Diễn đàn kinh tế mùa Thu: Lấy hội nhập để tạo sức ép đổi mới

Diễn đàn kinh tế mùa Thu: Lấy hội nhập để tạo sức ép đổi mới

(ĐTCK) Những biến động mạnh gần đây của TTCK và kinh tế Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường khác, theo nhìn nhận của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2015, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong nỗ lực tiếp tục cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô.

Ổn định vĩ mô gặp khó

“Kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm nay tiếp tục có thêm những tín hiệu tích cực, khi tốc độ tăng trưởng GDP dần phục hồi, đồng thời Chính phủ tiếp tục phát đi thông điệp vẫn kiên trì theo đuổi chính sách ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô…”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá như vậy tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam: hội nhập và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức ngày 27/8.

Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn hạn chế, việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa đạt được những bước tiến rõ nét về chất.

Đánh giá trên nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, do những biến động mạnh gần đây của nền kinh tế Trung Quốc đã có tác động không tích cực lên kinh tế toàn cầu.

Một nguyên nhân khác khiến cho nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô bền vững hơn, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia đang gặp khó khăn là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng lại chưa gắn chặt với những cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế.

Vì tầm quan trọng của việc đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế sao cho hiệu quả, qua đó có ý nghĩa quyết định đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới, nên theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn chủ đề hội nhập kinh tế quốc tế (kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO cách đây 8 năm) để đưa vào chương trình giám sát.

Triển vọng từ “cú hích” TPP

“Nếu trong tháng 9 tới, bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tháo gỡ được 3 tồn tại, thì TPP có triển vọng được ký kết trong năm 2015, nếu không sẽ phải lùi đến năm 2017…”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cho Chính phủ trong đàm phán TPP nói và phân tích thêm, vì lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, nên họ đang thúc đẩy quá trình đàm phán sớm đi đến kết thúc. Bởi vậy, nhiều khả năng trong năm nay, TPP sẽ được ký kết, nếu không trước sau gì hiệp định này cũng sẽ được ký kết.

Để tận dụng tối đa các cơ hội do TPP mang lại, theo ông Tuyển, ngay từ bây giờ phải quyết liệt thúc đẩy các cải cách từ bên trong. Thực tế chứng minh các quốc gia giàu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao đều có một thể chế tốt. Bài học của Philippines rất đáng để Việt Nam học hỏi. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Philippines là nước phát triển bậc nhất châu Á, hơn cả Hàn Quốc. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn mà thể chế không phù hợp và không hiệu quả, họ đã đánh mất vị thế phát triển đỉnh cao.

“Bài học của Philippines cho thấy, để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cần coi trọng cải cách thể chế, trong đó mấu chốt là phải giải quyết tối ưu mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Hội nhập, toàn cầu hóa không phải là làm giảm vai trò của Nhà nước, mà ngược lại vai trò này cần được tăng cường theo hướng phải thay đổi chức năng từ Nhà nước chỉ huy sang Nhà nước kiến tạo phát triển như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhấn mạnh…”, ông Tuyển nói, đồng thời cho rằng, cải cách thể chế thành công sẽ tạo bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Có ý kiến quan ngại, trong khi tốc độ ký kết, đàm phán các hiệp định thương mại tự do đang diễn ra nhanh, nhưng các cải cách bên trong lại diễn ra chậm sẽ mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Đặt vấn đề ngược lại, nếu cứ đợi bên trong cải cách thì mới mở cửa có ổn không? Văn hóa Việt Nam cho thấy, mỗi khi dồn vào đường cùng thì mới thực hiện cải cách thực sự. Bởi vậy, việc lấy hội nhập để tạo ra sức ép đổi mới, cải cách bên trong cũng là một phương cách.   

“Đừng thấy rủi ro là đóng cửa”

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Những khó khăn của TTCK và nền kinh tế Trung Quốc, cũng như giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu đang tác động hai chiều lên nền kinh tế Việt Nam. Nếu sức khỏe của nền kinh tế tiếp tục có thêm những tín hiệu tích cực, chúng ta có điều kiện để giảm thiểu những mặt tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng tốt hơn các tác động tích cực.

Lấy đơn cử như giá dầu giảm, có gây khó khăn cho thu ngân sách, nhưng lại góp phần giảm chi phí sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp. Nếu chính sách điều hành hiệu quả hơn sẽ giảm thêm giá bán lẻ xăng dầu, qua đó tác động của việc giảm giá dầu sẽ còn mang lại những hiệu ứng lớn hơn tới giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Khi đó, giá thành sản phẩm giảm sẽ đưa lạm phát xuống mức thấp. Tác động tích cực dây chuyền tiếp theo là lãi suất cũng sẽ thấp, từ đó góp phần giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Hay như chuyện biến động tỷ giá giữa VND và USD trong thời gian gần đây, với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu làm trọng như hiện nay, việc VND mất giá ở mức hợp lý sẽ tiếp sức cho các hoạt động xuất khẩu. Quan trọng là nhà điều hành cần linh hoạt cân đo giữa mặt lợi và hại của các biến động của nền kinh tế toàn cầu, để đưa ra giải pháp được nhiều mất ít, chứ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, nếu thấy rủi ro là “đóng cửa” và nghĩ làm như vậy sẽ an toàn là không ổn, vì thực ra rủi ro còn tăng hơn.

“Đừng để Doanh nghiệp sợ hội nhập như sợ... ma”

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM

Các chương trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tôi thấy chúng ta đưa ra nhiều chương trình nhưng hành động chưa bao nhiêu. Để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng bền vững, chúng ta đã chọn thực hiện 3 khâu đột phá về: cải cách thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, nhưng đến nay đã đột phá được những gì?

Có doanh nghiệp nói họ sợ cái này, cái kia khi tham gia hội nhập. Điều này cho thấy trách nhiệm thông tin về hội nhập cho các doanh nghiệp của các cấp quản lý chưa được thực hiện tốt. Đừng để doanh nghiệp sợ hội nhập như sợ… ma. Kinh nghiệm cho thấy, mở cửa, hội nhập bên ngoài chỉ mang lại hiệu quả tốt nếu nó gắn chặt với nỗ lực cải cách từ bên trong.

Nếu không sẽ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại. Cải cách bên trong cần đặt trọng tâm vào cải cách bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ công chức. Nếu không làm theo hướng này, thì dù có sửa và ban hành hàng trăm luật về kinh doanh, cũng không giúp ích gì nhiều cho cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp. Đừng lo doanh nghiệp Việt Nam yếu không cạnh tranh được trong hội nhập, điều cần lo hơn là tập trung cải thiện năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước.

“Bộ máy quản lý còn ‘nghiện’ ra lệnh”

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào cuộc chơi hội nhập với tốc độ nhanh hơn, nhưng với vốn liếng hiện tại làm tôi liên tưởng đến họ đang phải đi chênh vênh trên những chiếc cầu khỉ với gánh nặng chi phí lớn. Họ đi dò dẫm như vậy thì khó có thể tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập mang lại.

Doanh nghiệp có nâng cao được năng lực cạnh tranh hay không, năng lực cạnh tranh quốc gia có được cải thiện hay không tùy thuộc lớn vào việc Nhà nước có hội nhập sâu rộng hay không. Thực tế cho thấy, hiện Nhà nước không mấy thay đổi về chức năng, nhiệm vụ. Các công cụ, tư duy quản lý cũng không thay đổi nhiều.

Vẫn còn tư duy quản lý theo kiểu kiểm soát doanh nghiệp hơn là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước còn đứng ở vị thế bề trên để quản. Bộ máy quản lý ở ta mắc “bệnh” nghiện quản lý, nghiện ra lệnh. Do vậy, trọng tâm của đổi mới lần này là Nhà nước phải cải cách để cho thị trường vận hành nhiều hơn, tránh méo mó.

Tin bài liên quan