DN bị xử phạt, cổ đông nên chất vấn

DN bị xử phạt, cổ đông nên chất vấn

(ĐTCK) Kỳ ĐHCĐ 2013 của các DN bị xử phạt hành chính về vi phạm công bố thông tin, cổ đông nên chất vấn, cá nhân nào trong DN sẽ chịu trách nhiệm.

DN bị xử phạt, cổ đông nên chất vấn  ảnh 1

Cổ đông cần làm rõ vai trò của mình trong việc giám sát, xử lý khi DN vi phạm nghĩa vụ CBTT

 

Cụ thể, cá nhân nào trong DN sẽ chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm và khoản tiền phạt do cá nhân chịu trách nhiệm hay DN (toàn thể cổ đông) phải gánh chịu. Điều này sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ quản lý công ty, tránh các vi phạm về công bố thông tin có thể gây thiệt hại cho cổ đông.

Năm vừa qua, một điểm tích cực của TTCK là số lượng các vụ xử phạt hành chính về công bố thông tin của công ty niêm yết tăng lên đáng kể. Điều đó cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thiết lập lại kỷ cương thị trường. Khi xác định công ty niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ra quyết định xử phạt công ty và yêu cầu công ty phải quy trách nhiệm cá nhân và báo cáo Ủy ban cũng như Sở giao dịch. Tuy nhiên, báo cáo này hầu như không được công bố công khai, nên phần lớn cổ đông cũng như giới truyền thông ít được biết về thông tin các công ty niêm yết xử lý nội bộ như thế nào.

Theo nguồn tin của ĐTCK thì một số công ty niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM đã thực hiện báo cáo về xử lý nội bộ sau các quyết định xử phạt vi phạm công bố thông tin. Theo đó, lỗi vi phạm được quy cho người có trách nhiệm là người chịu trách nhiệm công bố thông tin hay kế toán trưởng. Tùy lý do khách quan hay chủ quan mà công ty sẽ buộc cá nhân đó chịu khoản tiền phạt, hoặc công ty chịu khoản tiền phạt đó.

Vậy vai trò của cổ đông trong việc giám sát xử lý nội bộ khi công ty vi phạm công bố thông tin dẫn đến bị xử phạt như thế nào? Theo các chuyên gia về quản trị DN, với các khoản phạt vi phạm công bố thông tin thường không được tính vào chi phí chịu thuế, Ban kiểm soát nội bộ hoặc kiểm toán cần xuất toán khỏi chi phí hợp lệ. Khi chi phí bị xuất toán, Ban giám đốc sẽ phải giải trình trước ĐHCĐ và Đại hội sẽ hiểu lỗi và trách nhiệm vi phạm thuộc cá nhân nào. Nếu lỗi đó thuộc về trách nhiệm cá nhân thì cá nhân phải đền bù thiệt hại cho cổ đông.

Để có tiêu chí xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng, ĐHCĐ cần thông qua các quy chế nội bộ, trong đó có quy chế chi tiêu nội bộ. Ông Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính DN, Đại học Kinh tế TP. HCM nhận xét, tại nhiều DN hiện nay, hoạt động của Ban điều hành chỉ bị chi phối bởi điều lệ công ty, mà điều lệ công ty quy định rất chung chung. Vì thế, cần có một quy chế nội bộ, đặc biệt là quy chế chi tiêu nội bộ để điều chỉnh hành vi của những người điều hành, quản lý các cấp. Việc này ở các công ty lớn, có tính đại chúng cao thường làm tốt hơn như VNM hay FPT.

Một vấn đề khác là bên cạnh các quyết định xử phạt, cần có yêu cầu giải trình cụ thể hơn và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thông tin được các DN công bố. Chẳng hạn, trong việc công bố báo cáo thường niên hàng năm, DN chỉ bị xử phạt khi chậm công bố báo cáo, còn chất lượng báo cáo thường niên như thế nào thường dễ dàng được chấp nhận. Vì vậy, không ít DN đã công bố bản báo cáo thường niên sơ sài, thiếu một số nội dung trọng yếu theo quy định như báo cáo kiểm toán, báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn…, nhưng không phải chịu trách nhiệm gì.

Hay trong các báo cáo về quản trị công ty mà DN niêm yết công bố định kỳ hiện nay chủ yếu là các thông tin mang tính “gạch đầu dòng”, NĐT khó có thể hiểu được công ty đã bàn bạc và giải quyết một sự việc hay kế hoạch kinh doanh như thế nào. Ở không ít DN, HĐQT đã bàn và nhận định không đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2012, nhưng báo cáo quản trị chỉ ghi chung chung là họp HĐQT, chứ không có báo cáo về nhận định kết quả sản xuất - kinh doanh và đánh giá khả năng thực hiện cùng những giải pháp đề ra. Cho đến cuối năm, nhiều cổ đông mới nhận được thư xin ý kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong khi thực tế các cổ đông nội bộ biết thông tin này trước đó cả quý.