Phát triển các dự án nhà ở theo phong cách nghỉ dưỡng là chiến lược của nhiều doanh nghiệp địa ốc khi hướng đến vùng ven

Phát triển các dự án nhà ở theo phong cách nghỉ dưỡng là chiến lược của nhiều doanh nghiệp địa ốc khi hướng đến vùng ven

Doanh nghiệp địa ốc định vị tệp khách vùng ven

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư “ăn theo” hạ tầng, tạo lập quỹ đất lớn để phát triển các mô hình đại dự án nằm ngoài trung tâm… là chiến lược đang được nhiều doanh nghiệp địa ốc áp dụng và mỗi doanh nghiệp hướng đến tệp khách hàng riêng.

Nhắm vào thị trường ngách

Từ thành công tại thị trường địa ốc Hà Nội, dòng vốn đầu tư của Hải Phát Invest đã chảy nhanh ra nhiều thị trường mới trong vài năm gần đây, tại phía Bắc là dự án Khu đô thị mới Mai Pha quy mô 91,73 ha tại Lạng Sơn, dự án HP Galaxy với quy mô 4,35 ha tại Cao Bằng, dự án Khu nghỉ dưỡng kết hợp thương mại - dịch vụ và nhà ở La Emera Hạ Long quy mô 12,66 ha ở Quảng Ninh… Ở khu vực miền Trung, Hải Phát Invest đang triển khai dự án Vinh Mỹ tại Huế quy mô hơn 39,58 ha, hay tại khu vực phía Nam là dự án Khu đô thị mới An Bình 1 và 2 với quy mô tương ứng là 164,3 ha và 58,4 ha…

Không ngại tiết lộ về lý do “cởi tấm áo” chật chội tại Hà Nội để vươn mình đi xa, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, trong các dự án sắp tới, Hải Phát Invest sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh là biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và tiệm cận cao cấp nhằm tạo ra sự khác biệt tại các địa phương mình đầu tư. Với mảng bất động sản nghỉ dưỡng, Hải Phát Invest đi theo một ngách riêng là “bất động sản ở mang tính nghỉ dưỡng”, trong đó các dự án được xây dựng trên đất ở có sổ đỏ, quyền sử dụng lâu dài…, nhưng được vận hành theo mục đích phục vụ lưu trú, nghỉ dưỡng.

Văn Phú - Invest cũng là một trong những doanh nghiệp bất động sản tại Thủ đô tích cực khai phá miền đất mới để mở rộng quy mô đầu tư, nhiều dự án ở các tỉnh lân cận Hà Nội đang được doanh nghiệp này triển khai thời gian qua có thể kể tới như dự án Vlasta Hải Phòng quy mô 30,71 ha tại huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng, dự án Khu đô thị mới Cồn Khương ở Cần Thơ, dự án Yên Phong quy mô 6,65 ha ở Bắc Ninh…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Văn Phú – Invest cho biết, mục tiêu hàng đầu hiện nay là tập trung phát triển các phân khúc dự án nhà ở, khu đô thị mới, các dự án đô thị biển, bất động sản du lịch sinh thái biển tiêu chuẩn 5 sao, chuyển dịch một phần thị phần đầu tư sang các dự án bất động sản công nghiệp.

“Phân khúc sản phẩm tuy nhiều, nhưng các dự án đều có một điểm chung là phát triển theo chiến lược xanh, bền vững, lấy con người và môi trường làm nhân tố trung tâm”, đại diện Văn Phú - Invest chia sẻ thêm.

Tại phía Nam, Tập đoàn Hưng Thịnh được biết đến như là một trong những đơn vị sớm “bắt mạch” thị trường bất động sản khu vực ngoài TP.HCM. Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, từ cuối năm 2019, Công ty đã chi hàng ngàn tỷ đồng để M&A (mua bán - sáp nhập) các dự án lớn, đến nay đã nắm trong tay gần 5.000 ha đất sẵn sàng phát triển dự án. Trong quý đầu năm 2021, Hưng Thịnh Land đã khởi động lại dự án Lavita Thuận An tại Bình Dương (tên cũ là Anderson Park), cung cấp ra thị trường gần 2.500 căn hộ, mức giá chào bán từ 32 triệu đồng/m2.

“Trong thời gian tới, Hưng Thịnh Land sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển các sản phẩm thuộc phân khúc vừa túi tiền nhằm tạo lực bán tốt ở các địa phương, cùngvới đó là cơ cấu sản phẩm đa dạng với nhiều dự án phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng và đầu tư”, ông Nhiên nói.

Với Novaland, ngoài được biết là nhà phát triển bất động sản hàng đầu với hơn 50 dự án nhà ở tại trung tâm TP.HCM, trong những năm qua, “ông lớn” này cũng tích cực mở rộng quỹ đất ở nhiều địa phương vùng ven và hiện sở hữu tới hơn 5.400 ha đất. Trong các thương vụ được nhắc tới nhiều, có thể kể đến dự án Aqua City ở Đồng Nai với tổng diện tích lên tới hơn 1.000 ha.

Theo tin từ lãnh đạo Tập đoàn, chỉ riêng cho việc mở rộng quỹ đất ở Đồng Nai và các vùng lân cận TP.HCM, Novaland đã chi hơn 1 tỷ USD trong năm qua. Ở mỗi địa phương có dự án bất động sản được triển khai, Novaland đều tạo “điểm nhấn” bằng việc kiến tạo một hệ sinh thái đẳng cấp, phục vụ trọn vẹn nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, ở phân khúc nghỉ dưỡng, Novaland đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường hướng vào một kênh đầu tư mới mẻ và hiệu quả là chuỗi bất động sản du lịch.

Mở rộng đầu tư: Cuộc chơi lớn

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ngoại trừ Khang Điền có 100% quỹ đất tại thành phố lớn, Vinhomes duy trì chiến lược đô thị cao cấp nên vẫn sở hữu 51% quỹ đất tại TP.HCM và Hà Nội, những chủ đầu tư khác đều có tỷ lệ quỹ đất ở các đô thị vệ tinh ở mức trên 80%, cho thấy định hướng chiến lược phát triển dự án ra vùng ven của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo đánh giá của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, không chỉ Hà Nội hay TP.HCM, có thể thấy rõ xu hướng mở rộng địa bàn ở cả các tỉnh vùng ven, nhất là nơi có tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị ở mức cao. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất tại các thị trường chính cũng buộc các doanh nghiệp phải chủ động trong việc mở rộng phạm vi hoạt động ra khu vực lân cận để tránh tình trạng “dẫm chân nhau” nếu tiếp tục săn tìm quỹ đất tại các địa bàn trung tâm. Ngoài ra, những năm gần đây, việc hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng liên tục được mở rộng và hoàn thiện cũng giúp các nhà phát triển bất động sản tự tin hơn khi triển khai dự án ở vùng ven.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Kosy Group giải thích, việc các doanh nghiệp địa ốc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ trung tâm sang khu vực lận cận là điều dễ hiểu, bởi theo quy luật phát triển, doanh nghiệp không thể mãi đứng yên một chỗ mà phải luôn tìm tòi, khai phá những vùng đất mới tiềm năng để phục vụ cho các chiến lược dài hơi của mình.

“Ngoài gia tăng quỹ đất, việc mở rộng địa bàn còn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thương hiệu một cách dễ dàng hơn, tạo lợi thế cạnh tranh khi tiến hành huy động vốn, nhất là trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào Việt Nam như hiện nay”, ông Cường nêu quan điểm.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong khai phá nhiều vùng đất mới, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho rằng, khi đầu tư vào một địa phương, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là tư duy của bộ máy chính quyền địa phương đó, thể hiện ở tầm nhìn, định hướng và mục tiêu rõ ràng của lãnh đạo địa phương, đồng thời phải có sự gắn kết lâu dài và quyết tâm thực hiện rất cao cùng doanh nghiệp.

“Đầu tư vào khu vực tỉnh lẻ giống như mang nước đến một nơi khô cằn, không biết đổ bao nhiêu cho đầy, cho nên quyết tâm đồng hành của địa phương với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Khi nhà đầu tư đã đổ nước rồi, chính quyền địa phương hãy bảo vệ nhà đầu tư”, vị lãnh đạo FLC ví von.

Hiện nay, việc phát triển dự án bất động sản tại vùng ven được chia thành 2 mô hình chính: Một là mô hình township (thành phố thu nhỏ), bao gồm nhà ở và hệ sinh thái đi kèm như trường học, bệnh viện, khu thương mại…; hai là mô hình đại đô thị dự án du lịch nghỉ dưỡng với nhiều khu chức năng vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe...

Các chuyên gia cho rằng, khi triển khai đầu tư tại vùng ven, các doanh nghiệp đối diện với 2 thách thức: Một là đảm bảo cam kết, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông; hai là phát triển các sản phẩm mang tính khác biệt để thu hút nhà đầu tư, người dân và khách du lịch để tạo sức sống cho đô thị. Ngoài ra, trong quá trình chuyển hướng đầu tư ra khỏi các thành phố lớn, chủ đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường để tìm tệp khách hàng phù hợp với sản phẩm dự án.

Tin bài liên quan