Dòng vốn rẻ tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường

Dòng vốn rẻ tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường

Doanh nghiệp địa ốc: “Đặt cược” vào tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự lạc quan, thậm chí tham vọng lớn đang phủ khắp các bản kế hoạch kinh doanh mà các doanh nghiệp địa ốc đã hoặc sẽ trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay.

Kế hoạch tăng vọt

Sau khi ghi nhận doanh thu thuần 3.909.8 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước; biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 38,76% năm 2019 lên 46,56% năm 2020 giúp cho lợi nhuận gộp đạt 1.820,5 tỷ đồng, tăng trưởng 38,1%, tại ĐHCĐ thường niên mới đây, CTCP Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) đã thông qua kế hoạch năm 2021 đầy tham vọng với doanh thu dự kiến đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế 1.868 tỷ đồng, tăng hơn 53% so với năm 2020.

Từ ngành nghề kinh doanh bất động sản dân dụng thuần túy, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết, năm nay Công ty mở rộng thêm sang mảng lĩnh vực bất động sản công nghiệp với dự án đầu tiên có quy mô 24 ha tại khu vực cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong bối cảnh nhu cầu bất động sản công nghiệp gia tăng, ông Đạt hy vọng rằng, lĩnh vực này sẽ giúp Phát Đạt tiếp tục hái thêm nhiều quả ngọt khi “Phát Đạt hợp tác với những đối tác Nhật hàng đầu để triển khai mô hình khu công nghiệp đô thị kiểu mới”.

Cũng đặt kỳ vọng lớn vào 2021, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) lên kế hoạch doanh thu hợp nhất năm nay đạt 15.250 tỷ đồng, tăng 61% so với kế hoạch cũ; mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.100 tỷ đồng, gấp hơn hai lần mục tiêu cũ. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2021.

Theo kế hoạch trình ĐHCĐ tới đây, Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, FLC dự kiến phát triển và ra mắt gần 20 dự án tại thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp… thuộc hai phân khúc chiến lược là bất động sản đô thị và nghỉ dưỡng. Trong mảng đô thị, có thể kể đến các dự án như khu đô thị FLC Premier Parc (Hà Nội), FLC Tropical Halong (Quảng Ninh), FLC Legacy Kontum (Kontum), FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp); tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp FLC Hilltop Gialai (Gia Lai)…

Năm ngoái, mặc dù kế hoạch đề ra ban đầu là lỗ gần 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, sau đó từ quý III/2020, FLC bất ngờ khởi sắc với hoạt động đầu tư tài chính, nhờ đó báo lãi cả năm lên tới 310 tỷ đồng. Với bối cảnh nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo, tâm lý người dân đã ổn định hơn sau thông tin hàng triệu liều vaccine về Việt Nam, cùng khả năng mở rộng mô hình combo “Bay Bamboo, nghỉ dưỡng FLC” có lẽ là nguyên cớ của mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng so với năm ngoái, thậm chí so với bản kế hoạch cũ của FLC chỉ cách đây hơn 2 tuần.

Trong khi đó, đối với kế hoạch 1.574 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2021 (tăng 13% so cùng kỳ) và 301 tỷ đồng lãi sau thuế (gấp 23 lần năm trước) của CTCP Đầu tư LDG (mã CK: LDG), ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG tự tin cho rằng, chỉ trong 2-3 năm tới thị trường “sẽ nhìn thấy một LDG hoàn toàn mới sau giai đoạn đáng quên năm vừa qua”.

Không kém cạnh nhiều doanh nghiệp khác về quỹ đất đang sở hữu, tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với LDG là tình trạng dở dang pháp lý ở nhiều dự án. Cùng với đó, việc lấy lại hình ảnh thương hiệu sau hàng loạt lùm xùm về việc không hoàn thành cam kết với khách hàng ở một số dự án đã bán cũng như việc bị bêu tên nợ thuế ở Đồng Nai cũng cần thời gian và nỗ lực xử lý rốt ráo.

Thích ứng trong “bối cảnh mới”

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, đã có sự khác biệt rõ rệt trong kế hoạch kinh doanh năm 2021 của đa số doanh nghiệp địa ốc khi “hàm lượng lạc quan” tăng mạnh. Đó không chỉ là kỳ vọng dịch bệnh thoái trào, mà cụ thể hơn, đại diện nhiều doanh nghiệp tự tin cho rằng, sau khi bộ máy nhân sự mới ở các cấp được hoàn thiện, nhiều điểm nghẽn pháp lý cho dự án sẽ được gỡ, đồng thời các địa phương cũng phải khởi động guồng quay phát triển kinh tế nhiệm kỳ mới và thị trường bất động sản “sẽ có phần”.

“Những cơn sốt bất động sản đã và đang diễn ra, ngoài nguyên nhân tiền rẻ, còn cho thấy nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào một chu kỳ kinh tế mới và vài năm tới có thể là giai đoạn vàng của thị trường địa ốc”, đại diện một doanh nghiệp môi giới lớn kỳ vọng.

Trên thực tế, cũng như nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong ngành cũng thể hiện tầm nhìn này. Chẳng hạn như CTCP Bất động sản Thế Kỷ (mã chứng khoán: CRE) khi doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng doanh thu thuần chạm mốc 4.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng trưởng 89% so với năm trước và đồng thời cũng là mức kỷ lục kể từ ngày ra đời. Kèm theo đó, CRE cũng dự phóng lợi nhuận sau thuế là 355 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với thực hiện trong năm 2020.

Để chuẩn bị cho tham vọng này, được biết, chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2020, CRE đã tổ chức 4 cuộc họp phê duyệt các khoản chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư thứ cấp. Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CRE, chiến lược thứ cấp giúp Công ty có thể chủ động nguồn hàng cũng như tiết giảm được chi phí, từ đó gia tăng biên độ lợi nhuận trong ngắn hạn. Tất nhiên, thách thức với CRE khi theo đuổi mô hình này, theo một số nhà quan sát, chính là áp lực về cân đối dòng tiền trong ngắn hạn.

Trong khi đó, với trường hợp của An Gia (mã chứng khoán: AGG), ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch doanh nghiệp này cho biết, AGG dự kiến doanh thu thuần đạt 3.600 tỷ đồng và lãi ròng 500 tỷ đồng, lần lượt gấp đôi và tăng gần 21% so với năm 2020. Mũi nhọn sản phẩm của An Gia năm nay sẽ là các dự án căn hộ, khu compound trong phân khúc trung cấp.

Theo đánh giá của lãnh đạo AGG, trong bối cảnh thị trường suy thoái, các sản phẩm trong phân khúc này vẫn tiêu thụ được do nhắm vào nhu cầu nhà ở thực còn nhiều. Trong năm 2021, AGG dự kiến bàn giao toàn bộ dự án Sky89 và một phần các dự án The Sóng, The Standard. Với dòng tiền doanh nghiệp được đảm bảo nhờ tỷ lệ bán hàng tốt, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, doanh thu của AGG vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình là 36% trong các năm tới.

Tượng tự, tại ĐHCĐ vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Địa ốc First Real (mã chứng khoán: FIR) cho biết, sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản đang dần trở lại, do đó, doanh nghiệp cũng cần đưa ra những kỳ vọng mới phù hợp. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu 350 tỷ đồng doanh thu thuần và 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 98,6% và 45,4% so với thực hiện trong năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Tuấn, First Real sẽ tập trung tìm kiếm, phát triển quỹ đất và tiếp tục triển khai các dự án trên những quỹ đất mà Công ty đang sở hữu, củng cố, mở rộng mạng lưới phân phối, môi giới. Địa bàn được nhà phát triển bất động sản “trẻ nhưng không non” này hướng tới là Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Bình…

Báo cáo mới đây của SSI nhận định, thị trường nhà ở năm 2021 sẽ cải thiện dần với việc các quy định pháp luật đã được sửa đổi, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tích cực hơn cùng với ý chí chính trị của bộ máy nhân sự mới trong việc sớm giải quyết những điểm nghẽn cho thị trường. Mặt khác, lãi suất dự báo tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp sẽ hỗ trợ khả năng thanh toán của người mua nhà với tỷ lệ sử dụng thế chấp tăng.

Theo ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc DRH Holding, sau hơn 1 năm đầy khó khăn, đây là lúc các doanh nghiệp phải tăng tốc để “bù lại những gì đã mất”. Bản thân doanh nghiệp của ông năm nay cũng bắt tay sớm vào việc “săn” các quỹ đất để phát triển dự án mới ở một số địa phương, đặc biệt là những nơi đang có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, công nghiệp.

Khi nhiều người cho rằng thị trường tốt và hướng kế hoạch phát triển theo các kịch bản lạc quan thì khả năng cao là thị trường cũng sẽ lạc quan thật, nhưng đúng như nhìn nhận của các chuyên gia đến từ SSI, rằng sẽ chỉ có “những chủ đầu tư có uy tín, đi đúng xu hướng và đúng thời điểm với quỹ đất sẵn sàng phát triển quy mô lớn, tọa lạc ở các địa điểm tiềm năng, là bên giành chiến thắng trong điều kiện hiện tại".

Tin bài liên quan