Doanh nghiệp cao su tự nhiên đang phải đối mặt với rủi ro lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá mủ cao su gần đây tăng nhẹ nhưng được dự báo sẽ duy trì ở vùng giá thấp trong sức cầu yếu, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Doanh nghiệp cao su tự nhiên đang phải đối mặt với rủi ro lớn

Quý III kém thuận lợi

Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR) chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022. Theo số liệu cập nhật nhất từ doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm, DPR đạt doanh thu 489 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 112 tỷ đồng, tăng 7,6% và 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau hai phần ba chặng đường của năm, DPR mới thực hiện được 54% kế hoạch doanh thu và 34,4% kế hoạch lợi nhuận. Năm nay, DPR đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 908 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 325 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR), báo cáo tài chính quý III cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt 261 tỷ đồng, tăng tới 115% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý III đạt 12,32 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước và giảm mạnh so với hai quý đầu năm.

Giá bán mủ cao su giảm, khiến lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ quý vừa qua của PHR giảm gần 2,4 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 44,42 tỷ đồng do không được ghi nhận khoản cổ tức lớn như cùng kỳ. Bên cạnh đó, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2022 đều tăng.

Sau 9 tháng, PHR mới hoàn thành hơn 38% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Với kết quả này, sau 9 tháng, PHR mới hoàn thành hơn 38% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) cho biết, những tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của Tập đoàn khá thuận lợi, nhưng thời gian gần đây lại đối mặt với nhiều khó khăn. Giá bán mủ cao su giảm và tiêu thụ chậm, trong khi các chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến nguồn thu của Tập đoàn.

Trong 9 tháng, GVR ghi nhận doanh thu 18.397 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 4.408 tỷ đồng, tăng 4%. Với kết quả này, GVR thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu năm và 82,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Thị trường diễn biến khó lường

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận xét, nhu cầu cao su tự nhiên tương đồng với sự vận động của các nền kinh tế lớn. Theo đó, nhu cầu cải thiện mạnh mẽ khi các nền kinh tế lớn phục hồi và ngược lại. Về nguồn cung, sản lượng cao su toàn cầu tăng đáng kể từ năm 2012 khi các hoạt động mở rộng đồn điền diễn ra khắp châu Á, đặc biệt tại Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào. Nguồn cung tăng mạnh hơn nhu cầu thực tế khiến ngành này gặp vấn đề dư cung trong thời gian dài. Xu hướng này bị phá vỡ vào năm 2021 khi cán cân cung - cầu được đưa về mức cân bằng trước những khó khăn của việc khai thác và vận chuyển mủ trong đại dịch.

Năm nay, khi hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch, tình trạng dư cung cao su thiên nhiên quay trở lại. Báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 8 và tháng 9/2022, tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 2,7 triệu tấn (tăng 71.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi tổng cầu là 2,5 triệu tấn. Nguồn cung dư thừa góp phần tác động đến biến động giá cao su giảm trong thời gian vừa qua, bên cạnh là các tác động của giá dầu thô giảm và vấn đề kinh tế toàn cầu suy yếu.

Dữ liệu của Trading Econnomics cho thấy, giá mủ cao su lập đỉnh vào ngày 23/2/2022, sau đó điều chỉnh giảm và tạo đáy 130 UScents/kg vào ngày 6/9/2022.

Bước vào tháng 10, giá cao su phục hồi nhẹ so với tháng 9, nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức thấp trong thời gian tới do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện giá mặt hàng này vẫn dao động quanh vùng 134 UScents/kg và chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Cao su Phước Hòa cho biết, trong quý IV, Công ty nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và tạm ứng cổ tức 2022 cho cổ đông. Tuy vậy, vị này cũng thừa nhận, “năm nay sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường đối với tình hình an ninh, kinh tế thế giới cũng như thị trường cao su Việt Nam”.

Theo TPS, doanh nghiệp ngành cao su đang phải đối mặt với rủi ro lớn: Thứ nhất, mưa lớn kéo dài vào mùa cao điểm thu hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng mủ; thứ hai, rủi ro suy giảm nhu cầu cao su tại Trung Quốc do thiếu điện, bởi Trung Quốc vừa trải qua đợt nắng nóng, hạn hán kỷ lục.

Mở rộng hoạt động kinh doanh đang là hướng của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên trong bối cảnh lĩnh vực cốt lõi gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, Cao su Đồng Phú lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu theo ba trụ cột chính: trồng và chế biến mủ cao su, bất động sản công nghiệp và chế biến gỗ.

Tin bài liên quan