Doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam lo ngại suy giảm khả năng cạnh tranh nếu bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%

Doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam lo ngại suy giảm khả năng cạnh tranh nếu bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%

Doanh nghiệp chế xuất lo giảm sức cạnh tranh và bị thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp trong khu vực chế xuất và xuất khẩu dịch vụ đang đứng trước nỗi lo giảm sức cạnh tranh khi Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% với dịch vụ xuất khẩu.

Bỏ áp dụng thuế GTGT 0% - doanh nghiệp chế xuất “kêu cứu”

Một loạt doanh nghiệp chế xuất vừa có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành để kiến nghị về một số quy định trong Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) và Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Các doanh nghiệp cho biết, một trong những nội dung mà họ rất quan tâm và lo ngại chính là đề xuất bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

Với quy định nói trên, theo các doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí. Điều này sẽ dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều, khiến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với đối thủ ở các quốc gia khác. Các doanh nghiệp chế xuất FDI lớn như Samsung, LG, Intel... cũng đang thể hiện những lo ngại về vấn đề này.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), các doanh nghiệp chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu sản phẩm. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam cần duy trì các điều kiện cạnh tranh cho doanh nghiệp chế xuất và các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

“Chúng tôi hy vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ sửa đổi để các dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất hoặc các tập đoàn nước ngoài sẽ được hưởng thuế VAT 0% bất kể nơi tiêu thụ”, đại diện JCCI bày tỏ.

Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở chỗ, khi áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ, thì các doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng xuất khẩu vẫn được khấu trừ, hoàn thuế, nhưng đối với các doanh nghiệp chế xuất - vốn là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT - thì lại không có cơ chế được hoàn thuế. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa.

Theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Hiện nay, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang được xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi. Đông đảo doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất rất quan tâm đến nội dung này.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có kiến nghị xung quanh Dự thảo. Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan là hoạt động phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất. Do đó, việc áp thuế GTGT đối với dịch vụ này chắc chắn sẽ cản trở hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và đầu tư của doanh nghiệp chế xuất, cũng như ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ này cho doanh nghiệp chế xuất.

“Cả Luật Thuế GTGT hiện hành và Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đều không có quy định về việc hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ này, do đó, không tránh khỏi việc gia tăng gánh nặng lớn cho doanh nghiệp chế xuất”, ông Hong Sun nói. Chủ tịch Kocham đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành là “áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ được tiêu dùng trong khu phi thuế quan”.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho rằng, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang xem xét áp thuế GTGT đối với hầu hết dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất và dịch vụ cho các tập đoàn nước ngoài và điều này có thể dẫn đến những lo ngại về sự suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chế xuất, xuất khẩu dịch vụ.

Cần nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp

Không chỉ các doanh nghiệp, mà cả các đơn vị tư vấn thuế cũng bắt đầu lên tiếng về các quy định trong Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Hải Vân, Phó giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp chế xuất bị loại bỏ khỏi nhóm đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 0% vô hình trung khiến các doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất sẽ phải xuất hóa đơn GTGT 10%.

Theo bà Vân, vấn đề này đi ngược lại nguyên lý địa điểm tiêu dùng trong thuế GTGT (cung cấp cho khu phi thuế quan, tương đương xuất khẩu), dẫn tới doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận giá trị thuế GTGT lớn vào chi phí (vì không có cơ chế hoàn thuế).

“Hệ quả là dòng tiền của doanh nghiệp chế xuất bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh giảm, dẫn đến tình trạng lỗ do tỷ suất lợi nhuận thường nhỏ hơn 10%. Việc loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ngay lập tức sẽ gây nên ảnh hưởng tài chính sâu rộng và tâm lý kinh doanh của nhà đầu tư”, bà Vân nói.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hơn 17%/năm trong giai đoạn 1992 - 2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới. Góp phần vào thành tích này là chủ trương đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất bằng việc xem doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, giúp doanh nghiệp giảm bớt quy trình, thủ tục hải quan. Đây là cơ chế ưu việt và cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư so với các nước khác.

Do đó, những bất cập trong Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang khiến doanh nghiệp chế xuất “khó chồng thêm khó” và đứng trước nguy cơ thua lỗ. Điều này có thể cũng sẽ dẫn đến hệ lụy là Việt Nam không giữ chân được các nhà đầu tư hiện tại, cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới, bởi chính sách thuế đã trở nên bất lợi hơn các quốc gia khác.

Ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nêu quan điểm, các vướng mắc cần được xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

“Deloitte đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kỹ tác động kinh tế của việc thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu để đảm bảo chính sách thuế GTGT được sửa đổi một cách toàn diện nhưng không gây xáo trộn tình hình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin bài liên quan