Điều gì tiếp theo sẽ xảy ra đối với giá dầu sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng lớn

Điều gì tiếp theo sẽ xảy ra đối với giá dầu sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (5/10), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11, nhưng điều đó không đảm bảo rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng.

Manish Raj, Giám đốc tài chính tại Velandera Energy Partners cho biết: “Thị trường đã không hồi hộp vì mức cắt giảm trên thực tế sẽ chỉ bằng một nửa so với con số đề xuất”.

Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics cho biết: “Do OPEC+ đã sản xuất dưới hạn ngạch đáng kể nên sự suy giảm nguồn cung vật chất sẽ ít hơn nhiều, mặc dù vẫn đáng kể. Capital Economics ước tính rằng, quyết định này sẽ dẫn đến việc cắt giảm chỉ hơn 1 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 1% nguồn cung toàn cầu”.

Diễn biến giá dầu Brent và WTI

Diễn biến giá dầu Brent và WTI

Mặt khác, OPEC+ cho biết sẽ không tổ chức các cuộc họp hàng tháng nữa mà thay vào đó là họp 6 tháng một lần, mặc dù cuộc họp tiếp theo của họ được ấn định vào ngày 4/12. Ủy ban Giám sát hỗn hợp của Bộ trưởng OPEC+ (JMMC) - cơ quan xem xét thị trường dầu mỏ - cũng sẽ họp hai tháng một lần, thay vì hàng tháng.

Trong cuộc họp báo sau quyết định của OPEC+, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê Út cho biết, liên minh sẽ liên tục chứng minh rằng OPEC+ “không chỉ là một phần quan trọng” mà còn ở đây để mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ.

Triển vọng không chắc chắn

“OPEC đã trích dẫn triển vọng không chắc chắn đối với nền kinh tế toàn cầu là lý do chính cho việc cắt giảm hạn ngạch. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá kể từ mức đỉnh vào tháng 3 chắc chắn đóng một vai trò quan trọng”, nhà kinh tế Caroline Bain cho biết.

Bà cũng cho biết, “bối cảnh thị trường có phần bất thường đối với việc cắt giảm nguồn cung” khi nguồn dự trữ dầu toàn cầu “ở mức thấp trong lịch sử và cho đến nay, giá cao đã không làm giảm nhu cầu về mặt vật chất”.

Trong khi đó, mức cắt giảm sản lượng lần này của OPEC+ đã đánh dấu mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid do lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn làm tăng nguy cơ giảm nhu cầu năng lượng.

Srijan Katyal, người đứng đầu về chiến lược và dịch vụ giao dịch của công ty môi giới quốc tế ADSS cho biết: “Việc OPEC+ chuyển từ họp trực tuyến sang tổ chức cuộc họp trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch cũng gây ra suy đoán rằng một sự thay đổi chính sách đáng kể đang được thực hiện. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy OPEC+ đang giảm sản lượng một cách có hệ thống do nhu cầu dầu giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu”.

Không tuân thủ hạn ngạch đầu ra

Theo khảo sát của Platts do S&P Global Commodity Insights công bố vào đầu tháng 9, tổng sản lượng của OPEC+ đạt 42,84 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng 260.000 thùng/ngày so với tháng 7. Báo cáo về cuộc khảo sát cho biết, đây là mức sản lượng cao nhất kể từ khi liên minh sản xuất 47,56 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020 trong một cuộc chiến tranh về giá ngắn hạn khi tranh chấp về chiến lược đại dịch trước khi việc cắt giảm lịch sử được thông qua sau đó.

Tuy nhiên, 19 quốc gia có hạn ngạch theo thỏa thuận OPEC+ đã giảm 3,61 triệu thùng so với mục tiêu sản xuất trong tháng 8, đây là "khoảng cách lớn nhất trong lịch sử gần 5 năm của liên minh".

Theo Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của Dịch vụ Thông tin Giá Dầu (OPIS), thực tế việc OPEC+ cắt giảm cuối cùng chỉ lên tới 800.000 - 900.000 thùng/ngày vì “nhiều thành viên trong liên minh không có khả năng sản xuất đáp ứng như cam kết đầu ra”.

Sau đó, với động thái bán dầu từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ (SPR) đang chờ kết thúc, “có thể nói rằng điều đó dẫn đến việc giảm khoảng 1,9 triệu thùng/ngày dầu thô trên thị trường” với doanh số SPR khoảng 1 triệu thùng/ngày và OPEC cam kết cắt giảm khoảng 850.000 thùng/ngày theo giá thực tế.

Ông Tom Kloza cho biết, động thái cắt giảm sản lượng hiện tại không có tác động lớn đến xăng hoặc dầu diesel, vì những sản phẩm đó “có hệ sinh thái riêng”. Hiện tại, có vẻ như việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ “sẽ chỉ làm sâu thêm mức thâm hụt nhỏ mà chúng tôi dự báo trong quý IV”.

“Chúng tôi đã luôn kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung sẽ chậm lại vào cuối năm nay và vào năm 2023, nhưng hành động mới nhất của OPEC+ đã củng cố lại quan điểm của chúng tôi rằng giá cuối năm sẽ cao hơn một chút, ở mức 100 USD/thùng đối với giá dầu Brent” và 92 USD/thùng đối với giá dầu WTI”, nhà kinh tế Caroline Bain cho biết.

Tin bài liên quan