Chủ đầu tư đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt để hút nguồn tiền từ người mua nhà. Ảnh: Dũng Minh

Chủ đầu tư đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt để hút nguồn tiền từ người mua nhà. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp bất động sản đôn đáo tìm vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi cả 2 nguồn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát chặt khiến các doanh nghiệp địa ốc phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm nguồn thay thế khi sức ép hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm lớn dần.

Hợp tác với quỹ ngoại, tăng huy động từ khách hàng

Đối mặt với thực trạng khát vốn nghiêm trọng khi ngân hàng siết “van” tín dụng và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát gắt gao, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải xoay xở tìm kiếm các kênh huy động vốn mới để duy trì dòng tiền, đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai, hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2 quý cuối năm cũng như cả năm và hợp tác với các quỹ đầu tư nước ngoài là giải pháp được hướng đến.

Đơn cử, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Số tiền này dự kiến được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển dự án ở các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở khu vực phía Nam.

Tương tự, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land cũng mới nhận khoản đầu tư vốn cổ phần trị giá 103 triệu USD của Dragon Capital và VinaCapital. Theo nhà phát triển dự án này, đây là nguồn hỗ trợ quan trọng và kịp thời để tiếp tục thực hiện các định hướng chiến lược, bao gồm việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền - vốn là dòng sản phẩm tạo dựng nên thương hiệu của Hưng Thịnh Land.

Thành công của giao dịch vốn lần này đưa Hưng Thịnh Land lần đầu tiên bước vào thị trường vốn quốc tế, tạo nền tảng thuận lợi hỗ trợ cho quá trình thực thi chiến lược và kế hoạch tăng trưởng bền vững. Dự kiến trong năm 2023, Hưng Thịnh Land sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết cổ phần trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Trước đó, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đăng ký mua trái phiếu với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng (khoảng 44 triệu USD) do Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long phát hành.

Theo chia sẻ của ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Nam Long, khoản đầu tư của IFC sẽ nâng cao năng lực của Công ty trong việc cung cấp nhà ở cho nhóm dân số có thu nhập trung bình đang có nhu cầu rất lớn hiện nay. Ngoài ra, Nam Long sẽ sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu cho giai đoạn 2 của dự án nhà ở Waterpoint tại Long An.

Nếu như các “ông lớn” hướng tới việc huy động động vốn từ các đối tác nước ngoài thì các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa lại tập trung vào các chính sách kích cầu để tăng huy động từ khách hàng.

Đơn cử, tại dự án Phú Đông Sky Garden, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt để hỗ trợ khách hàng sớm sở hữu nhà ở. Cụ thể, nếu khách hàng tự chủ nguồn tài chính sẽ được hưởng mức chiết khấu từ 5-10% trên tổng giá trị căn hộ (tùy phương thức thanh toán).

Tương tự, để kích cầu tại dự án Bcons City và Bcons Plaza, Tập đoàn Bcons cũng áp dụng hỗ trợ lãi suất và ân hạn nợ gốc trong thời gian thi công xây dựng dự án. Khi ký hợp đồng mua bán, người mua cũng chỉ cần thanh toán trước 20% giá trị căn hộ, phần còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ cho vay…

Cần có giải pháp bền vững

Những dự án mới rất cần vốn. Ảnh: Dũng Minh

Những dự án mới rất cần vốn. Ảnh: Dũng Minh

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp địa ốc “cạn tiền” diễn ra phổ biến, nhất là các doanh nghiệp đang phát triển dự án mới, nên phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm nguồn thay thế, khi cả 2 nguồn vốn chính là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát chặt.

Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, trong bối cảnh khó huy động vốn để triển khai dự án như hiện nay, nguồn tiền nào cũng quý giá đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong dài hạn, các doanh nghiệp cần hướng đến giải pháp bền vững hơn: Một là, giảm nhu cầu tín dụng ngân hàng bằng cách cho vay theo tỷ lệ giảm dần các phân khúc không ưu tiên; hai là, tăng vốn cổ phần để tăng tiềm lực tài chính, bởi kinh doanh bất động sản là ngành thâm dụng vốn nên cần nguồn vốn chủ sở hữu lớn, việc phát hành trái phiếu sẽ tăng áp lực trả nợ; ba là, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp khác hoặc các định chế tài chính như quỹ tín thác bất động sản hoặc mô hình tương tự để cùng phát triển dự án.

“Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng bơm tín dụng, công ty bất động sản càng tăng thâm dụng vốn”, ông Hiển nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp bất động sản lúc này là phải đa dạng hóa nguồn vốn. Theo đó, ngoài 3 nguồn huy động chính là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và từ người mua nhà, các doanh nghiệp địa ốc cần linh hoạt huy động từ các kênh khác như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chào bán cổ phần ra công chúng/cổ đông hiện hữu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…

“Vốn ngân hàng hiện chiếm khoảng 50% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, trong đó hơn một nửa là cho vay ngắn hạn. Trong khi đó, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 0,7-1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn mỗi năm để đầu tư cho nền kinh tế. Nguồn vốn này chắc chắn phải lấy từ thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các quỹ đầu tư…”, ông Lực nói, đồng thời chia sẻ thêm, bên cạnh đa dạng hóa nguồn vốn, doanh nghiệp cũng cần tự hoàn thiện, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn trong việc hoàn thiện hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…, đồng thời tăng cường quản trị rủi ro bởi trong thời gian tới có thể xuất hiện một số rủi ro về lãi suất, tỷ giá...

Tin bài liên quan