Doanh nghiệp cần mạnh mẽ tách vai trò quản trị và điều hành

Doanh nghiệp cần mạnh mẽ tách vai trò quản trị và điều hành

(ĐTCK) Để hạn chế tối đa phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp liên quan đến lợi ích nhóm tại các kỳ họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác quản trị.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), hiện có khoảng 28% doanh nghiệp niêm yết chưa điều chỉnh điều lệ công ty cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Điều này gây phức tạp cho công tác giải quyết các tranh chấp phát sinh, nhất là trong các kỳ họp ĐHCĐ của doanh nghiệp.

Cuối tuần qua, HOSE đã phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo tập huấn công tác tổ chức ĐHCĐ và quan hệ nhà đầu tư (IR). Hầu hết thắc mắc của đại diện các doanh nghiệp đều liên quan đến vấn đề pháp lý khi thực hiện các thủ tục cũng như những phát sinh có thể xảy ra trong quá trình tổ chức ĐHCĐ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bản chất những thắc mắc của doanh nghiệp bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích nội bộ, trong khi thực tế, lợi ích giữa cổ đông và lãnh đạo doanh nghiệp là như nhau. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắc mắc là doanh nghiệp chưa tách bạch được vai trò của điều hành và quản trị.

“Việc áp dụng mô hình quản trị mới, trong đó có 1/3 thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập, sẽ giúp giải quyết một phần mâu thuẫn về lợi ích cố hữu giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, chỉ riêng các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, có đến 61% doanh nghiệp hiện chưa có thành viên hội đồng quản trị độc lập theo mô hình quản trị mới. Đó là chưa kể, hiện vẫn còn 5 doanh nghiệp chưa đáp ứng được số lượng thành viên hội đồng quản trị tối thiểu là 5 thành viên.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho hay, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, Sở sẽ sớm ban hành văn bản về những lưu ý cho doanh nghiệp khi tổ chức ĐHCĐ, cố gắng ban hành trong đầu tháng 3 tới.

Bà Nguyễn Nguyệt Anh, chuyên gia về quản trị công ty thuộc IFC cho rằng, bên cạnh việc thực thi quy định trong quản trị công ty, các doanh nghiệp cần quan tâm áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBCK cũng như các Sở giao dịch đưa ra bộ quy tắc quản trị công ty đối với các công ty niêm yết trên thị trường. IFC đang xây dựng bản mẫu đóng góp cho dự thảo. Bộ quy tắc này sẽ có những điểm mang tính bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam và những điểm mang tính chất tự nguyện để doanh nghiệp áp dụng”, bà Nguyệt Anh cho biết.    

“Nên chủ động áp dụng các thông lệ quốc tế”

Doanh nghiệp cần mạnh mẽ tách vai trò quản trị và điều hành ảnh 1

Ông Phạm Ngọc Tú, Phó giám đốc phụ trách khối quản lý tài chính Tập đoàn Bảo Việt (BVH) 

Là doanh nghiệp niêm yết với gần 7.000 cổ đông, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông, Tập đoàn luôn ý thức áp dụng các chuẩn mực của khu vực về Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN và chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty, phát triển bền vững và quan hệ nhà đầu tư. Điều này giúp Bảo Việt nhiều năm liền được giới chuyên môn đánh giá cao về công tác quản trị và quan hệ nhà đầu tư. Nhằm nâng cao mức độ tin cậy của số liệu, Bảo Việt duy trì việc lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), đồng thời được kiểm toán độc lập bởi Công ty Kiểm toán Ernst & Young, trong đó kiểm toán đối với cả các chỉ tiêu phi tài chính.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác tổ chức ĐHCĐ hằng năm, Bảo Việt luôn ý thức thực hiện theo thông lệ quốc tế, chủ động tiếp xúc thông qua kênh truyền thông trước đại hội, giải quyết một phần thắc mắc của cổ đông, hoặc công bố các tài liệu họp sớm hơn quy định (ít nhất 10 ngày).

“Hiệu suất sinh lời và quản trị công ty tốt quan trọng như nhau”

Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Quỹ Vietnam Holdings

Vietnam Holdings đang đầu tư vào 25 - 26 công ty niêm yết tại Việt Nam. Bên cạnh lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời cao thì yếu tố quản trị công ty được chúng tôi xem xét khá kỹ, thậm chí đây là tiêu chí quan trọng tương đương với khả năng sinh lời. Tuy nhiên, ngoại trừ những doanh nghiệp lớn đã thực sự đại chúng như Vinamilk hay Dược Hậu Giang, quan tâm đến nhà đầu tư, đối xử công bằng và chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, thì một số doanh nghiệp xem việc giải đáp thông tin cho nhà đầu tư là nghĩa vụ, thậm chí nằm ngoài nghĩa vụ.

Trong việc tham dự ĐHCĐ, có công ty đòi hỏi Vietnam Holdings phải có đại diện ủy quyền, phải được xác nhận, đóng dấu, trong khi đối với quỹ ngoại tại một số quốc gia không có khái niệm về con dấu. Mặt khác, thủ tục ủy quyền người đại diện được công chứng theo yêu cầu của doanh nghiệp khá tốn kém. Đây là một trong những trở ngại đối với các quỹ khi muốn tiếp cận để hiểu hơn doanh nghiệp thông qua tham dự ĐHCĐ.

Tin bài liên quan