Định hình không gian phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng

Định hình không gian phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang dần được định hình rõ nét, đáp ứng yêu cầu trở thành động lực phát triển hàng đầu của đất nước.

“Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, có hạ tầng phù hợp, đồng bộ, hiện đại, chất lượng sống đô thị tốt… có vị thế xứng đáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là tầm nhìn đến năm 2050 của vùng Đồng bằng sông Hồng, được Viện Chiến lược phát triển “phác họa” trong Dự thảo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được cho ý kiến góp ý lần đầu hôm 18/8.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên 21.278,6 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước. Tuy nhiên, đây là vùng có quy mô dân số lớn, chiếm 23,6% số dân của cả nước và đóng góp 29,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn thứ hai sau vùng Đông Nam bộ. Giai đoạn qua, vùng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng được đầu tư phát triển mạnh.

Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết, như tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm; còn có khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương…

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc hoàn thiện khung định hướng, tiến tới xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là cơ hội để sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để làm sao tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong vùng phát triển nhanh và bền vững.

Theo định hướng phát triển đã được xác định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm.

Đồng thời, tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ.

Đặc biệt, phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn, phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Để hiện thực hóa những khát vọng trên, Khung định hướng Quy hoạch dự báo, tổng vốn huy động cả giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 18 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng; phát triển công nghệ cơ bản và nâng cao năng lực công nghệ.

Các nhóm chương trình và dự án ưu tiên có thể kể đến là đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông cụm cảng số 1, nhất là cảng cửa ngõ Lạch Huyện, đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, các dự án cao tốc ven biển và đường ven biển. Bên cạnh đó, phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, các dự án về khu đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, hạ tầng số…

Về mặt chính sách, Chính phủ cần thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển, áp dụng các mô hình kinh tế mới, thí điểm một số cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao. Song song với đó, các địa phương cũng cần thực hiện cải cách, rút ngắn quy trình, thời gian ra quyết định; tăng cường phối hợp, phát huy tốt vai trò của từng địa phương.

Góp ý cho Dự thảo, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng của vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay là phát triển đô thị không hợp lý gây quá tải cho hạ tầng và giao thông. Vì vậy, Quy hoạch tới đây phải giải quyết được các vấn đề trong Vùng Thủ đô và phát triển không gian ngầm. “Nước ngầm và sụt lún cũng là vấn đề thách thức đối với phát triển không gian ngầm”, ông Sinh lưu ý.

Theo TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần tìm định hướng hợp lý hơn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí nên có cơ chế đặc thù cho vùng.

Tin bài liên quan