Doanh nghiệp "cạn" tài sản thế chấp, ngân hàng khó hạ chuẩn cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức mua yếu, đầu ra sản phẩm khó cải thiện khiến doanh nghiệp cạn dần tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chậm.
Doanh nghiệp "cạn" tài sản thế chấp, ngân hàng khó hạ chuẩn cho vay

Cạn tài sản thế chấp

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) gửi UBND TP. HCM mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02 năm 2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay, song tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, theo khảo sát của HUBA, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.

Vì vậy, HUBA kiến nghị, Ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, ngân hàng có chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ.

Có nghĩa, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.

Đồng thời, HUBA kiến nghị chính quyền TP.HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.

Thực tế hiện nay cho thấy, các ngân hàng khi cho vay đều yêu cầu tài sản đảm bảo cho khoản vay, trong khi đó việc định giá tài sản hiện nay thấp hơn trước đây rất nhiều. Do đó, nếu có vay được thì hạn mức tín dụng cấp cho doanh nghiệp cũng sẽ giảm hơn.

Mặt khác, hiện các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn vốn do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng nên nới điều kiện, tiêu chí cho vay thông thoáng hơn một chút để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành cũng cho hay, hiện doanh nghiệp rất cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng sử dụng vốn tự có và hoạt động cầm chừng.

Nguyên nhân là doanh nghiệp trải qua mấy năm dịch Covid-19, kinh doanh khó khăn nên báo cáo tài chính không đẹp để đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng đề ra. Thêm vào đó, việc đánh giá nhận định phương án sản xuất kinh doanh, trả nợ từ phía ngân hàng đối với khách hàng cũng sẽ thấy không khả thi, nhất là khi xu hướng nợ xấu tăng...

Khó hạ chuẩn cho vay

Các yếu tố trên cũng góp phần khiến tín dụng tăng trưởng chậm trong năm qua và 2 tháng đầu năm nay khi dư nợ 2 tháng đầu năm 2024 được dự báo âm hơn 1%, theo Chứng khoán Rồng Việt, cho dù đây được xem là quy luật bình thường khi nhu cầu vốn đầu năm giảm.

Để dòng vốn tín dụng chảy nhanh hơn, các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất ngân hàng linh động hơn trong việc cho vay, giảm bớt thủ tục, yêu cầu tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay, như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo, là yêu cầu không thể giản lược, bởi theo các quy định trong việc quản trị rủi ro mà các nhà băng phải tuân thủ.

Đáng chú ý là trước tình hình kinh tế khó khăn cả trong, ngoài nước đã và đang gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng.

Theo dữ liệu Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước đây.

Nợ xấu ngành ngân hàng vẫn là mối lo, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, song ngân hàng cũng phải trích dự phòng lớn, tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh trong năm. Vì thế, hầu hết ngân hàng đều kiến nghị được gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để khách hàng có thêm thời gian trả nợ.

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.

Khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. ​

Tuy nhiên, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn. Khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả, TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay.

Gói hỗ trợ lãi suất vay 2% trị giá 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại (hạn cuối giải ngân đến 31/12/2023) là một trong những chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Thế nhưng, sau gần 2 năm triển khai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đến nay đạt 875 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất.

Đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, theo NHNN, tổng lũy kế đến ngày 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Tin bài liên quan