Doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển với sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách

Doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển với sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách

Doanh nghiệp chủ động đón “cơn mưa vàng” chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là cuộc cách mạng giải phóng lực lượng sản xuất, là bước đột phá, tạo động lực tích cực cho các doanh nghiệp vươn lên.

“Nắng hạn gặp mưa rào”

Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra ngày 18/5/2025, tinh thần hứng khởi lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gọi đây là cuộc cách mạng lịch sử mà họ mong mỏi từ lâu. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco ví von, doanh nghiệp như “nắng hạn gặp mưa rào”.

Nghị quyết 68-NQ/TW xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tham gia nhiều hơn vào các dự án trọng điểm quốc gia.

Trong tuần qua, một số sự kiện thể hiện sự chuyển động mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân như khởi công cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng bắc qua sông Hồng, do liên danh Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương làm nhà thầu thi công. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (thành viên của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP), Quỹ đầu tư IDG Capital và đại diện Tập đoàn Trump Organization khởi công dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái và sân golf có quy mô 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên. Sun Group được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, quy mô đội bay đến năm 2030 là 31 tàu bay...

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến lớn khi Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào cuộc sống, nhất là khi nghị quyết này đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ rà soát và loại bỏ các quy định kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh. Đến năm 2030, cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động, đóng góp khoảng 55 - 58% GDP và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Intech Group nhận định, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tạo bệ phóng cho doanh nghiệp tăng trưởng, doanh nghiệp có động lực đầu tư cả về quy mô và hàm lượng công nghệ trong sản xuất.

“Trong Nghị quyết có đề cập đến việc giảm 30% tiền phí thuê đất cho doanh nghiệp. Đây là sự hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp sản xuất”, ông Thắng nói.

Việc giảm khâu trung gian, giải quyết nhanh thủ tục hành chính được ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP (mã M10) kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất hoạt động thuận lợi hơn. Trong đó, từ ngày 1/7 tới, việc bỏ chính quyền cấp huyện sẽ góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân, có hiệu lực từ ngày 17/5/2025, đã quyết định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Đây là chính sách quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu khi khởi nghiệp.

Cùng với các chính sách mạnh mẽ từ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân…, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước sang một giai đoạn phát triển bền vững, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP.

Chủ động đổi mới, sáng tạo

Trong hành trình doanh nghiệp xoay chuyển và vươn mình, sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng.

Nếu như chính sách tạo ra đòn bẩy cho doanh nghiệp chuyển mình, thì sự chủ động trong công tác nghiên cứu, phát triển (R&D) được coi là “át chủ bài” giúp nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà (mã SHE) cho biết, SHE là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng, được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung ở thị trường nội địa sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn. Vì vậy, từ năm 2024, SHE đã định hướng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Không ngừng đổi mới, SHE đã phát triển dòng sản phẩm Thái Dương Năng chịu áp - sản phẩm mà nhiều quốc gia có nhu cầu. Đã có nhiều đối tác nước ngoài đến làm việc với SHE để tìm hiểu sản phẩm. Từ đầu năm 2025, Công ty đã xuất khẩu dòng sản phẩm này sang Úc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính. Các thị trường mục tiêu tiếp theo là EU và Canada.

Nhiều doanh nghiệp xác định rằng, đầu tư vào R&D là một trong những chiến lược quan trọng. Tại Intech Group, từ năm 2020, Công ty đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, tập trung vào cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm được chế tạo thử nghiệm, kiểm tra độ bền, tuổi thọ trước khi đưa ra thị trường, qua đó xây dựng niềm tin vững chắc với khách hàng. Đến nay, các sản phẩm như robot AGV, hệ thống kho tự động của Intech đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Đổi mới cũng đem đến bức tranh kinh doanh tích cực cho Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã GDT). Doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp năng lượng sạch, trong đó có việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà máy, từng bước xây dựng thương hiệu “gỗ xanh” thân thiện với môi trường. Dù bối cảnh chung còn nhiều thách thức, hoạt động kinh doanh của Công ty duy trì kết quả tốt, nhờ sự linh hoạt, sáng tạo trong việc tiếp cận các thị trường mới, đổi mới sản phẩm theo xu hướng bền vững, áp dụng công nghệ hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế. Hiện sản phẩm của GDT được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Hà Lan.

Trong lĩnh vực xe máy điện, Công ty cổ phần Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors) thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư quốc tế khi xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho xe máy điện thông minh để thúc đẩy sự phát triển của loại phương tiện này ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đổi mới, sáng tạo giúp Selex Motors có chỗ đứng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Xe máy điện của Selex Motors đã được nhiều đơn vị giao vận như Grab, Be, Lazada lựa chọn. Bên cạnh đó, dịch vụ hoán đổi pin xe máy điện thông qua các trạm ATM nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex Motors cho hay, Công ty hiện có 100 điểm trạm hoán đổi pin trên cả nước, tập trung ở các thành phố lớn như tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Với mong muốn mang đến trải nghiệm du lịch xanh cho du khách và góp phần thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông xanh, Selex Motors dự kiến sẽ phát triển lên 300 điểm hoán đổi pin trên toàn quốc trong vòng một năm tới.

“Nhiều du khách ở các nước phát triển rất bất ngờ khi đến Việt Nam lại có thể sử dụng xe máy điện có dịch vụ hoán đổi pin - điều mà ở nước họ còn chưa có. Họ ngạc nhiên trước sự phát triển công nghệ của Việt Nam và đánh giá, đây là một giải pháp mới mẻ, tích cực, thân thiện với môi trường. Giải pháp này cũng góp phần giải bài toán tiện lợi trong bối cảnh xe máy xăng đang bị siết chặt hơn tại Việt Nam”, ông Nguyên chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có một câu chuyện riêng về hành trình xoay chuyển và vươn mình. Khi kết hợp với sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tiến nhanh và đi xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển.

Tin bài liên quan