Điều gì đang xảy ra với vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
Những năm sau khi Alibaba niêm yết tại Mỹ vào năm 2014, hàng chục tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã chảy vào Trung Quốc. Nhưng sau cú "phi nước đại", dòng chảy đó gần đây lại "hụt hơi".
Một góc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Một góc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hụt hơi vì "đói" IPO

Trong số các công ty đầu tư tập trung vào thị trường Trung Quốc, chỉ có 4 quỹ đầu tư mạo hiểm bằng đô la Mỹ được thành lập trong giai đoạn 2015 - 2020, hoàn trả cho nhà đầu tư toàn bộ số tiền họ đã bỏ ra.

Thông tin đáng lưu ý trên được công ty nghiên cứu tài sản thay thế Preqin (Vương quốc Anh) nhấn mạnh trong báo cáo "Bức tranh vốn tư nhân của Trung Quốc" vừa được công bố. Tài sản thay thế (alternative assets) là một khoản đầu tư không giống với các loại tài sản truyền thống như cổ phiếu hay trái phiếu, mà là những lựa chọn đầu tư độc đáo hơn, chẳng hạn như vốn mạo hiểm hay tác phẩm nghệ thuật.

Preqin không theo dõi từng quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc mà chỉ nghiên cứu những quỹ có dữ liệu từ cuối năm ngoái hoặc gần đây hơn.

Trong báo cáo, Preqin soi xét một số liệu chuyên ngành được gọi là vốn góp phân bổ (DPI), từ đó điểm mặt 10 quỹ có chỉ số DPI cao nhất.

Báo cáo cho biết, còn 6 quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa hoàn trả toàn bộ tiền cho nhà đầu tư, chưa kể các khoản lợi nhuận vượt mức.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm trên có thể mất vài năm để chứng minh hiệu quả hoạt động. Nhưng thực chất những khó khăn của họ cho đến nay đều xuất phát từ tình trạng thiếu vắng các thương vụ IPO - ngay cả trước khi xuất hiện đợt sụt giảm mạnh trong năm 2023.

Trong báo cáo công bố đầu tuần này, công ty dữ liệu thị trường vốn toàn cầu PitchBook (Mỹ) cho biết các công ty đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đã rót 26,7 tỷ USD vào 3.072 giao dịch trong nửa đầu năm 2023, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đang trên đà giảm xuống dưới mức của năm 2016.

Đáng lưu ý là hầu hết các khoản đầu tư đều ở quy mô nhỏ. Giá trị các giao dịch lớn (tính từ 100 triệu USD trở lên) của các công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Nói về xu hướng dòng vốn, ông Reuben Lai, phó chủ tịch phụ trách vốn tư nhân tại Preqin, bình luận trên đài CNBC rằng: "Xu hướng quan trọng nhất là sự chuyển đổi của chu kỳ đầu tư".

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Reuben Lai cho biết từ năm 2015 đến năm 2018, hoạt động gọi vốn ở Trung Quốc đã "phát triển mạnh mẽ". Giờ đây, "mọi người đang tập trung nhiều hơn vào tự đầu tư và thoát vốn, và thu lời".

Trong thế giới đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu (early-stage), "thành viên góp vốn - limited partner" (thường là các tổ chức) cấp tiền cho "thành viên hợp danh - general partner" (là các quỹ đầu tư mạo hiểm) để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Khi các công ty khởi nghiệp ra mắt công chúng hoặc được mua lại, điều này cho phép các quỹ đầu tư mạo hiểm "thoát vốn" và kiếm lời để chia sẻ với các thành viên góp vốn. Các quỹ này cũng kiếm được phí quản lý tài sản trong thời gian nắm vốn.

Dữ liệu của Preqin xác định Fengshion Capital, LYFE Capital USD Fund II và GGV Capital V là ba quỹ đầu tư mạo hiểm bằng đô la Mỹ được thành lập trong giai đoạn 2015 - 2020 đã trả lại toàn bộ số tiền cho các nhà đầu tư của họ.

Còn BioTrack Capital Fund I, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tốt thứ 10, mới chỉ hoàn trả 8,1% vốn cho các nhà đầu tư tính đến tháng 3/2023 - mốc thời gian đánh dấu 5 năm hoạt động của quỹ 186 triệu USD này.

Cũng theo Preqin, xu hướng trên cũng tương tự đối với các quỹ đầu tư tư nhân bằng đô la Mỹ được thành lập cùng giai đoạn 2015 - 2020 và cũng chỉ có 4 quỹ giúp các nhà đầu tư thu về nhiều hơn khoản họ đã bỏ ra. Bốn quỹ được điểm danh gồm: Loyal Valley Capital Advantage Fund I, Hillhouse Fund II, Oceanpine USD Fund I và HighLight Capital USD Fund II.

Một trường hợp khá đặc biệt là Sequoia Capital China Growth Fund V. Không nằm trong top 10 quỹ có chỉ số DPI cao nhất, nhưng Sequoia Capital China Growth Fund V đứng thứ 6 trong số các quỹ vốn tư nhân bằng đô la Mỹ được thành lập trong giai đoạn 2015 - 2020, xét theo một tiêu chí khác - tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Tỷ suất IRR là ước tính lợi nhuận dự kiến hàng năm dựa trên dòng tiền và định giá tài sản chưa thực hiện.

Báo cáo của Preqin lưu ý một số quỹ có chỉ số DPI cao và đứng thứ hạng cao, xét theo chỉ số IRR.

Tìm thêm lối đi, ngoài IPO

Trên thực tế, ngày càng dòng tiền đầu tư mạo hiểm vẫn đang chờ ngày về với chủ.

Phát biểu tại diễn đàn đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân AVCJ thường niên tổ chức tại Bắc Kinh vào đầu tháng 9, ông Alex Shum, giám đốc điều hành công ty tài sản thay thế toàn cầu TPG NewQuest, cho biết các quỹ vốn tư nhân ở Trung Quốc quản lý lượng tài sản trị giá khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, với ít nhất từ 20 đến 40 tỷ USD tiền thoái vốn mỗi năm.

Điều đó có nghĩa là các tài sản hiện có thời gian tồn tại khoảng 20 đến 30 năm, ông Shum lập luận, đồng thời lưu ý đến sự cần thiết phải đa dạng hóa phương án đầu tư, từ IPO đến mua bán và sáp nhập hoặc các giao dịch do thành viên hợp danh dẫn dắt - hoặc các giao dịch liên quan đến việc bán quỹ đầu tư giữa các thành viên góp vốn khác nhau.

Theo ông Reuben Lai, phó chủ tịch phụ trách vốn tư nhân tại Preqin, số lượng giao dịch do các thành viên góp vốn dẫn dắt đã tăng lên.

"Thị trường rất khó khăn. Không có nhiều công ty có thể tiến tới giai đoạn IPO. Với thời gian gọi vốn kéo dài… mọi người phải nắm giữ danh mục đầu tư lâu hơn". "Do đó, họ phải chuyển đổi chủ sở hữu bằng cách sử dụng quỹ thứ cấp, chuyển giao dịch cho bên khác", ông Lai nói thêm.

Phó chủ tịch Preqin nhận định, rất khó để xác định được lợi nhuận từ những giao dịch trên.

"Đó là một điều khá bí mật. Mọi người không muốn ai đó biết rằng họ đang kiếm lợi nhuận phụ vì điều đó có nghĩa là họ đang làm rất tệ", ông Lai lưu ý. "Chúng tôi thấy [bên bán] đưa ra mức chiết khấu hào phóng hơn so với vài năm trước. Tôi đoán bạn có thể nói rằng mọi người đang hết hy vọng", đại diện Preqin nói thêm.

Một lựa chọn khác thay cho IPO là "sang tay" cho một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục.

Điển hình, ông Jinjian Zhang, thành viên sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Vitalbridge, tiết lộ rằng quỹ này đã bán lại khoản đầu tư cho một công ty niêm yết vào tháng 3 vừa qua, khoảng ba tháng sau khi đạt thỏa thuận ban đầu. Thỏa thuận này là một trong 10 dự án mà quỹ Vitalbridge đã rót vốn trong nửa cuối năm 2022, ngay sau khi lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Thượng Hải được dỡ bỏ.

Năm 2021, Vitalbridge đã huy động được nhiều tiền hơn mục tiêu, nhưng quỹ này thường trì hoãn tiến hành các khoản đầu tư mới bởi thị trường được định giá quá cao, ông Zhang cho biết thêm. Bởi lẽ, những người đưa ra các điều khoản ràng buộc đầu tư chưa thực sự nhìn ra các dự án, trong khi các công ty khởi nghiệp lại "hét" giá quá cao.

Cũng trong hai năm kể từ đó, tâm lý thị trường đã đi xuống đáng kể sau khi Bắc Kinh đưa ra một loạt quy định "nắn gân" nhắm vào các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, phát triển trò chơi điện tử, đến nền tảng internet. Đến năm nay, Trung Quốc mới phát tín hiệu lập trường mềm mỏng hơn.

Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận kiểm toán giúp giảm nguy cơ các công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, theo đài CNBC. Sau đó, một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc, chủ yếu ở quy mô nhỏ, đã tiến hành niêm yết tại Mỹ từ đầu năm đến nay.

"Đối với một nhà đầu tư dài hạn, một phần của [tình trạng hiện nay] là do quy định, nhưng một phần trong đó là tâm lý do quy định gây ra", ông Zhang nhận xét.

Ông Zhang lưu ý: "Vì vậy, ở thời điểm này, [nếu bạn] có tầm nhìn vượt xa các quy định đó để lập quỹ đầu tư mạo hiểm thời hạn 10 năm thì sẽ có rất nhiều cơ hội". "Chúng tôi tập trung xác định vào những cơ hội đó là gì, chứ không phải tâm lý xung quanh quy định đó", đại diện Vitalbridge khẳng định.

Tin bài liên quan