Tại LPBank, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 2,79% về mức 1,34% trong quý IV/2023

Tại LPBank, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 2,79% về mức 1,34% trong quý IV/2023

Diện mạo ngân hàng trước mùa đại hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng chậm lại do nợ xấu tăng lên và mức bao phủ nợ xấu mỏng đi sẽ gây ra những hạn chế nhất định trong tăng trưởng tín dụng năm 2024 của nhiều ngân hàng…

Nợ xấu: Hai mặt của tấm huy chương

Báo cáo tài chính năm 2023 của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã sụt giảm đáng kể trong quý IV khi chỉ còn 1,93%, từ mức 2,24% cuối quý III/2023 và tỷ lệ nợ xấu ghi nhận giảm ở tất cả các nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, có thể thấy, nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp có mức giảm nợ xấu lớn nhất khi giảm từ mức 2,32% xuống còn 1,87%. Theo các chuyên gia, đối với nhóm ngân hàng này thì nợ vay chủ yếu được giải ngân cho các nhóm doanh nghiệp lớn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

“Do đó, mức giảm nợ xấu trong quý cuối năm cũng là một điểm cần lưu ý. Đối với các nhóm ngân hàng còn lại thì mức giảm tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến từ việc tăng giá trị tuyệt đối dư nợ”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Cũng liên quan đến câu chuyện nợ xấu là sự thay đổi của tỷ lệ nợ xấu phân hóa giữa các ngân hàng trong các nhóm. Theo đó, đối với nhóm ngân hàng có nguồn quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu giảm ổn định ở cả ba ngân hàng và Vietcombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong số đó, khi chỉ ở mức 0,98%. Đối với nhóm ngân hàng thương mại chuyên cho vay doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu sụt giảm nhiều nhất ở LPBank khi Ngân hàng giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,79% về mức 1,34%. Các ngân hàng khác trong nhóm cũng cho thấy mức tỷ lệ nợ xấu vẫn tiếp tục giảm trong quý IV/2023.

Đối với các ngân hàng thương mại chuyên cho vay cá nhân, xu hướng tương tự cũng diễn ra khi nợ xấu đều giảm nhẹ ở các ngân hàng, duy chỉ có STB có tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ. Với các ngân hàng khác, xu hướng cải thiện tỷ lệ nợ xấu không rõ ràng. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến nhưng cũng có nhiều ngân hàng có mức nợ xấu tiếp tục giảm như VBB, NAB…

Cần lưu ý rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao trong quý IV/2023 trước các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, điều đó cũng góp phần khiến cho giá trị nợ xấu trên quy mô của tổng tín dụng sụt giảm. Bên cạnh đó, việc tín dụng tăng trưởng rất nhanh trong quý vừa qua đã góp phần cơ cấu lại nợ vay cho một số doanh nghiệp, từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu cho hệ thống.

Tuy nhiên, bức tranh nợ xấu trên là của quý IV/2023, còn cả năm 2023 lại là câu chuyện khác. Tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng ở thời điểm cuối năm 2023 là 194.994 tỷ đồng, tăng gần 41% so với đầu năm, phần lớn các ngân hàng nợ xấu đều tăng, thậm chí có những ngân hàng còn tăng bằng lần.

Về cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng mạnh nhất với 78%, kế đó là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 30% và nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng gần 27%. Nợ nhóm 5 tại một số ngân hàng giảm mạnh như VAB (-42%), VPB (-42%), NAB (-37%)…

Tính đến 31/12/2023, có đến 22/28 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay so với đầu năm. Tuy nhiên, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ này vượt ngưỡng cho phép (3%), trong khi tại thời điểm cuối quý III, có đến 9 ngân hàng. Được biết, 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cải thiện là VPB, VBB, PGB, LPBank (LPB) và VietinBank (CTG), dù tỷ lệ giảm cũng không đáng kể.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Nợ xấu tăng, dự kiến lập đỉnh trong năm 2024 khiến trích lập dự phòng rủi ro tăng, hạn chế khả năng cho vay vốn và lợi nhuận giảm trong năm 2024”.

Bao giờ tín dụng tăng trưởng?

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động tiêu dùng trước và sau Tết Giáp Thìn đều tương đối yếu. Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 2/2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ, tăng nhẹ so với mức tăng của tháng trước đó. Trong đó, doanh số bán lẻ hàng hoá tăng chậm lại, tăng 7,0% trong tháng 2/2024, thấp hơn mức tăng 7,3% trong tháng 1/2024. Doanh số bán lẻ dịch vụ cải thiện so với tháng trước đó nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống sôi động trong kỳ nghỉ Tết, doanh số bán lẻ dịch vụ tăng 11,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 8,5% trong tháng trước đó. Dù vậy, doanh thu bán lẻ chung hai tháng đầu năm 2024 tăng 8,1% so với cùng kỳ và chỉ tăng 5,0% sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 10,9% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023.

Lạm phát lĩnh vực bán lẻ tăng trở lại do ảnh hưởng của chi tiêu trong dịp Tết. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước đó và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Những mặt hàng liên quan đến lĩnh vực bán lẻ đều tăng khá cao như chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng 1,71% so với tháng trước đó; đồ uống và thuốc lá, văn hoá giải trí, du lịch, hàng hoá khác đều tăng 0,8%. Lạm phát hai tháng đầu năm cao hơn nhiều so với dự báo cả năm 2024 được ước tính ở mức 3,5%.

Từ các yếu tố này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt”.

Ở một góc độ khác, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho biết: “Chính phủ, cơ quan quản lý, khách hàng mong muốn giảm lãi suất cho vay bởi lãi suất huy động thấp nhưng không thể làm bài tính cộng trừ đơn giản giữa lãi suất huy động và cho vay để ra biên độ lợi nhuận của ngân hàng. Cần phải tính đầy đủ các cấu phần định giá tiền vay, ví dụ như chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro, chi phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng… Nhưng quan trọng hơn cả là làm thế nào để doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh? Và khi nào tín dụng rời khỏi mức âm và sẽ tăng trưởng thực sự để mang lại tăng trưởng cho cả nền kinh tế?”.

TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: “Với ngân hàng có vốn Nhà nước, tăng trưởng tín dụng không đẩy mạnh được theo chỉ tiêu được giao sẽ không đạt được lợi nhuận và đồng nghĩa không tăng được vốn. Câu chuyện cũng tương tự tại các ngân hàng tư nhân, nhu cầu tăng vốn đang rất lớn nhưng đối diện với bức tranh lợi nhuận giảm tốc mạnh thì cổ đông nào muốn rót vốn? Trong khi đó, những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các ngân hàng khác”.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường. Cụ thể, định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình 5 năm. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%. Mức tăng trưởng chậm lại do nợ xấu tăng lên và mức bao phủ nợ xấu mỏng lại sẽ có những hạn chế nhất định trong tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Tin bài liên quan