Doanh nghiệp loay hoay trong thời vốn đắt

Doanh nghiệp loay hoay trong thời vốn đắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các kênh dẫn vốn đều ách tắc, lãi vay tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp chia sẻ “chưa bao giờ khó khăn như giai đoạn hiện tại”.

Khát vốn

Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG) cho biết, ba kênh cấp vốn chính cho doanh nghiệp là thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng đều đang gặp khó khăn.

“Giai đoạn này, doanh nghiệp nào có sức chống chịu tốt mới có thể tồn tại được”, ông Tăng nhận xét.

Theo ông Tăng, DIG hiện tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu ở mức khá an toàn, “nhưng nếu ách tắc nguồn vốn càng kéo dài thì doanh nghiệp nào cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX cũng chia sẻ, đảm bảo thanh khoản đang là một thách thức lớn của doanh nghiệp ông, do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư khó khăn.

Tình trạng nhà thầu xây dựng bị nợ đọng đang rất phổ biến trên thị trường, đặc biệt ở 25 - 30% khối lượng xây dựng cuối cùng của dự án. Dù một số dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Fecon (mã FCN), ông Nguyễn Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, ở giai đoạn này, việc cân đối dòng tiền của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường xây dựng và hoạt động tín dụng chung không thuận lợi.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Fecon cho thấy, trong quý III, chi phí tài chính tăng mạnh 50,8% so với cùng kỳ, lên 55,8 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay tăng đã kéo lợi nhuận thuần từ kinh doanh giảm 78,7% so với cùng kỳ về mức 4,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý này của Fecon chỉ còn 749 triệu đồng, giảm hơn 96% so với cùng kỳ và giảm 90% so với quý trước đó. Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.205 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 97,1% so với cùng kỳ, chỉ còn 2 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, nợ phải trả của Công ty là 4.127 tỷ đồng, giảm 9,5% so với đầu năm. Nợ vay tăng nhẹ lên 2.671 tỷ đồng; trong đó vay ngắn hạn là 1.411 tỷ đồng (tăng 5,9%), vay dài hạn 1.259 tỷ đồng (tăng 10,3%). Tính đến ngày 30/9/2022, dòng tiền kinh doanh của Công ty âm 162 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư cũng âm 423 tỷ đồng, tăng khoảng 588 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao trong thời gian qua ở tất cả các kỳ hạn, với lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên phổ biến ở mức 7,6 - 8,2%/năm, một vài ngân hàng đã áp dụng lãi suất trên 10%/năm cho khoản tiền gửi giá trị lớn, kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh theo. Một số ngân hàng đã thông báo điều chỉnh mức lãi suất cho vay lên 10 - 12%/năm, thậm chí có những khoản vay chịu lãi suất từ 15-16%/năm, tăng mạnh so với mức 8 - 9%/năm trước đó.

Cùng với đó, do Ngân hàng Nhà nước giữ hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay ở mức 14% để kiểm soát lạm phát, trong khi tín dụng tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, nên hạn mức cho vay còn lại không nhiều. Nhiều doanh nghiệp còn bị cắt giảm hạn mức tín dụng nên dù chấp nhận mức lãi suất cao cũng không vay đủ nguồn vốn cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL) phản ánh, để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp phải thỏa mãn đồng thời nhiều điều kiện cùng lúc: không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Trong khi qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp khó tránh khỏi tình trạng nợ xấu, hay không có lợi nhuận.

Ngành thép nói chung, Đại Thiên Lộc nói riêng đang đứng trước khó khăn nhiều bề. Giá bán giảm mạnh, tiêu thụ chậm, tồn kho cao. Quý III vừa qua, hàng loạt trong ngành báo lỗ, trong đó, Đại Thiên Lộc báo lỗ hơn 48 tỷ đồng. Theo ông Nghĩa, dư nợ vay của Công ty tại thời điểm cuối quý III là 1.300 tỷ đồng, lãi suất 12,8%/năm.

Kênh dẫn vốn từ ngân hàng ách tắc, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn giờ đây cũng không còn thuận lợi như giai đoạn trước sau một số vụ việc sai phạm trên thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư đổ vỡ niềm tin vào thị trường trái phiếu. Theo chia sẻ của lãnh đạo một quỹ đầu tư gần đây, có những doanh nghiệp chấp nhận bán các tài sản đang có “với bất cứ giá nào” để giải quyết bài toán thanh khoản trước mắt.

Loay hoay xoay xở

Đây là giai đoạn “vốn đắt”, nên các doanh nghiệp phải tự chủ động xây dựng các kịch bản từ nay đến hết 2023, trong đó tập trung đánh giá các yếu tố tác động đến doanh nghiệp để tìm cách ứng phó kịp thời.

Ở giai đoạn này, ông Tăng chia sẻ, trọng tâm của DIG là giữ cho dòng tiền không đứt đoạn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động co cụm để chờ khó khăn đi qua.

Tại FCN cho biết, hiện tại, các hoạt động đầu tư đang ngừng trệ do nguồn vốn tín dụng khó khăn. Do đó, các hợp đồng mới dự kiến ký kết của Công ty đều bị chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm. Thiếu nguồn tiền, FCN cũng đã lùi thời gian chi trả cổ tức 2021 bằng tiền với tỷ lệ 3% từ tháng 10/2022 sang tháng 1/2023, khi doanh nghiệp cân đối được nguồn vốn.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang H&T cho biết, việc cho vay tín chấp đang rất khó khăn nên trong lúc chờ đợi được các ngân hàng phê duyệt cho vay vốn, doanh nghiệp đã chủ động tự xoay xở nguồn vốn, huy động từ cán bộ, nhân viên hoặc dựa vào uy tín cá nhân lãnh đạo để vay, hỗ trợ công ty hoạt động.

Huy động từ các nguồn vốn cá nhân cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh hiện tại vì thủ tục nhanh gọn, song không phải dễ thực hiện.

Một số doanh nghiệp lựa chọn kênh vay vốn thông qua một số công ty chứng khoán, dựa trên tài sản thế chấp chính là cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này một phần lý giải vì sao thị trường chứng khoán khó khăn trong giai đoạn vừa qua, nhưng dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán vẫn tăng so với giai đoạn đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, vốn ngân hàng hiện chiếm khoảng 50% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, trong đó hơn một nửa là cho vay ngắn hạn. Trong khi, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 700.000 - 1.000.000 tỷ đồng vốn trung và dài hạn mỗi năm để đầu tư cho nền kinh tế.

Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác như từ thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường vốn, các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, các kênh huy động này đều đang gặp phải những khó khăn do “hiệu ứng dây chuyền”, dù vậy, không phải là không có hướng ra.

Theo ông Lực, doanh nghiệp có thể tìm đến nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư. Chẳng hạn như trong chủ trương phát triển năng lượng sạch, đã có một số doanh nghiệp phát hành được những trái phiếu xanh và gọi được nguồn vốn để triển khai dự án.

Tin bài liên quan