Việt Nam cần nhiều hơn các khu công nghiệp chuyên ngành

Việt Nam cần nhiều hơn các khu công nghiệp chuyên ngành

“Lối thoát” khu công nghiệp chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không phải địa phương nào cũng có thể lấp đầy khách thuê cho các khu công nghiệp mọc lên như nấm hiện nay, do đó khu công nghiệp chuyên ngành gắn với thế mạnh từng địa phương có thể là lối thoát khả dĩ.

Chuyên nên… sâu

Nói đến Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), người ta ngay lập tức định danh Khu công nghiệp Cơ khí và ô tô của Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco Group), bởi đó là cái tên nổi bật ở đây và đa số các khách thuê còn lại cũng hướng đến việc phục vụ cho hệ sinh thái Thaco.

Khu công nghiệp Cơ khí và ô tô hiện hữu của Thaco có quy mô hơn 243 ha với hai phân khu: Các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và phân khu các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng và Tổ hợp sản xuất gia công cơ khí. Thaco sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 100 ha, nâng tổng diện tích khu công nghiệp cơ khí và ô tô lên gần 400 ha. Đến nay, đây được xem là trung tâm công nghiệp ô tô và logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN.

Đầu tư bài bản cho khu công nghiệp chuyên ngành giúp Thaco có thể bắt tay hợp tác với các thương hiệu ô tô quốc tế nổi tiếng như BMW, Mazda, Kia, Peugeot và trở thành đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất, phân phối đầy đủ chủng loại xe từ trung cấp đến cao cấp. Từ năm 2005 đến nay, Thaco đã bán ra gần 750.000 xe, chiếm 30% thị phần ở Việt Nam. Công ty hiện cũng đã xuất khẩu các sản phẩm ô tô và linh kiện phụ tùng ra nhiều nước.

Ảnh tác giả

Để xây dựng được khu công nghiệp chuyên ngành thì bản thân chủ đầu tư khu công nghiệp cần phải có mối liên hệ mật thiết với ngành công nghiệp đó, đủ năng lực và uy tín để thu hút đầu tư theo chuỗi giá trị ngành.

Ông Phạm Văn Nam, Chuyên gia đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam

“Hơn 20 năm phát triển, qua giai đoạn đầu tư các khu công nghiệp tại Chu Lai, chúng tôi nhận thấy để đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút nhà đầu tư thành công, cần phát triển bất động sản công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp chuyên ngành”, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Group chia sẻ.

Cũng đánh giá cao tiềm năng của mô hình khu công nghiệp chuyên ngành, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty IMG (IMG Group) cho rằng, đây là ý tưởng rất hay, điểm mạnh nhất của khu công nghiệp chuyên ngành là tính cạnh tranh mạnh, các doanh nghiệp thường trong hệ sinh thái, có thể hỗ trợ nhau. Bản thân IMG Group cũng đang làm việc với nhà đầu tư để phát triển một khu công nghiệp chuyên ngành y tế. Tuy nhiên, theo ông, phải thẳng thắn nhìn nhận, để phát triển một khu công nghiệp chuyên ngành là không dễ vì đòi hỏi nhiều nguồn lực. Đặc biệt, để thu hút được lượng lớn doanh nghiệp y tế vào một khu công nghiệp là khá thách thức.

“Để làm được khu công nghiệp kiểu này cần có những chủ trương lớn, đồng bộ về nhiều mặt, nhưng các chủ đầu tư chưa có được sự hỗ trợ tương xứng”, ông Tùng nhìn nhận.

Từ cần…

Thực tế, cả nước hiện có 370 khu công nghiệp, tại 61/63 tỉnh, thành phố, nhưng theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tính đến quý IV/2020, chỉ có 9 địa phương trọng điểm có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp ở mức 87 - 89% trở lên, gồm 5 địa phương phía Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) và 4 địa phương phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An), còn lại một tỷ lệ khá lớn vẫn trong tình trạng “nằm không chờ khách” hoặc chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, thời gian tới đây hàng loạt khu công nghiệp mới với hàng chục ngàn héc-ta sẽ được đưa ra thị trường và nguy cơ “đói khách thuê” là nhãn tiền, do đó khu công nghiệp chuyên ngành gắn với thế mạnh truyền thống của từng địa phương có thể là một lối thoát.

Từ kinh nghiệm của mình với lĩnh vực này, ông Phạm Văn Nam, chuyên gia đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, để mang đến thành công cho dự án khu công nghiệp chuyên ngành, cần xem xét tổng thể nhiều vấn đề, trong đó, khu công nghiệp ở bất cứ đâu cũng đều không thể tách rời yếu tố địa điểm, bao gồm môi trường kinh doanh địa phương, chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng xã hội…

Ông Nam đánh giá, khu công nghiệp chuyên ngành, ngoài các đặc tính của khu công nghiệp thông thường còn liên quan mật thiết tới chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp của ngành. Để phát triển thành công khu công nghiệp chuyên ngành thì cần bao gồm tối thiểu 3 nhóm yếu tố: Môi trường kinh doanh; kinh nghiệm chủ đầu tư và ngoại cảnh.

Trong đó, doanh nghiệp cần xem xét môi trường kinh doanh địa phương (thậm chí là phạm vi vùng và phạm vi quốc gia) có đủ các lợi thế đáp ứng được chuỗi giá trị sản xuất ngành, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phù hợp. Về kinh nghiệm triển khai dự án, chủ đầu tư khu công nghiệp cần thực sự hiểu về ngành, có mối liên hệ mật thiết với ngành công nghiệp đó, đủ năng lực và kinh nghiệm để phát triển dài hạn theo chiến lược phù hợp. Chủ đầu tư cần có phương pháp xúc tiến đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn của khu công nghiệp và theo chuỗi giá trị ngành.

Bên cạnh các yếu tố trên, theo ông Nam, ngoại cảnh cũng có tác động rất lớn tới việc sắp xếp các chuỗi giá trị ngành. Hiện tại, với Thương chiến Mỹ - Trung, cách mạng công nghiệp giai đoạn mới, dịch bệnh Covid-19 và các điều kiện, hoàn cảnh quốc tế thời kỳ mới đang tái sắp xếp các chuỗi giá trị ngành trên toàn cầu. Không phải tất cả các ngành đều phù hợp với hiện trạng phát triển của Việt Nam, vì vậy, Việt Nam cần lựa chọn một số ngành có lợi thế nhất định để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư, chuẩn bị hạ tầng và nuôi dưỡng hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ nội địa làm cơ sở cho chuỗi ngành phát triển ổn định. Khu công nghiệp chuyên ngành dựa vào đó sẽ có thêm lợi thế để phát triển và có cơ hội thành công.

… Đến đủ

Cũng thừa nhận tính hấp dẫn của khu công nghiệp chuyên ngành, nhưng theo ông Nguyễn Việt Thung, một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản với nhiều kinh nghiệm phát triển thị trường khu công nghiệp, muốn có khu công nghiệp chuyên ngành lại phụ thuộc nhiều vào khả năng khai thác đầu ra của từng doanh nghiệp, nếu có đầu ra tốt thì khả năng tìm kiếm các nhà đầu tư cùng ngành nghề sẽ cao hơn.

Ông Thung cho rằng, mặc dù mục tiêu ban đầu đặt ra là phát triển khu công nghiệp chuyên ngành, nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp không đạt được lại phải chuyển đổi thành khu công nghiệp hỗn hợp.

Theo ông, để có thể phát triển thành công một dự án khu công nghiệp chuyên ngành, có 4 yếu tố quan trọng chi phối. Đó là yếu tố địa bàn (địa bàn tốt thể hiện ở chính sách thu hút đầu tư, quỹ đất hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không tốt); quỹ đất địa phương phải lớn; giải phóng mặt bằng tốt và cuối cùng là yếu tố mang tính nội tại của doanh nghiệp, đó là phải có thế mạnh về vốn, vì đây là đầu tư dài hạn, đòi hỏi tính trường kỳ.

Cũng đánh giá về các yếu tố chi phối sự thành công của mô hình khu công nghiệp nói chung, khu công nghiệp chuyên ngành nói riêng, ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Dịch vụ Bất động sản công nghiệp Colliers Việt Nam lấy ví dụ về sự thành công của Đồng Nai.

Theo ông, ngoài việc hạ tầng giao thông của Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực liên tục được cải thiện thì hiện tỉnh này còn sở hữu điều kiện thuận lợi cho chuyên gia, người lao động an cư.

“Đồng Nai đang được nhiều chủ đầu tư lớn lựa chọn để phát triển các dự án bất động sản cao cấp với quy chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu sinh sống của các chuyên gia quốc tế. Chính điều này sẽ khiến cho nhân lực chất lượng cao đổ về địa phương này ngày càng nhiều”, ông Chí nhấn mạnh.

Tin bài liên quan