Doanh nghiệp đại chúng: Bập bõm công bố thông tin bất thường

Doanh nghiệp đại chúng: Bập bõm công bố thông tin bất thường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp đại chúng đã tuân thủ khá tốt quy định về công bố thông tin định kỳ, nhưng lại hay “bỏ quên” những thông tin bất thường.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) đã công bố thông tin về quyết định thi hành án số tiền 518 triệu đồng và cưỡng chế, kê biên xử lý gần 4 triệu cổ phiếu OCH (của Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương) OGC đang sở hữu. Đây là số cổ phiếu dùng để đảm bảo cho khoản vay của OGC tại NCB.

OGC cũng công bố thông tin về bản án phúc thẩm kinh doanh thương mại hợp đồng đặt cọc giữa OGC và Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (mã EVF). Theo phán quyết của tòa án, OGC phải thanh toán cho EVF số tiền 22,5 tỷ đồng.

Nhiều năm nay, OGC phải xử lý một số khoản nợ phát sinh từ thời kỳ ông Hà Văn Thắm nắm quyền quản trị, điều hành. Việc OGC cập nhật các thông tin này sẽ giúp cổ đông có cái nhìn rõ nét hơn về các vấn đề nội tại của Công ty trong bối cảnh đại hội cổ đông thường niên 2021 chưa được tổ chức sau hai lần triệu tập bất thành.

Cùng là đối tượng liên quan trong vụ kiện về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phiếu OCH, cũng như chịu ràng buộc về quy định công bố thông tin tương tự OGC, song trước diễn biến mới này, phía EVF lại “im hơi lặng tiếng”.

Là đối tượng liên quan trong vụ kiện về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phiếu OCH, song trước diễn biến mới của vụ kiện, phía EVF lại “im hơi lặng tiếng”.

Theo Điều 11, Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (thay thế Thông tư 155/2015/TT-BTC), doanh nghiệp đại chúng phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ sau xảy ra một trong các sự kiện như tài khoản của công ty tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa; khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi công ty có quyết định về tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; quyết định mức cổ tức; tổ chức lại doanh nghiệp; thay đổi kỳ kế toán; quyết định tham gia góp vốn đến mức hình thành công ty con, công ty liên kết; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án liên quan đến hoạt động của công ty; quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.

Dẫu vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đại chúng đã “bỏ quên” nghĩa vụ công bố thông tin bất thường, nhất là những thông tin liên quan đến quyết định của tòa án, hay quyết định xử phạt vi phạm nghĩa vụ thuế.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã có quyết định hủy bản án sơ thẩm về vụ tranh chấp công nợ giữa Công ty cổ phần Licogi 13 (mã LIG) với Công ty cổ phần Licogi 13 – Xây dựng và kỹ thuật công trình với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, những thông tin này không được LIG công bố ra đại chúng.

Trước đó, cuối tháng 4/2021, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành bản án phúc thẩm, quyết định hủy hợp đồng liên doanh giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) với hai đối tác ở Đức về thành lập Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Đức, đồng thời tuyên chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trên.

Phía đối tác của Đức phải thanh toán cho Trung An số tiền 9,6 tỷ đồng. Vậy nhưng, trên website của TAR không hề đả động gì đến việc này.

Cần vai trò giám sát của cổ đông doanh nghiệp

Nhìn nhận về câu chuyện nhiều doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định về công bố thông tin liên quan đến các vụ việc tranh chấp, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, có một phần nguyên nhân là sự kiện này ít khi xảy ra nên doanh nghiệp dễ bỏ sót việc công bố thông tin. Tuy nhiên, ngoài sự “vô tình” thì còn có cả sự “hữu ý” của doanh nghiệp.

Theo ông Long, các bản án thường trình bày sự việc tranh chấp cụ thể, chi tiết, đôi khi chứa đựng các thông tin về bí quyết kinh doanh, quan hệ đối tác, các thỏa thuận nhạy cảm nên doanh nghiệp e ngại công bố.

Các bản án đôi khi chứa đựng các thông tin về bí quyết kinh doanh, các thỏa thuận nhạy cảm nên doanh nghiệp e ngại công bố.

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI

Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã có chế tài phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng cho hành vi công bố thông tin không đúng hạn và phạt tiền tới 100 triệu đồng đối với hành vi không công bố thông tin theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi có sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh, chế tài cho những hành vi vi phạm về công bố thông tin chưa thực sự mang tính răn đe, phòng ngừa cao trong việc thực thi pháp luật.

Để đưa hoạt động công bố thông tin nói chung, công bố các thông tin bất thường nói riêng vào khuôn khổ, ông Long cho rằng, bên cạnh vai trò giám sát của cơ quan quản lý, cũng cần tiếng nói của cổ đông - những “ông chủ” của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan