Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng tác động lan tỏa của hai gói tín dụng nhà ở xã hội

Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng tác động lan tỏa của hai gói tín dụng nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia kinh tế, lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản chia sẻ kỳ vọng về tác động lan tỏa của hai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội dự kiến được triển khai tới đây. 

Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG)

Thị trường đang quan tâm đến 2 gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, là gói 120.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng lớn triển khai và gói 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất. Đối tượng doanh nghiệp được hưởng lợi từ hai gói tín dụng này là khác nhau.

Đơn cử, gói 120.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở xã hội, nên không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng có thể tiếp cận được.

Do vậy, cơ quan quản lý cũng nên tính đến việc mở rộng đối tượng triển khai ra nhà ở có giá trị thấp để khuyến khích thêm nhiều chủ đầu tư hơn. Đồng thời, không chỉ định một vài ngân hàng tham gia mà nên mở rộng để tăng tính cạnh tranh, minh bạch và đẩy nhanh tốc độ giải ngân thuận lợi.

Thực tế, thị trường bất động sản hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ có từng chu kỳ, có giai đoạn phát triển nóng, có giai đoạn chững lại, hay đi xuống. Do vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ biết tự liệu sức mình để cân đối, mở rộng hay cắt giảm các lĩnh vực để phù hợp hơn, các doanh nghiệp vẫn phải thay đổi, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Hai gói tín dụng được đề xuất sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường bất động sản, giúp thu hút thêm dòng chảy vốn vào thị trường bất động sản và tạo thêm được nhiều công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản đỡ căng thẳng về vốn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản là tái cấu trúc để giảm được các dự án đang đầu tư một cách tràn lan và thứ hai là làm cách nào để bán được những bất động sản đã gần hoàn thành để thu lại dòng tiền.

Triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn khá tích cực. Trên thực tế thì ngành tài chính, ngân hàng hoạt động vẫn tốt, hoạt động xuất khẩu đang dần “ấm” trở lại.

Thêm nữa, hoạt động giải ngân đầu tư công đã được Chính phủ đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Khi hoạt động giải ngân đầu tư công được triển khai thì thị trường bất động sản cũng sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Người sáng lập Fiinpeace

Dù Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, nhưng số lượng công ty bất động sản niêm yết quan tâm tới phát triển nhà ở xã hội hay phân khúc bình dân ngày càng ít. Nhiều công ty bất động sản đặt mục tiêu biên lợi nhuận cao, chủ yếu nhắm tới phân khúc cao cấp, nhiều năm không mặn mà với phân khúc giá thấp. Trong khi, nhu cầu thực sự của số đông người dân là nhóm phân khúc này. Đây là căn nguyên của hiện tượng dư thừa bất động sản cao cấp mang tính chất tích trữ, đầu cơ và thiếu hụt căn hộ cho nhu cầu sử dụng. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho thấy sự linh hoạt hợp lý, xét trên góc độ điều hành tổng thể nói chung.

Một số nhà đầu tư mong đợi sự lan tỏa từ gói này tới thị trường chứng khoán niêm yết, nhưng có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, gói hỗ trợ nhà ở xã hội năm 2013 là một trong những chính sách của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và trung bình. Gói hỗ trợ này bao gồm nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể mua nhà ở xã hội với giá rẻ, thấp hơn so với giá thị trường, tuy nhiên, gói hỗ trợ này đã gặp phải nhiều khó khăn và bất cập trong thực hiện. Một số vấn đề như chậm triển khai, chính sách chưa đầy đủ và cụ thể, vấn đề về quản lý, giám sát, kiểm soát chất lượng, giá thành và pháp lý... đã khiến cho gói vốn 30.000 tỷ đồng không đạt được hiệu quả như mong đợi. Sự ảnh hưởng của gói hỗ trợ này lên thị trường chứng khoán không trực tiếp và rõ ràng.

Thứ hai, xét về biến động thị trường chứng khoán, ở thời điểm hiện tại cũng có nhiều khác biệt so với giai đoạn năm 2013. Giai đoạn trước khi có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, thị trường chứng khoán đã tăng khá tốt, khoảng 25% so với mức trung bình 2012. Do đó, việc đi ngang trong năm 2013 và tăng tiếp 2014 là diễn tiến khá bình thường.

Ở tình huống hiện tại, tôi kỳ vọng vào điều tích cực với điều kiện là các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn tham gia nhiệt tình vào việc triển khai gói hỗ trợ. Đây là lúc các doanh nghiệp này phải thể hiện sự đóng góp của mình vào nhu cầu chung của xã hội và tôn trọng tài nguyên đất đai là một tài nguyên đặc biệt quan trọng dành cho toàn bộ các phân khúc người tiêu dùng thực, chứ không chỉ khu biệt tại phân khúc cao. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến một năm 2022 giảm mạnh cả năm, mọi sự hỗ trợ đều là rất cần thiết để thị trường dần ổn định tích lũy trở lại.

Nhà đầu tư cần theo dõi đó là động thái từ phía doanh nghiệp bất động sản lớn thể hiện trong tính cam kết của việc triển khai gói hỗ trợ này. Chỉ khi các doanh nghiệp này có động thái rõ ràng thì tính lan tỏa sang các ngành phụ trợ bất động sản mới thực sự có chuyển biến tích cực.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Diamond Empire

Gói hỗ trợ tín dụng sẽ tạo ra một nguồn lớn cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, làm giảm áp lực về giá trị bất động sản và đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân.

Điều này sẽ giúp thị trường bất động sản trở nên ổn định hơn và giảm thiểu tình trạng bong bóng bất động sản.

Các doanh nghiệp trong ngành bất động sản cũng sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động và tăng doanh số bán hàng, tạo ra sự phục hồi đáng kể cho nền kinh tế.

Các điều trên sẽ có thể dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, thiết bị và dịch vụ liên quan đến bất động sản, tạo thuận lợi cho các ngành nghề khác như giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, dịch vụ…

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này cũng có thể gây ra một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như tăng đột biến nguồn cung nhà ở trong một vài vùng, dẫn đến giá cả giảm mạnh và ảnh hưởng đến tính khả thi của các dự án.

Tin bài liên quan