Doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa thay đổi về chất

(ĐTCK) “Phần lớn doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá hầu như chưa có sự thay đổi về chất”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm. 

Một trong những mục tiêu quan trọng của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là thay đổi cơ cấu cổ đông, cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ông có nhận xét gì về tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá hiện nay?

Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá chưa có sự thay đổi về chất. Cung cách quản trị trong những công ty cổ phần này mang dấu ấn rất đậm nét từ mô hình quản trị của doanh nghiệp nhà nước. Tại rất nhiều công ty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, bộ máy lãnh đạo vẫn là những con người cũ với lề lối cũ.

Tất nhiên, tỷ trọng vốn cổ phần của Nhà nước càng ít thì sức ép của các cổ đông lên đội ngũ quản lý công ty càng lớn. Còn với những công ty cổ phần có tỷ lệ cổ đông bên ngoài chỉ vài phần trăm nhằm đạt chỉ tiêu cổ phần hoá thì bộ máy quản lý công ty không phải chịu áp lực như những công ty cổ phần thông thường. Họ không phải quá lo về hiệu quả - chỉ số ROE và thường chỉ “canh cánh” mối lo về việc “gìn giữ và bảo toàn vốn nhà nước”. 

Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp cần có cái nhìn như thế nào để đảm bảo vai trò cổ đông hiệu quả?

Cổ đông nhà nước sử dụng tỷ lệ cổ phần khống chế để đạt được các mục tiêu chính trị, xã hội..., không phải mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như các cổ đông thông thường khác.

Kế thừa từ doanh nghiệp nhà nước, đối với những công ty này, nhiều khi lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh chưa phải là mục tiêu quan trọng nhất, mà ưu tiên hàng đầu thường là: doanh số, quy mô, số việc làm cho người lao động hay những chỉ tiêu dễ nổi bật khác.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa thay đổi về chất ảnh 1

 Ông Đậu Anh Tuấn

Nhưng đằng sau tất cả điều đó tiềm ẩn sự tăng trưởng không bền vững, ít có khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Hơn nữa, nhiều mục tiêu trong số đó thường không dễ dàng định lượng được. Nhà nước không phải và không nên là nhà đầu tư đích thực.

Ngoài ra, khi Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì về cơ bản vẫn chưa tách bạch được vai trò kép của Nhà nước: quản lý nhà nước và điều hành doanh nghiệp.

Duy trì tỷ lệ khống chế, cổ đông nhà nước vẫn duy trì quyền kiểm soát toàn diện công ty như trước đây. Tuy nhiên, khối tài sản của công ty bây giờ lớn hơn từ việc huy động thêm vốn từ những cổ đông khác. Do vậy, với nhiều công ty, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực chất chỉ là sự “bành trướng” thêm của cổ đông nhà nước.

Khi tranh chấp với các cổ đông khác, cổ đông nhà nước cũng có cách hành xử riêng. Một số công ty, thay vì kiện ra tòa án, cổ đông nhà nước sử dụng ảnh hưởng của mình đối với bộ máy nhà nước để giải quyết.

Chẳng hạn, từng có vụ việc đại diện cổ đông nhà nước kiến nghị cơ quan nhà nước thanh tra toàn diện các hoạt động kinh doanh của công ty hoặc cổ đông nhà nước kiến nghị sở kế hoạch và đầu tư tạm ngừng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty khi đại diện 30% vốn nhà nước không được bầu vào hội đồng quản trị. 

Với bộ máy quản lý hầu như không có gì thay đổi tại các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa như ông vừa nói, thách thức lớn nhất tại các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là gì, thưa ông?

Từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần, bộ máy quản lý cũ ít thay đổi, cơ cấu quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng giao dịch tư lợi diễn ra khá phổ biến.

Những người lãnh đạo công ty vì những lợi ích riêng có thể sẵn sàng hạ bút ký vào các hợp đồng giao dịch rất bất lợi cho bản thân công ty như: cho thuê mặt bằng, tài sản công ty với giá rẻ mạt, hay sẵn sàng trả khoản tiền bảo hiểm ngụy tạo gây thiệt hại lớn cho công ty. Hay đó là những quyết định bổ nhiệm con cháu, người thân của mình vào những vị trí béo bở, nhiều lợi lộc.

Tình trạng giao dịch tư lợi khá phổ biến ở các công ty cổ phần hoá, trong khi lại hiếm khi xảy ra tại các công ty cổ phần tư nhân. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế quản lý, giám sát lỏng lẻo của các cổ đông đối với bộ máy quản lý, sự không minh bạch trong điều hành và quản lý công ty, nhất là trong các công ty mà Nhà nước nắm giữ nhiều cổ phần. 

Để tiến tới thông lệ quản trị công ty tốt, theo ông, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá cần lưu ý điểm gì? 

Với cơ chế cơ quan nhà nước chủ quản hiện nay, cổ đông nhà nước thực ra không phải là một cổ đông đúng nghĩa như các ông chủ tư nhân. Do vậy, quyền lợi của cổ đông nhà nước trong các công ty cổ phần thiếu sự trông coi hiệu quả và qua nhiều cấp, nhiều bộ phận.

Trong khi các cổ đông khác thường không nắm rõ hoạt động kinh doanh, không đủ động lực và thời gian để theo dõi hoạt động của công ty, khó có thể can thiệp được vào hoạt động của công ty.

Những khuyến nghị của OECD cũng như những bộ nguyên tắc về quản trị tốt trên thế giới khuyến nghị những giao dịch mà những người quản lý trong công ty có liên quan đều phải công khai và tuân thủ một quy trình rất chặt chẽ, nhưng ở Việt Nam thực tế rất ít khi được tuân thủ.

Tin bài liên quan