Các DN thờ ơ vì uy tín của các sàn giao dịch hàng hóa trong nước chưa được khẳng định

Các DN thờ ơ vì uy tín của các sàn giao dịch hàng hóa trong nước chưa được khẳng định

DN ngành nguyên liệu thờ ơ với sàn hàng hóa

(ĐTCK-online) Vấn đề thanh khoản hiện nay vẫn là một thách thức lớn với sàn giao dịch hàng hóa. Do tính chất mới mẻ, việc thu hút các NĐT tài chính đã khó thì việc thu hút các DN ngành nguyên liệu cơ bản tham gia còn khó hơn gấp bội.

Thanh khoản khó cải thiện

Trong tuần giao dịch từ 13 - 17/6/2011, tại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuật, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 27,2 tỷ đồng. So với tuần khai trương giữa tháng 3, giá trị đã tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, trong cả tuần chỉ có 4 hợp đồng được mở mới. Nhiều mã hàng như BVR (J1, K1, M1) hoàn toàn không có giao dịch.

Tương tự, với sàn giao dịch thép Sacom STE, đối với hợp đồng giao sau thép tấm cắt 6, 8, 10 mm tháng 7, 8, 9, 10 có giao dịch khớp lệnh. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt gần 14 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 850 tấn, chỉ cao hơn mức tối thiểu (300 tấn) gần 3 lần. Cũng cần nói thêm, trước tháng 1/2011, khối lượng giao dịch tại sàn giao dịch thép Sacom STE quy định là 1.000 tấn. Các hợp đồng giao sau tháng 11/2011 - 2/2012 hoàn toàn không có giao dịch.

Cũng trên website của Sacom STE, giao dịch đường có kết quả cập nhật mới nhất là ngày 25/5, cách đây gần 1 tháng. Giá trị giao dịch chỉ đạt 1,35 tỷ đồng. Chỉ có sản phẩm RS1 (TC3) được giao dịch, các mã hàng RE1 (TC1, TC2, TC4) không khớp lệnh. Điều này cho thấy mối quan tâm với sàn còn khá hạn chế.

 

DN nguyên liệu cơ bản thờ ơ

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 sở giao dịch với hàng trăm sàn giao dịch hàng hóa. Trong đó, riêng tại châu Á có 14 cơ sở. Mặt hàng chủ yếu được giao dịch vẫn là các loại hàng nông sản và vật liệu. Về mặt lịch sử, các sàn giao dịch hàng hóa hiện đại được hình thành từ các trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa và dần trở thành những trung tâm giao dịch mà ngày nay phần lớn sử dụng các công cụ phái sinh. Không thể phủ nhận sàn giao dịch hàng hóa ra đời kết nối trực tiếp sản xuất hàng hóa với nhu cầu thị trường giúp xóa bỏ tình trạng "được mùa, mất giá" hoặc được giá nhưng không có hàng để bán. Qua đó, chống được hiện tượng đầu cơ, tư thương ép giá người sản xuất cũng như nâng quy chuẩn chất lượng hàng hóa Việt Nam so với quốc tế.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, hầu hết lãnh đạo các DN ngành nguyên liệu cơ bản đều tỏ ra thờ ơ với sàn giao dịch hàng hóa trong nước. Ông Dương Văn Khen, Kế toán trưởng CTCP Cao su Phước Hòa cho biết, hiện tại, Công ty vẫn đang xuất khẩu mủ cao su theo mức giá xác định của sàn hàng hóa Singapore. Theo ông Khen, sự thờ ơ này xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất, với khách nước ngoài mua mủ cao su của Phước Hòa, các sàn hàng hóa trong nước mới hoạt động chưa chứng tỏ được uy tín. Bởi vậy, chất lượng kiểm định hàng hóa có thể tạo lo ngại từ phía người mua. Thứ hai, về mặt tâm lý, các DN cũng chuộng các sàn giao dịch quốc tế hơn do có bề dày hoạt động, trong khi trong nước, các sàn giao dịch cao su có tuổi mới tính bằng tháng. Tương tự, ông Nguyễn Thái Bình, Thư ký HĐQT CTCP Cao su Tây Ninh cho biết, nếu bán trong nước, giá bán của Công ty theo giá thị trường, còn khi xuất hàng bán đi nước ngoài, Cao su Tây Ninh đang căn cứ vào mức giá của sàn hàng hóa Malaysia. Theo chuẩn mực quốc tế, người mua yên tâm hơn về giá cả và chất lượng.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Thanh, Giám đốc tài chính CTCP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, Công ty chỉ tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch nguyên liệu quốc tế. Lý do là chủng loại nguyên liệu chính của Hoa Sen là thép cuộn cán nóng, các DN trong nước chưa thể sản xuất.

Lãnh đạo một DN sản xuất bánh kẹo cho biết, hàng năm, DN vẫn sử dụng hàng nghìn tấn đường để sản xuất. Tuy nhiên, vị này chia sẻ, trong tương lai gần, DN chưa tham gia giao dịch trên sàn hàng hóa nội địa. Lý do là sự hợp tác của DN này với các DN đường trong nước đang khá tốt. Giá đường khi này khi khác có biến động nhưng do đã hợp tác với nhau cả chục năm trời nên hai bên dễ tìm được tiếng nói chung khi đàm phán về giá. Trong khi đó, nguyên liệu được chở thẳng từ nhà máy về kho của DN không qua đơn vị trung gian nên cũng an tâm hơn việc mua hàng trên sàn theo kiểu trung gian.

Thực tế, trước khi các sàn giao dịch hàng hóa hiện nay hoạt động, tại Việt Nam đã tồn tại một số sàn mang tính thử nghiệm như sàn giao dịch hạt điều (3/2002) và sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ (2002). Tuy nhiên, các sàn này giao dịch chủ yếu theo phương thức giao ngay và không kết nối được NĐT tham gia nên đã sớm "dẹp tiệm". Hiện tại, ước tính 99% giao dịch nông sản của các DN Việt Nam vẫn theo cách truyền thống là "tiền trao, cháo múc", sau đó mới phân loại và tiêu thụ. Sự chuyển đổi sản xuất hàng hóa manh mún theo hướng thị trường và sản xuất theo hợp đồng là một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Tuy nhiên, việc chưa thu hút được lực lượng nòng cốt là các nhà sản xuất lớn cho thấy chặng đường phía trước của sàn giao dịch hàng hóa trong nước còn lắm gian nan.