng 2024 kết quả kinh doanh DPM sẽ có sự cải thiện so năm 2023. Do đó, chúng tôi hạ giá mục tiêu DPM 6% còn 40.853 đồng/cp, tương đương triển vọng tăng 24% so với giá đóng cửa ngày 18/11/2023, nhưng vẫn khuyến nghị mua cổ phiếu DPM.

Trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, cổ phiếu DPM cũng đón nhận phiên giảm khá mạnh ngày 23/11, đã lấy đi toàn bộ thành quả nỗ lực phục hồi của những phiên còn lại trong tuần. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM giảm nhẹ 200 đồng (-0,6%) từ mức 33.000 đồng/CP xuống 32.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCB

Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) thêm 3,7% lên 108.500 đồng/CP và điều chỉnh khuyến nghị từ khả quan lên mua.

Mặc dù sóng bank chưa trở lại và trong tuần qua, nhóm này cũng khá trầm lắng, nhưng diễn biến có phần không quá tiêu cực, thậm chí là tăng nhẹ của VCB, đã giúp thị trường có chút bớt ảm đạm. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng nhẹ 400 đồng (+0,47%) từ mức 85.600 đồng/CP lên 86.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

Ở mức giá hiện tại, PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đang giao dịch tại mức P/E hấp dẫn là 12,4x (năm 2024) và 10,8x (năm 2025) so với trung bình 5 năm là 18,0x và vị thế dẫn đầu thị trường. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform đối với PNJ, và giữ nguyên giá mục tiêu theo DCF là 92.524 đồng/cp (Upside: 17,1%).

Tuần qua, PNJ đã công bố kết quả kinh doanh 10 tháng khá khả quan trong bối cảnh kinh tế chung khó khăn, với doanh thu thuần đạt 3.008 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.533 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ và hoàn thành 79,1% mục tiêu năm. Theo đó, diễn biến cổ phiếu PNJ cũng tích cực hơn thị trường chung khi đón nhận 2 phiên giảm nhẹ và 3 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 1.500 đồng (-0,55%) từ mức 78.900 đồng/CP lên 80.400 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM

Giá sữa bột đầu vào giảm mạnh và duy trì ở mức thấp là động lực chủ yếu giúp VNM có thể tăng trưởng được lợi nhuận trong thời gian tới. Đồng thời, xu hướng dịch chuyển tiêu dùng sang các mặt hàng giá phân khúc trung cấp tạo điều kiện cho VNM tăng được 2% thị phần trong thời gian qua. Do đó, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2023 của VNM sẽ có thể đạt 8.844 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 3,8% so với năm trước), tương đương EPS đạt 4.231 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 82.436 đồng/cp (upside 19%) cho VNM trong đầu tư trung hạn.

Trái với nhận định của VCBS, cổ phiếu VNM tiếp tục có tuần rung lắc và điều chỉnh giảm. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 21 phiên tăng nhẹ ngày 21/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 1.700 đồng (-2,43%) từ mức 70.000 đồng/CP xuống 68.300 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG và NKG

Chúng tôi khuyến nghị mua HPG (Giá mục tiêu: 32.900 đồng ) và NKG (Giá mục tiêu: 25.850 đồng) với những luận điểm sau: (1) vị thế đầu ngành, được hưởng lợi khi giá thép nội địa và tôn mạ xuất khẩu dự kiến phục hồi lần lượt 8% và 9%, (2) biên lợi nhuận gộp phục hồi trong bối cảnh giá bán được hưởng lợi và nguyên vật liệu hạ nhiệt, (3) mức định giá P/B đang rẻ hơn trung bình của 2 chu kỳ gần nhất.

Được đánh giá là các cổ phiếu tích cực và xếp vào nhóm có điều kiện cơ bản tốt, nhưng cổ phiếu HPG cũng không thoát khỏi pha điều chỉnh giảm mạnh của thị trường trong ngày 23/11, đã thổi bay thành quả trong những phiên còn lại trong tuần. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm nhẹ 100 đồng (-0,38%) từ mức 26.500 đồng/CP xuống 26.400 đồng/CP.

Tương tự, cổ phiếu thép NKG cũng tiêu cực trong phiên thị trường lao dốc ngày 23/11 khi đóng cửa tại mức giá sàn. Tuy vậy, những phiên còn lại trong tuần qua đã tăng khá tốt, giúp cổ phiếu NKG thoát khỏi tuần điều chỉnh giảm cùng thị trường chung. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm sàn, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NKG tăng nhẹ 250 đồng (+1,14%) từ mức 21.850 đồng/CP lên 22.100 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGW

BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 2024 là 60.400 đồng/CP (Upside +18% so với giá đóng cửa ngày 20/11/2023), Dựa trên Phương pháp định giá DCF. Nhằm phản ánh khả năng (1) bảo vệ lợi nhuận và (2) cơ hội tăng trưởng từ các mảng kinh doanh mới M&A.

Cũng như nhiều cổ phiếu khác trên thị trường, phiên giảm mạnh ngày 23/11 đã khiến cổ phiếu DGW gần như trở về vạch xuất phát của tuần. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW tăng nhẹ 300 đồng (+0,59%) từ mức 50.500 đồng/CP lên 50.800 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HDG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG – sàn HOSE), với mức giá mục tiêu mới 33.000 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 19,1%) từ 43.800 đồng/CP trước đó.

Mặc dù cũng là một trong số ít mã đi ngược thành công xu hướng chung của thị trường, nhưng HDG cũng chỉ nhích nhẹ với những thông tin kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần 2.020 tỷ đồng, giảm 19% và lợi nhuận sau thuế giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 544 tỷ đồng. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng nhẹ 400 đồng (+1,44%) từ mức 27.700 đồng/CP lên 28.100 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

MWG sẽ tiếp tục công tác tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu chi phí, tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Công ty sẽ cân nhắc đóng một số cửa hàng kém hiệu quả cả về doanh thu và lợi nhuận trong tháng 11 và tháng 12. Công ty hy vọng sẽ dịch chuyển được lưu lượng khách hàng từ các cửa hàng này sang các cửa hàng hiện hữu, đồng nghĩa với việc tăng trưởng SSSG trên 1 cửa hàng và tối ưu hóa mức EBITDA trên một cửa hàng. Do đó chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 65.900 đồng/CP.

Là một trong những tên tuổi đáng chú ý trên thị trường gần đây khi cổ phiếu MWG liên tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ và room ngoại đã “ế” hơn 64 triệu cổ phiếu, trong khi trước đây mã này thường khá “hot” đối với khối ngoại. Trong tuần qua, cổ phiếu MWG cũng nhanh chóng đảo chiều giảm khá mạnh sau tuần hồi nhẹ trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 2.850 đồng (-6,88%) từ mức 41.400 đồng/CP xuống 38.550 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SIP

Sử dụng phương pháp SOTP và RNAV, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của SIP là 83.400 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị là mua với tiềm năng tăng lên đến 46,5%.

Cũng như nhiều cổ phiếu trên thị trường chung và các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị, phiên lao dốc mạnh ngày 23/11 đã thổi bay toàn bộ thành quả có được trong những phiên còn lại trong tuần qua của cổ phiếu SIP. Như vậy, với 4 phiên tăng và chỉ giảm duy nhất phiên 23/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SIP tăng nhẹ 300 đồng (+0,52%) từ mức 57.700 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan