Điện gió ngoài khơi vẫn chờ hành lang pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Orsted, nhà đầu tư có mong muốn phát triển 6.900 MW điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng và Thái Bình cùng đối tác trong nước quyết định dừng dự án tại Việt Nam. Cơ hội mở ra cho nhà đầu tư khác, nhưng việc này cũng cho thấy rất nhiều thách thức phải vượt qua.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà đầu tư e ngại

Liên danh Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T mới đây thông báo tới UBND tỉnh Thái Bình và TP. Hải Phòng quyết định dừng các hoạt động phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại hai địa phương này. Quyết định “dừng” được Orsted cho là khó khăn sau một quá trình xem xét, đánh giá cẩn trọng trên quan điểm toàn cầu của lãnh đạo cấp cao Orsted đối với thị trường Việt Nam.

Trước đó, từ năm 2017, Orsted đã bắt đầu quan sát, đánh giá sự phát triển thị trường điện gió ngoài khơi. Năm 2021, Orsted chính thức tham gia với kỳ vọng các chính sách cùng khung pháp lý hiệu quả cho việc phát triển lĩnh vực rất mới mẻ này ở Việt Nam sẽ được ban hành vào năm 2023, nhất là trong bối cảnh Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu có 7.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Trong liệt kê các lý do về mặt pháp lý để triển khai dự án tại Việt Nam, Orsted có nhắc tới việc Quy hoạch Điện VIII đã được duyệt, nhưng thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai để xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ.

Tới thời điểm hiện tại vẫn chưa biết, khi nào Kế hoạch Triển khai Quy hoạch Điện VIII sẽ được phê duyệt, sau khi Bộ Công thương đã trình lại lần thứ tư.

Bên cạnh đó, chưa có nghị định sửa đổi Nghị định 11/NĐ-CP liên quan đến khảo sát đánh giá tài nguyên khu vực biển...

Nhà phát triển dự án này cho rằng, việc các cơ chế lựa chọn nhà đầu tư cũng như cơ chế bán điện sẽ là đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay đấu thầu cạnh tranh về giá hay mua bán với mức giá cố định chưa rõ ràng như hiện nay gây ra những e ngại nhất định, bởi khó dự báo nguồn doanh thu ổn định từ dự án.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) có rủi ro lớn từ tỷ lệ cắt giảm sản lượng hay điều khoản dừng, hủy hợp đồng như một số dự án về nguồn điện đang áp dụng cũng khiến nhà phát triển dự án lo ngại vì không đáp ứng được yêu cầu của bên cho vay.

Các vấn đề pháp lý cùng với một số thách thức như đứt gãy hay hạn chế của chuỗi cung ứng; lạm phát và chi phí vốn tăng cao; cạnh tranh tăng từ các đối thủ khác trong ngành này đã khiến Orsted quyết định dừng dự án tại Việt Nam.

Theo đó, Công ty không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát, đánh giá tài nguyên biển tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như không tiến hành bất cứ hoạt động phát triển dự án nào cho các dự án điện gió ngoài khơi cùng với Tập đoàn T&T, đồng thời không gia hạn Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên sau khi đã hết hạn.

Những lo lắng chưa hề cũ

Còn nhớ, tháng 6/2022, trong một khảo sát liên quan phát triển dự án điện gió ngoài khơi, sau khi phỏng vấn 3 nhà đầu tư trong nước, 2 nhà đầu tư nước ngoài, 5 bên cho vay trong nước và 7 bên cho vay quốc tế, Ernst & Young Việt Nam (EY) đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió.

Trong đó, với giai đoạn chuẩn bị dự án, các nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro dự án, bao gồm rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép (gồm cả giấy phép khảo sát) và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; rủi ro tài nguyên gió; rủi ro thiết kế kỹ thuật; rủi ro huy động vốn.

Trong giai đoạn đầu tư, các nhà đầu tư và các bên cho vay cũng chia sẻ phần lớn rủi ro dự án. Các nhà đầu tư, các bên cho vay và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ rủi ro thoái vốn (và thay đổi quyền kiểm soát). Chính phủ chia sẻ một phần rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Tới giai đoạn vận hành, cơ chế phân bổ rủi ro cũng tương tự giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, EVN chia sẻ với các nhà đầu tư và các bên cho vay rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; rủi ro về giải quyết tranh chấp và rủi ro về bất khả kháng.

Để thúc đẩy phát triển thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nghiên cứu cũng cho rằng, Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng thông qua cải thiện khả năng huy động vốn của PPA bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế.

Tiếp đó là xây dựng một khung khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch, cũng như phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi; tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện để hỗ trợ điện gió ngoài khơi.

Và tới nay, các chuyển động vẫn chưa có gì nhiều so với khi vấn đề được nêu ra.

Tin bài liên quan