Vietravel sẽ tái cấu trúc khoản đầu tư vào Vietravel Airlines để tránh lỗ.

Vietravel sẽ tái cấu trúc khoản đầu tư vào Vietravel Airlines để tránh lỗ.

Doanh nghiệp hàng không, du lịch chịu cú đánh bồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến các doanh nghiệp lữ hành, du lịch càng thêm khó khăn.

HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, việc đóng cửa biên giới để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm của đại dịch đã khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%. Tổng thu du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương mức giảm 19 tỷ USD. Có khoảng 40 - 60% lao động ngành du lịch mất việc làm.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) có thể nói là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Cổ phiếu HVN đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4/2021 do lợi nhuận sau thuế năm 2020 của công ty mẹ Vietnam Airlines là con số âm (âm 10.927 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nếu tình trạng thua lỗ không sớm được khắc phục, HVN sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Khi đó, HVN có hai phương án: hoặc rời khỏi sàn chứng khoán hoặc quay trở về UPCoM. Nhiều khả năng, HVN sẽ xuống sàn UPCoM, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Ba tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020; lỗ 4.974 tỷ đồng. Thua lỗ trong quý đầu năm nay đã kéo vốn chủ sở hữu của HVN từ 6.072 tỷ đồng hồi đầu năm 2021 xuống còn 1.030 tỷ đồng tính tới 31/3/2021.

Tính đến cuối tháng 3/2021, lỗ lũy kế công ty mẹ Vietnam Airlines là 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của Tổng công ty (14.182 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 3/2021, lỗ lũy kế công ty mẹ Vietnam Airlines là 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của Tổng công ty (14.182 tỷ đồng). Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế của công ty mẹ vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Đáng chú ý, nợ phải trả ở thời điểm ngày 31/3/2021 của Tổng công ty lên tới 59.549 tỷ đồng, cao gấp 57,8 lần vốn chủ sở hữu; trong đó, nợ ngắn hạn là 37.027 tỷ đồng, nợ dài hạn 22.522 tỷ đồng.

Khoản phải trả cho người bán ngắn hạn ghi nhận 16.229 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 12.693 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 21.639 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền trong kỳ của chỉ có 1.594 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với quy mô nợ mà Vietnam Airlines đang phải gánh.

Trong kỳ, HVN phải trả thu bán chứng từ vận chuyển hành khách, hành lý, MCO đến 3.062 tỷ đồng. Đây chính là khoản hoàn trả tiền vé cho những khách hàng hủy vé vì lý do bất khả kháng là dịch bệnh Covid-19.

Từ nửa cuối tháng 3, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các hãng hàng không đua nhau triển khai các chương trình kích cầu giảm giá vé để đón cơ hội đẩy mạnh doanh thu vào mùa du lịch hè, người dân cũng hứng khởi đặt vé đi chơi. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 4 trở lại đây, nhu cầu đi lại sụt giảm hẳn.

Theo báo cáo giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM khi bị đưa vào diện cảnh báo mới đây, HVN đã đưa ra các giải pháp ứng phó cải thiện tình hình như: thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp để giảm giá và giãn hoãn tiến độ thanh toán, cắt giảm chi phí…

Đồng thời, VNA cũng tăng cường sử dụng các khoản vay vốn ngân hàng để bù đắp thanh khoản. Ngoài ra, theo Nghị quyết của Chính phủ, VNA triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để vừa bổ sung dòng tiền, vừa cải thiện thu nhập.

Bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu đi lại của khách hàng hạn chế, biên giới vẫn đóng cửa cho thấy một bức tranh kinh doanh chưa thấy sáng của Vietnam Airlines.

Khác với những hãng hàng không khác có thể lấy mảng cho thuê máy bay hay đầu tư tài chính để bù cho khoản hụt từ mảng khai thác vận chuyển hành khách hàng hóa, doanh thu chủ lực của Vietnam Airlines đến từ vận chuyển hành khách và hàng hóa. Mảng cho thuê máy bay không ghi nhận doanh thu.

Vietravel tách mảng hàng không để tránh bù lỗ

Doanh nghiệp lữ hành Vietravel vừa có một năm suy giảm mạnh về hiệu quả kinh doanh, với doanh thu 1.518 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái; lỗ gần 99 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào 26/5/2021, doanh nghiệp sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2021 với mục tiêu doanh thu 6.243 tỷ đồng, tăng 411% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vietravel có tờ trình lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines, Vietravel nắm giữ 100% vốn).

Vietravel cho biết, hoạt động kinh doanh lữ hành của Công ty chưa phục hồi như dự kiến nên không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ các mảng đầu tư khác như hàng không. Năm 2021, Vietravel Airlines bắt đầu đi vào hoạt động và theo kế hoạch sẽ lỗ trong hai năm đầu.

Nếu giữ nguyên cấu trúc sở hữu như hiện tại, các khoản lỗ của Vietravel Airlines sẽ được hợp nhất với công ty mẹ Vietravel, là ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của toàn Công ty. Do đó, việc tái cấu trúc, tách Vietravel Airlines không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Vietravel là việc cần thiết và phải thực hiện sớm.

Vietravel Holdings sẽ là pháp nhân nhận lại phần góp vốn của Vietravel tại Vietravel Airlines. Như vậy, thông qua tái cấu trúc, Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ chi phối cổ phần tại Vietravel và cả Vietravel Airlines. Theo đó, 2 công ty này vẫn thuộc hệ sinh thái chung của Tập đoàn, hỗ trợ phát triển theo mô hình hàng không - lữ hành.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó ban Tiếp thị Công ty Vietravel từng cho biết: "Sau Tết, tình hình du lịch tháng 3 - 4 có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh việc đăng ký du lịch dịp lễ, phần lớn khách hàng đã đăng ký tour dịp hè khởi hành vào tháng 5. Chúng tôi kỳ vọng một mùa hè vô cùng sôi động”.

Nhưng với diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện tại, cơ hội hồi phục của các doanh nghiệp hàng không, lữ hành như Vietravel lùi xa hơn.

Ba tháng đầu năm nay, Vietravel báo lỗ 25,2 tỷ đồng, doanh thu trong kỳ chỉ đạt 170 tỷ đồng, sụt giảm 76,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vietjet trông vào đầu tư tài chính

Kết thúc quý I/2021, công ty mẹ Vietjet ghi nhận doanh thu sụt giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.845 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, tăng 111%. Tại báo cáo tài chính hợp nhất của Vietjet, doanh thu giảm 44% đạt 4.048 tỷ đồng; lợi nhuận 123 tỷ đồng, tăng 112% so với con số lỗ 989 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.

Vietjet là hãng hàng không hiếm hoi báo lãi trong bối cảnh Covid-19 đang hết sức căng thẳng.

Theo lý giải của Vietjet, lợi nhuận có được từ việc Công ty đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không. Trong quý I/2021, Vietjet đã vận chuyển gần 3,6 triệu lượt khách, thực hiện hơn 21.000 chuyến bay, vận chuyển 18.000 tấn hàng hoá…

Vietjet đang thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Doanh nghiệp này đã quản lý tốt chi phí, tăng cường chuyển đổi số nhằm tối ưu hoá năng lực, hiệu quả khai thác, đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp…

Nhận định về nhóm cổ phiếu ngành du lịch, hàng không, chuyên gia phân tích Nguyễn Thế Minh cho biết, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.

Tin bài liên quan