Điều hành xuất khẩu gạo: Bộ Tài chính đã góp ý những gì?

Thực tế điều hành xuất khẩu gạo liên tục bị các doanh nghiệp phàn nàn, gây bức xúc như hiện nay khiến dư luận không thể đặt câu hỏi, phải chăng chưa có sự nghiên cứu, xem xét kỹ đề xuất của các cơ quan phối hợp, nên mới dẫn tới tình trạng như hiện nay?

Sau khi đưa ra đề xuất tạm dừng xuất khẩu và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Công thương lại bất ngờ có công văn đề nghị “chưa tạm dừng việc xuất khẩu gạo” nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ sau đó ra công văn 2280/VPCP-NN (ngày 25/3/2020), yêu cầu Bộ này có báo cáo đánh giá thực trạng tình hình xuất khẩu gạo.

Dù vậy, thực tế diễn biến xuất khẩu gạo vẫn cho thấy chưa có sự xem xét thấu đáo, nghiên cứu kỹ đề xuất của các bên liên quan. Cụ thể, theo yêu cầu của công văn 2280/VPCP-NN, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, thời gian cuộc họp chỉ có 1/2 ngày, đã được cho là “chưa giúp đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Thủ tướng Chính phủ  chiều ngày 17/4 đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4/2020, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/4/2020.   

Được biết, Bộ Tài chính đã có 2 lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương. Tại công văn số 3905/BTC-QLG ngày 03/4/2020, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm và tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.

Tiếp đó, ngày 10/4/2020, Bộ Tài chính có công văn số 4355/BTC-QLG cho biết, nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị, chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong. Chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020 trong khi vẫn cho xuất khẩu gạo nếp, gạo hữu cơ và gạo thơm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoàng kinh tế toàn cầu.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, theo phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy, doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án cho hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu hạn ngạch mà Bộ Công thương đề xuất.

Theo đó, số hạn ngạch sẽ giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương sẽ phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Thực tế, sau khi được Chính phủ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020, Bộ Cộng thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020, đưa ra các nguyên tắc quản lý hạn ngạch.

Theo đó, thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Quyết định số 1106/QĐ-BCT cũng nêu hiệu lực kể từ 0g ngày 11/4/2020. Tuy vậy, đến 9g30 ngày 11/4/2020, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp Quyết định 1106/QĐ-BCT do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử và tới ngày 13/4/2020, mới nhận được bản chính thức.

Ngay khi nhận được bản chụp qua thư điện tử, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12/4/2020.

Việc trừ lùi sẽ được Hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thống theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (là 400.000 tấn), không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Kết quả là trong thời gian từ 0 giờ đến 6 giờ 15 ngày 12/4/2020, đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng là 399.989,43 tấn. Trong số này, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn.

Trong thông tin gửi tới các cơ quan báo chí chiều nay, 17/4, Tổng cục Hải quan cũng khẳng định, nếu quy định nguyên tắc quản lý hạn ngạch như hiện nay (nhất là hạn ngạch cấp theo tháng và doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước thì được xuất khẩu trước đến khi hết hạn ngạch) dẫn đến doanh nghiệp sẽ bị động trong việc quyết định phương án kinh doanh, gặp nhiều rủi ro khi xuất khẩu, không dám ký trước hợp đồng với đối tác khi chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không, trường hợp ký hợp đồng có thể phải bị phạt vì không giao hàng đúng hợp đồng và có thể chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, lưu cont, hàng tồn kho,…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chịu các thiệt hại do không tận dụng được cơ hội kinh doanh, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thế giới đang tăng cao do nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.Những rủi ro trên đây cùng với việc không đăng ký được tờ khai xuất khẩu cũng gây ra bức xúc cho doanh nghiệp.

Chưa kể thực tế, doanh nghiệp từ chối bán hàng cho dự trữ nhà nước nhưng sẵn sàng xuất khẩu gạo.

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng gạo xuất khẩu; đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp khi lên kế hoạch xuất khẩu gạo và xử lý lượng gạo hiện đang lưu giữ tại cửa khẩu nhưng chưa thể xuất khẩu, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 146.453 tấn). Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.

Tin bài liên quan