Doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết 68 tạo bứt phá từ thể chế và con người

0:00 / 0:00
0:00
Để những định hướng quan trọng của Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân thực sự đi vào đời sống kinh tế, điều các doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay là hành động cụ thể, cải cách thực chất.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Cần cụ thể hóa cam kết cải cách thủ tục hành chính

Tại Tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân” vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp công nghệ, tài chính đã nhấn mạnh rằng, để Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, cần những cải cách đồng bộ, rõ ràng và sâu sát hơn về thủ tục hành chính, chuyển đổi số và cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, doanh nghiệp đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc thực hiện cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính như đề ra trong Nghị quyết 68. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng là phải có lộ trình rõ ràng, danh mục ưu tiên cụ thể và thực hiện một cách khẩn trương.

“Chúng ta nói đến con số 30%, nhưng nếu không xác định rõ những thủ tục nào được ưu tiên cải cách, và không có mốc thời gian cụ thể thì sẽ rất khó để doanh nghiệp cảm nhận được hiệu quả thực sự”, ông Phát nói.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh đến sự thiếu đồng bộ giữa chính sách Trung ương và cách áp dụng tại địa phương. Nhiều chính sách ban hành từ Trung ương nhưng khi triển khai xuống cơ sở lại bị “biến dạng” hoặc áp dụng không thống nhất, dẫn đến chồng chéo và kéo dài thời gian xử lý.

Một điểm mấu chốt khác là chuyển đổi số trong quản lý hành chính nhà nước. Theo ông Phát, đây không chỉ là cơ hội để cải thiện hiệu quả quản lý, mà còn giúp ngân hàng và các định chế tài chính như MoMo có thể tham gia đồng hành, phục vụ doanh nghiệp nhanh hơn, minh bạch hơn.

“Chuyển đổi số là cơ hội rất lớn để Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng tiến bước. Nếu triển khai tốt, đây sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế thực chất và bền vững”, ông Phát nhấn mạnh.

Nhà nước phải là người "bố nhân từ"

Ở góc độ doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo đưa ra kiến nghị mạnh mẽ hơn về mô hình quản lý và cách tiếp cận giữa nhà nước và doanh nghiệp.

“Nhiều năm qua, chúng ta thường nói nhà nước đồng hành với doanh nghiệp, nhưng tôi cho rằng, cần thay đổi tư duy: Nhà nước nên đóng vai trò là một người bố nhân từ, định hướng, điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp như đối với con khi cần thiết. Bởi với con, người bố sẽ luôn hết lòng, còn nếu coi nhau là bạn, thì mỗi người sẽ có một cách hiểu và hành xử khác nhau", ông Diệp ví von.

Theo ông, để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các mô hình đổi mới sáng tạo phát triển, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ thực chất, nhất quán và xuyên suốt. Đồng thời, cần xây dựng một đầu mối duy nhất để tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp tư nhân, tránh tình trạng doanh nghiệp phải "gõ cửa nhiều nơi mà không biết nơi nào giải quyết".

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo.

Một trong những vấn đề mà ông Diệp cho là chưa được quan tâm đúng mức là thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao. Đặc biệt là Việt kiều và người nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm quốc tế muốn về đóng góp cho Việt Nam.

“Hiện nay, rất nhiều chuyên gia Việt Nam đã làm việc tại các tập đoàn lớn ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, kéo dài, thậm chí mất cả năm trời để hoàn tất một hồ sơ làm việc”, ông Diệp dẫn chứng từ chính trải nghiệm tuyển dụng tại MoMo.

Theo ông, nếu có thể xây dựng một cơ chế thông thoáng về nhập cảnh, thuế, điều kiện sống, nhất là cho con cái của chuyên gia thì Việt Nam sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đang rất sẵn sàng quay về. Đây là một yếu tố then chốt để tạo sức bật mới cho khu vực đổi mới sáng tạo và công nghệ.

Cải cách tư duy quản lý để cởi trói cho doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhấn mạnh rằng, bên cạnh các vấn đề thể chế và thủ tục, điều cốt lõi để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển chính là đổi mới tư duy quản lý. Đặc biệt là trong cách tiếp cận giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.

Ông Kỳ nêu hai vấn đề liên quan đến tư duy cần được thay đổi triệt để.

Thứ nhất, là tư duy về quyền tự do kinh doanh. Bởi trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng cơ quan quản lý và thậm chí cả chính các doanh nghiệp cho rằng chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép. Trong khi theo nguyên tắc pháp lý, doanh nghiệp được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

“Ở nhiều nước, doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ đúng quy định pháp luật là có thể tự do triển khai hoạt động kinh doanh. Còn ở Việt Nam, muốn làm gì cũng phải đăng ký ngành nghề, tra mã số, thủ tục rườm rà”, ông Kỳ chia sẻ,

Vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi dứt khoát tư duy này trong bộ máy quản lý nhà nước, khẳng định rằng doanh nghiệp là chủ thể độc lập, được quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Không nên coi họ như đối tượng cần giám sát thường trực hay “xin - cho”.

Thứ hai, ông Kỳ dẫn lại thông điệp gần đây của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm", một rào cản lớn đối với đổi mới sáng tạo và sự phát triển của khu vực tư nhân.

“Là doanh nghiệp tư nhân hoạt động hơn 30 năm, chúng tôi đã thấm thía điều này. Có nhiều lĩnh vực, cơ quan nhà nước không đủ năng lực quản lý, không hiểu rõ mô hình mới, nên thay vì tìm cách hoàn thiện khung pháp lý thì lại chọn giải pháp là cấm. Điều đó khiến doanh nghiệp bị bó buộc, nền kinh tế thì mất đi động lực đổi mới”, ông Kỳ thẳng thắn nêu quan điểm.

Tin bài liên quan