Doanh nghiệp đang chi phí bao nhiêu để tuân thủ thủ tục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
Tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính bình quân hàng năm là hơn 120.000 tỷ đồng. Đây là con số được các bộ, ngành tính toán dựa trên việc thực hiện 6.358 thủ tục hành chính, được công bố theo Chương trình Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.
Doanh nghiệp đang chi phí bao nhiêu để tuân thủ thủ tục hành chính

Cụ thể hơn, trong số hơn 6.358 thủ tục hành chính nói trên, có 4.377 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kèm theo đó là 8.977 điều kiện kinh doanh; 3.086 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; 640 chế độ báo cáo của doanh nghiệp...

Với địa chỉ rõ ràng như vậy, tính khả thi của yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ trong năm nay theo Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là rất lớn. Thậm chí, khả năng cắt giảm sẽ cao hơn rất nhiều khi được triển khai đồng bộ với các giải pháp đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp chờ được cắt giảm không chỉ ở việc tuân thủ thủ tục hành chính.

Theo tổng hợp của các chuyên gia về môi trường kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cần phải tính bao gồm các loại chi phí gia nhập thị trường, chi phí tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư, các chi phí liên quan đến tiếp cận thông tin, tiếp nhận và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, chi phí thời gian, chi phí cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra và cả chi phí không chính thức... Với góc nhìn này, chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp sẽ rất lớn, tác động rất đáng kể tới không chỉ hiệu quả kinh doanh, mà cả niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Chỉ phân tích riêng chi phí không chính thức, mặc dù Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 ghi nhận số doanh nghiệp phải dành tới 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức tiếp tục giảm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức lại tăng, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện và thủ tục liên quan đến đất đai. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là các văn bản luật và quy định được áp dụng không nhất quán, thiếu rõ ràng, thiếu đồng bộ ở cả chất lượng quy định và cơ chế thực thi.

Trong Báo cáo Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao (Báo cáo Việt Nam 2045) vừa công bố, Ngân hàng Thế giới còn gọi đây là phản ứng “tránh tuân thủ” của doanh nghiệp khi môi trường quy định thay đổi, thủ tục hành chính liên tục sinh sôi, nảy nở...

Để giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, các cải cách theo hướng cắt giảm và đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính là ưu tiên. Trên thực tế, nỗ lực cắt giảm gánh nặng quy định đối với doanh nghiệp đã được Chính phủ nhận diện sớm. Đã có những nỗ lực đồng bộ để xử lý từ năm 2007, qua việc ban hành Quyết định 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Khi đó, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được cắt giảm, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp chi phí tương đương 30.000 tỷ đồng/năm...

Sau đó, từ năm 2014 đến nay, nỗ lực cải cách được đẩy mạnh với Nghị quyết 19/NQ-CP (sau được đặt tên là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh); Nghị quyết 68/NQ-CP về đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực hiện cơ chế một cửa. Nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể đã mở rộng đến hoạt động đăng ký kinh doanh, nộp thuế, tiếp cận điện năng, xác lập quyền sở hữu, bảo vệ nhà đầu tư, các thủ tục xuất nhập khẩu, giải thể và minh bạch kinh doanh...

Nhìn lại, mặc dù các nỗ lực liên tiếp nhằm giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả, nhưng dường như gánh nặng vẫn rất lớn, đòi hỏi phải cắt giảm mạnh mẽ hơn.

Phân tích thực trạng này, Báo cáo Việt Nam 2045 cho rằng, đây là hệ quả của các quy định liên quan đến doanh nghiệp vẫn thiên nhiều về kiểm soát, quản lý. Cũng có nghĩa, kết quả thực tiễn của đợt cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp lần này sẽ chưa dừng lại ở các con số trên khi đang được triển khai với tư duy mới trong xây dựng pháp luật của Nghị quyết 66-NQ/TW. Đó là chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển; xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất; phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm.

Tin bài liên quan