Doanh nghiệp khai thác rút khỏi Trung Quốc, Bitcoin gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty khai thác tiền điện tử bao gồm HashCow và BTC.TOP đã tạm dừng tất cả hoặc một phần hoạt động tại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tăng cường động thái kiểm soát đối với việc khai thác và kinh doanh Bitcoin.
Doanh nghiệp khai thác rút khỏi Trung Quốc, Bitcoin gặp khó

Hôm thứ Sáu (21/5), Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã công bố cuộc kiểm soát Bitcoin như một phần trong nỗ lực chống lại rủi ro tài chính. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào khai thác tiền ảo. Trung Quốc là địa điểm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới khi chiếm tới 70% nguồn cung tiền điện tử toàn cầu.

Sàn giao dịch tiền điện tử Huobi vào thứ Hai (24/5) đã đình chỉ cả hoạt động khai thác tiền điện tử và một số dịch vụ giao dịch cho các khách hàng mới từ Trung Quốc và thay vào đó họ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài.

BTC.TOP, một nhóm khai thác tiền điện tử cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc do rủi ro về quy định, trong khi công ty khai thác tiền điện tử HashCow cho biết họ sẽ ngừng mua các giàn khai thác Bitcoin mới.

Chen Jiahe, giám đốc đầu tư của văn phòng gia đình Novem Arcae Technologies có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Khai thác tiền điện tử tiêu tốn rất nhiều năng lượng, điều này đi ngược lại với mục tiêu trung hoà carbon (không tăng ròng phát thải carbon) của Trung Quốc”.

Ngoài ra, cuộc trấn áp tiền điện tử cũng là một phần trong nỗ lực tăng cường của Trung Quốc nhằm hạn chế giao dịch đầu cơ tiền điện tử.

Bitcoin đã tiếp tục sụt giảm sau động thái mới nhất của Trung Quốc và hiện đã giảm gần 50% so với mức đỉnh vào giữa tháng 4. Cùng ngày, đồng Ether đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng và giảm 60% so với mức đỉnh kỷ lục chỉ trong 12 ngày trước.

Bảo vệ nhà đầu tư và rửa tiền là những mối quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý tài chính toàn cầu. Sự thay đổi mới nhất về tiền kỹ thuật số cũng bắt nguồn từ sự giám sát chặt chẽ hơn ở Mỹ.

Hôm thứ Năm (20/5), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết, tiền điện tử đã gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính và chỉ ra rằng các quy định rộng hơn đối với loại tiền điện tử ngày càng phổ biến có thể được đảm bảo được điều đó.

Người sáng lập BTC.TOP Jiang Zhuoer cho biết trong một bài đăng trên Weibo rằng hoạt động kinh doanh khai thác của họ sẽ không còn mở ở Trung Quốc, trong khi HashCow cho biết họ sẽ tạm ngừng các hoạt động kinh doanh mới ở Trung Quốc trong một thông báo cho khách hàng.

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của các công ty khai thác tiền điện tử của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2024 vào khoảng 297 terawatt giờ, lớn hơn tất cả mức tiêu thụ năng lượng của Ý vào năm 2016.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết trung hoà carbon vào năm 2060.

Trước đó, Trung Quốc đã mất vị trí trung tâm giao dịch tiền điện tử toàn cầu sau khi Bắc Kinh cấm các sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2017.

"Cuối cùng, Trung Quốc cũng sẽ mất sức mạnh tính toán tiền điện tử vào các thị trường nước ngoài", người sáng lập BTC.TOP Jiang viết với dự đoán sự gia tăng của các nhóm khai thác ở Mỹ và châu Âu.

Giám đốc đầu tư Chen Jiahe của Novem Arcae cho biết, nếu không được kiềm chế cơn sốt tiền điện tử thì điều đó có thể biến thành bong bóng tương tự bong bóng hoa tulip của Hà Lan vào thế kỷ 17.

“Điểm khác biệt duy nhất là sau khi bong bóng tulip vỡ, vẫn còn sót lại một số bông hoa đẹp. Nhưng khi bong bóng tiền ảo nổ, những gì còn lại sẽ chỉ là một số mã máy tính”, ông cho biết.

Tin bài liên quan