Các doanh nghiệp đầu ngành như Novaland ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017. Ảnh: Lê Toàn

Các doanh nghiệp đầu ngành như Novaland ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017. Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp bất động sản niêm yết đua nhau báo lãi lớn

(ĐTCK) Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có một năm ăn nên làm ra trong năm 2017, đặc biệt là các ông lớn trong ngành. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những mảng tối, nhất là các doanh nghiệp địa ốc có họ dầu khí.

Ông lớn khẳng định vị thế

Thống kê sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2017 của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, có 59 doanh nghiệp đem lại doanh thu 155.093 tỷ đồng, tăng trưởng gần 39% so với năm 2016.

Trong đó, chủ yếu là đóng góp từ 10 “ông lớn” là Tập đoàn Vingroup (VIC), CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), CTCP Vincom Retail (VRE), CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI). Cụ thể, tổng doanh thu trong năm 2017 của 10 doanh nghiệp này đạt 120.297 tỷ đồng, tổng lợi nhuận là 11.996 tỷ đồng, tăng lần lượt 40% và 39% so với năm 2016.

Trong bức tranh doanh nghiệp bất động sản trên sàn, VIC vẫn là đầu tàu khi dẫn đầu cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, kết thúc năm 2017, doanh thu hợp nhất VIC ghi nhận gần 90.355 tỷ đồng, tăng 57% so năm trước đó và chiếm 58% tổng doanh thu các doanh nghiệp địa ốc niêm yết. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 của VIC đạt 4.247 tỷ đồng, tăng 74% so với năm trước, vượt kế hoạch 81%.

Kế đến là NVL với doanh thu năm 2017 đạt hơn 11.632 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.061 tỷ đồng, tăng lần lượt 58% và 22,5% so với năm 2016.

Dù mới niêm yết cuối năm 2017, VRE cũng “chen chân” vào Top 3 doanh nghiệp báo lãi lớn năm 2017 với con số hơn 5.500 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong năm 2017, sự bứt phá của PDR và KBC cũng gây chú ý trên thị trường và nhà đầu tư. Cụ thể, KBC có doanh thu đạt 1.260 tỷ đồng, lãi ròng 585 tỷ đồng. Trong năm 2017, Công ty đã chuyển nhượng một phần đất đô thị thuộc tiểu khu 6,2 ha và giới thiệu cơ hội đầu tư thành công tiểu khu 22 ha Khu đô thị Phúc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) tới các nhà đầu tư, tổng giá trị hợp đồng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 100% khách hàng đã đặt cọc theo đúng tiến độ.

Còn PDR đạt lợi nhuận 448 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2016 nhờ khoản thu từ bàn giao Dự án The EverRich Infinity và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Góp mặt trong top 10 doanh nghiệp bất động sản báo lãi cao nhất năm 2017 còn ghi nhận nhiều đơn vị quen thuộc như NLG đạt doanh thu 3.161 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 535 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 55% so với năm 2016; KDH đạt 507 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 36% so với năm 2016…

Xét về chỉ số tăng trưởng lợi nhuận, theo thống kê sơ bộ, có 36 đơn vị tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017, đặc biệt có 13 đơn vị tăng trưởng trên 100%. Trong đó, CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) tăng trưởng cao nhất với mức lãi trong năm 2017 gấp 33 lần năm 2016. Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà đến từ thu nhập khác, trong khi doanh thu giảm tới 72%, chỉ đạt 13 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC năm 2017 chưa kiểm toán của các doanh nghiệp  

Một “tân binh” cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2017 là VPI. Trong năm 2017, doanh thu của VPI đạt hơn 875 tỷ đồng và lãi ròng 422 tỷ đồng, gấp 23 lần so với năm 2016. Chủ yếu đến từ công trình nhà ở thấp tầng V5, V6, Chung cư The Văn Phú - Victoria, công trình nhà ở thấp tầng TT34BC thuộc Dự án Khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội).

Ngoài ra, QCG cũng góp mặt vào nhóm tăng trưởng lãi hơn 100% khi báo lãi 424 tỷ đồng, tăng 842% so với năm 2016, chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính với hơn 442 tỷ đồng, tăng 300% so với năm 2016. Trong khi đó, doanh thu lại giảm 49%, đạt 816 tỷ đồng.

Trong năm 2017, QCG ghi nhận doanh thu đến từ bàn giao Dự án De Cabella tại quận 2 (TP.HCM) và chuyển nhượng cổ phần một số dự án quy mô nhỏ tại quận Thủ Đức và Tân Bình (TP.HCM). Trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận hơn 100% còn góp mặt nhiều tên tuổi quen thuộc như BCI, HQC, DIG, CCL, DIG…

Doanh nghiệp bất động sản niêm yết đua nhau báo lãi lớn ảnh 2

 Vingroup vẫn là cánh chim đầu đàn của thị trường bất động sản Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tiếp tục có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng và giữ phong độ tương đối ổn định trong năm 2017. Mặc dù vậy, theo ông Châu, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của phân khúc bất động sản cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng với nguồn cung lớn như hiện nay, các doanh nghiệp cần có những chiến lược cụ thể để khai thác kinh doanh hiệu quả hơn trong các năm tới.

Đánh giá về triển vọng năm 2018, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường tiếp tục tăng trưởng bền vững nhờ hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô ổn định.

Đại diện CBRE Việt Nam nhận định, thị trường TP.HCM trong năm 2018 sẽ bùng nổ do có rất nhiều chủ đầu tư bung hàng sau khi đã chuẩn bị mọi thứ từ năm 2017.

Những mảng tối với nhiều điều bất ngờ

Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết năm qua cũng tồn tại những khoảng tối cần lưu ý. Thống kê cho thấy, có 12 doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2017.

Cụ thể, trong năm 2017, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) đạt 232,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp khiến NVT lỗ ròng tới 479 tỷ đồng, trong khi năm 2016 có lãi 2,4 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2017, tài sản ngắn hạn của NVT chỉ còn gần 74 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 368 tỷ đồng đầu kỳ, tổng tài sản chỉ còn 534,8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với đầu kỳ, lỗ lũy kế tăng lên mức 689 tỷ đồng.

Cụm doanh nghiệp bất động sản của ngành dầu khí cũng có kết quả kinh doanh không tích cực, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miền như CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng dầu khí (PTL) lỗ 36 tỷ đồng trong năm 2017 (cùng kỳ 2016 lỗ 26 tỷ đồng). Đây là năm thứ 6 liên tiếp PTL bị lỗ thuần. Hay CTCP Địa ốc dầu khí (PVL), đơn vị vừa đổi tên thành CTCP Đầu tư Nhà đất Việt lỗ ròng 146 tỷ đồng (năm 2016 lãi 7,76 tỷ đồng). Nguyên nhân là do hạch toán lỗ các căn hộ đã được bàn giao của
hai dự án tại TP.HCM, đồng thời trích lập chi phí lợi thế thương mại. Tiếp đến, CTCP Dầu khí Nghệ An (PXA) lỗ 10 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 20 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết khác cũng ghi nhận lỗ như IDJ, SDA, BII…

Mặc dù không thua lỗ, nhưng việc ông lớn Sudico (SJS) báo doanh thu 2017 âm 22 tỷ đồng cũng khiến giới đầu tư bị sốc. Nguyên nhân là do ghi nhận giảm doanh thu gần 66 tỷ đồng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật của Khu đô thị Nam An Khánh. Bên cạnh đó, SJS đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất 12,04 ha Khu đô thị Hòa Hải 1-3 tại Đà Nẵng nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, nên chưa ghi nhận doanh thu. Công ty đã căn cứ giá trị chuyển nhượng hợp đồng để hoàn nhập gần 297 tỷ đồng. Chính nhờ vậy, SJS mới có được khoản lãi 133 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2016.

Tương tự, CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) cũng báo lãi chỉ còn 385 triệu đồng, giảm 93% so với năm trước đó và ghi nhận năm thứ 4 liên tiếp lãi sụt giảm.

Nhận định về câu chuyện thua lỗ của các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, một chuyên gia kinh tế cho biết, trong kinh doanh, lãi lỗ là chuyện bình thường, nhưng với các doanh nghiệp bất động sản thuộc ngành dầu khí, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả do có nhiều xáo trộn bởi hoạt động tái cấu trúc, nhiều lĩnh vực phải thoái vốn, trong đó có bất động sản. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tìm đến, tái khởi động lại các dự án bê trễ và xây dựng doanh nghiệp phát triển mạnh hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan