Sông Sài Gòn chạy quanh thành phố. Ảnh: Shutterstock.

Sông Sài Gòn chạy quanh thành phố. Ảnh: Shutterstock.

Đô thị ven sông: Bao giờ thôi lỡ hẹn?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Không chỉ với Hà Nội mà cả với TP.HCM, đô thị ven sông cũng là giấc mơ “ám ảnh” người đô thị trong nhiều năm trời.

Tiềm năng vẫn ngủ vùi

Nhiều năm qua, TP.HCM đã tính đến chuyện hồi sinh đô thị sông nước. Theo đó, mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, người dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng của thành phố đều hướng tới xây dựng đô thị sông nước với các vùng ven sông, kênh rạch.

Kế hoạch xây dựng TP.Thủ Đức, với mục tiêu trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và cả khu vực phía Nam trong tương lai cũng đang được triển khai. Đáng lưu ý, đây là khu vực có sông Sài Gòn chạy qua, với nhiều tiềm năng phát triển các khu đô thị ven sông đồng bộ, hiện đại và sinh thái.

Từ góc nhìn doanh nghiệp với câu chuyện quy hoạch đô thị ven sông tại Sài Gòn, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc đánh giá, tiềm năng của đô thị ven sông là không phải bàn cãi, điều này đã được chứng minh từ các quốc gia phát triển.

Ảnh tác giả

Đất ven sông rất có giá trị nhưng nếu vì giá trị mà ưu tiên cho các chủ đầu tư xây biệt thự hoàn toàn với các hàng rào kín của cao tầng, không đối thoại với dòng sông, thì đó là không gian chết. Ngược lại nếu tạo những không gian đi dạo với các kiến trúc công cộng thì sẽ tạo nên không gian sống sinh động bởi con người và sự dịch chuyển của họ

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI)

“Với TP.HCM, tiềm năng là rất lớn khi có tới khoảng 80 km đường sông. Gần đây, thành phố bỏ tiền cải tạo, giải tỏa, làm lại kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã tạo nên bộ mặt mới và những bước phát triển đột phá cho khu vực này. Chỉ nhìn vào một ví dụ này đã có thể thấy tiềm năng gắn với sông nước của thành phố là rất lớn”, đại diện Tập đoàn Đại Phúc nhấn mạnh.

Theo bà Hương, cần nhìn nhận phát triển đô thị ven sông là câu chuyện lớn vì liên quan đến đất đai, nguồn lực đầu tư. Chính vì vậy, với việc này chủ trương phải rõ, mạnh, mục tiêu muốn gì phải rõ ràng rồi kiên định đi theo chứ kêu gọi doanh nghiệp làm mà không rõ ràng thì không làm được.

“Doanh nghiệp chỉ đi theo định hướng, nhưng pháp lý phải rõ, phải có cơ chế, cách thức hỗ trợ để nhà đầu tư mạnh dạn tham gia. Trong công tác quy hoạch đô thị ven sông, thành phố phải giữ vai chủ trì, có cơ chế đấu giá đấu thầu, vừa mang lại nguồn thu tốt cho ngân sách, chủ đầu tư đỡ lo rủi ro khi đền bù giải tỏa”, bà Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện truyền thông của Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, từ giữa năm 2020, Tập đoàn Tuần Châu đã chính thức tặng lại bản quyền dự án Đại lộ Ven Sông Sài Gòn và dự án Sài Gòn New City cho phía Đèo Cả để triển khai.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc thực hiện dự án. Nói cách khác, đến nay giấc mơ về những khu đô thị quy mô ven sông Sài Gòn vẫn còn đang trong giai đoạn ấp ủ.

Các khu đô thị ven sông đang góp phần tạo nên bộ mặt mới cho thành phố. Ảnh: Shutterstock.

Các khu đô thị ven sông đang góp phần tạo nên bộ mặt mới cho thành phố.

Ảnh: Shutterstock.

Như vậy có thể thấy, dù từ phía chủ trương của thành phố hay góc nhìn của các doanh nghiệp, thì đô thị ven sông đều mang đến nhiều lợi ích nhưng để có thể đi vào cuộc sống, triển khai các dự án thì vẫn là câu chuyện của thời gian.

Phải là thấp tầng

Nhìn nhận về câu chuyện quy hoạch các đô thị ven sông ở Hà Nội và TP.HCM, theo ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID), khi thiết kế quy hoạch cho đô thị ven sông, điều cần chú ý là các công trình xây dựng có làm ảnh hưởng đến việc thoát nước, thoát lũ của sông không? Có ảnh hưởng đến an toàn đê điều không? Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý về các vấn đề kỹ thuật công trình bởi đất là khu vực đất yếu, công trình còn phải có khả năng đương đầu với lũ.

Ông Duy cũng cho rằng, kiến trúc, cảnh quan cũng cần được quan tâm, cần đảm bảo mang được nguồn năng lượng dòng sông lan tỏa vào đô thị. Riêng với câu chuyện quy hoạch, đây là bài toán tổng thể gắn với đô thị hiện hữu, không thể nói chỉ là sinh thái hay các "building". Các nhà làm quản lý, quy hoạch phải cân đo về mặt tổng thế và gắn với đô thị hiện tại. Ví dụ, đô thị hiện tại thiếu tính sinh thái thì bổ sung cây xanh, đường giao thông giúp giãn dân.

“Ngoài ra, có một thứ cần hướng đến khi phát triển các đô thị ven sông, đó là hệ thống kết nối phải đủ thông minh, phải cố gắng để đó phải là các đô thị thông minh”, ông Duy nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

Với việc phát triển các đô thị ven sông, cần lưu ý đến tính cách dòng sông, chứ không chỉ đơn thuần khai thác. Sông Hồng rất hung dữ, mùa lũ thì mang nhiều ẩn họa ghê gớm. Do đó, khi phát triển đô thị ven sông, cần đặc biệt lưu ý câu chuyện quản lý lưu lượng nước trong các diễn biến khí hậu, thời tiết, thiên tai, nhân tai, lũ nhân tạo. Cần lưu ý không khai thác trực diện dòng sông, mà các thành phố hai bên bờ phải lấy dòng sông để tạo ra một môi trường tốt

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nhà nhân học, chuyên gia văn hóa

Còn theo GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI), khi làm các công trình ven sông, phải có quy hoạch về chiều cao, để công trình bên ngoài không làm án ngữ, cản trở các công trình bên trong. Nên quy hoạch theo hướng hạn chế về chiều cao ven sông, nhưng vẫn có điểm nhấn dọc tuyến.

Bên cạnh đó, các tuyến đường đi bộ, đi dạo ven sông phải được quy hoạch để có sự kết nối hài hòa. Giao thông hai bên đường phải đảm bảo an toàn nhờ cầu vượt, cầu đi bộ. Tình trạng chung hiện nay là khá hỗn loạn.

“Xu hướng chung là dòng chảy cuộc sống luôn hướng về dòng chảy của những con sông. Không gian chật hẹp hướng ra không gian mở. Không gian ven sông, hồ là không gian mở của cả đô thị, trong đó có cả không gian xanh tiếp cận mặt nước. Tùy điều kiện mà có những sáng tạo cụ thể cho việc tổ chức không gian ven sông”, ông Khôi nhấn mạnh.

Trong khi đó, KTS Trịnh Hoài Ân, Giám đốc Quy hoạch đô thị Archetype Vietnam cho rằng, nên quy hoạch không gian đô thị theo nhóm cư dân. Với các đô thị ven sông, phải hình thành đồng thời các quần thể dân cư đảm bảo quy mô dân cư cho một đơn vị ở khoảng 20.000 dân.

Hà Nội hay TP.HCM có thể hình thành khoảng 5 đơn vị ở như vậy (khoảng 100.000 dân). Trong đó ưu tiên dân cư có thu nhập cao (tầng lớp hưởng thụ và tiêu tiền) cho các không gian nhà ở thấp tầng, thân thiện thiên nhiên (biệt thự view sông).

Thành phần thứ 2 là tầng lớp trung lưu (thu nhập trung bình) được bố trí xây dựng các căn hộ chung cư cao cấp có mặt tiền view sông; Tầng lớp thứ 3 là tầng lớp thu nhập thấp và lao động chân tay, được bố trí tại các căn hộ có diện tích vừa đủ không cần view sông.

Hà Nội được xem là nơi tụ thủy, phát triển các đô thị sinh thái gắn với sông, hồ được xem là có nhiều thuận lợi. Ảnh: Shutterstock.

Hà Nội được xem là nơi tụ thủy, phát triển các đô thị sinh thái gắn với sông, hồ được xem là có nhiều thuận lợi. Ảnh: Shutterstock.

Các tầng lớp dân cư này họ tích hợp với nhau, trong đó, một bên tạo ra nhu cầu lao động và một bên cung cấp lực lượng lao động (lao động văn phòng - lao động chân tay). Chính điều này sẽ tạo nên sự tích hợp phát triển bền vững trong mỗi khu đô thị mới. Điều này sẽ tránh trường hợp bị lực hút của các trung tâm đô thị mẹ hút đi các nguồn lực.

Ngoài ra, mỗi không gian sống cần tích hợp với không gian công viên để đảm bảo tính thư giãn. Quy mô khu trung tâm đô thị chiếm khoảng 15 - 25% tổng diện tích khu đất bao gồm các chức năng: y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ...

Trong mỗi 1 đơn vị ở (20.000 dân) cần có các công trình nhà trẻ, trạm y tế, công viên trung tâm, trường tiểu học, trường phổ thông cơ sở... Các công trình có bán kính phục vụ không vượt quá 500 m. Cần tích hợp cảnh quan sông chính vào trung tâm đô thị mới, đảm bảo có được các hành lang du lịch sông nước kết nối với các trung tâm đô thị khác.

Tin bài liên quan