Doanh nghiệp nội địa - FDI: Tăng liên kết, mở rộng cơ hội

Doanh nghiệp nội địa - FDI: Tăng liên kết, mở rộng cơ hội

(ĐTCK) Câu chuyện “doanh nghiệp (DN) Việt Nam không làm nổi con ốc vít” vẫn là một định kiến còn tồn tại nặng nề và dai dẳng cho thấy bức tranh liên kết lỏng lẻo, thiếu hiệu quả giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất hạn chế sự tham gia của các DN nội địa vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Cú lội ngược dòng của DN nội địa

Chiếc xe điện đầu tiên được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam và do người Việt Nam thực hiện của Công ty cổ phần Xe điện Pega được xem là cú lội ngược dòng ngoạn mục của DN nội địa. Ông Lê Hoàng Long, CEO trẻ của công ty start up này tự tin khẳng định, năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Pega ước đạt 35%, con số này sẽ tăng gấp đôi lên 70% vào năm 2018 với sự tham gia rộng rãi của nhiều nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước.

Trong số đó, Công ty cổ phần Hợp tác Hưng Thịnh là DN thuộc danh mục các nhà cung cấp chính của Pega. Đây cũng là nhà sản xuất cơ khí trong nước đã sản xuất và cung cấp linh phụ kiện xe máy theo đơn đặt hàng của Honda, Yamaha và một số DN FDI khác trong thời gian qua, trong đó nhiều đơn hàng phục vụ cho xuất khẩu.

Cả nước hiện có 610 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện - điện tử.

Ông Lê Ngọc Lam, Giám đốc Công ty Hợp tác Hưng Thịnh cho biết, trước khi hợp tác với Pega, Công ty đã và đang cung ứng linh kiện cho các DN Nhật sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra các nhà máy sản xuất của họ trong khu vực.

“Hưng Thịnh đã quyết định đầu tư 1,5 triệu USD để làm nhà máy vệ tinh cung ứng riêng linh kiện cho Pega. Hiện Công ty cung cấp cho Pega những sản phẩm cơ khí như khung, chân chống, các sản phẩm cơ khí khác với chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội để người Việt chứng minh cho thế giới thấy rằng, sản phẩm của người Việt không thua kém bất cứ nhà sản xuất nào trên thế giới”, ông Lam khẳng định.

Bên cạnh đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí chính xác, dịch vụ và thương mại Việt Nam (VPMS), một công xưởng của người Việt với hệ thống máy móc hiện đại nhập khẩu từ Nhật chuyên sản xuất các loại khuôn ép nhựa, khuôn đúc nhôm, khuôn dập, gia công xử lý làm nhám bề mặt…, cũng là một nhà cung ứng thường xuyên cho Pega.

Theo Giám đốc Lê Cảnh Dương, là đối tác của nhiều công ty lớn, chủ yếu gia công cơ khí chính xác cho các DN nước ngoài và xuất khẩu, nhưng trước đề nghị của DN Việt muốn được sản xuất, lắp ráp những sản phẩm do người Việt sản xuất, VPMS đã đồng ý hợp tác sản xuất theo đơn hàng của Pega, từ đó tạo ra những sản phẩm hoàn toàn nội địa có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sự hợp tác này cho thấy, DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm chính xác, không thua kém bất cứ nhà sản xuất lớn nào trên thế giới nếu có sự hợp tác chặt chẽ, tham gia vào chuỗi giá trị và được chuyển giao công nghệ từ các DN sản xuất FDI. 

Tăng liên kết, mở rộng cơ hội

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, một thực tế vẫn tồn tại hiện nay là tác động lan toả của khối DN FDI chưa được như kỳ vọng, trong khi DN Việt Nam vẫn rất hạn chế trong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, dù kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2016 đạt 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới, hay Việt Nam đang dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, thuỷ sản; trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động thông minh, máy tính bảng…, nhưng trong mỗi một chuỗi cung ứng, DN Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp.

Sản xuất bao bì tại Công ty Goldsun cung cấp cho Samsung - doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Chẳng hạn, trong chuỗi cung ứng dệt may, phần giá trị gia tăng cao nhất là khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu, dệt vải, in vải, phân phối sản phẩm; phần giá trị gia tăng thấp là cắt may. Hiện tại, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu tham gia vào phần cắt và may, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói.

“Trong các chuỗi sản xuất cung ứng ra toàn cầu, DN Việt Nam chỉ chiếm 21%, trong khi DN Thái Lan là 30%; Malaysia là 46%”, GS Mại cho biết.

Trong bối cảnh này, kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Samsung gần đây cho thấy có thể khắc phục được hạn chế trên khi áp dụng chiến lược hợp tác với DN Việt Nam để phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ.

Đại diện Samsung cho biết, Tập đoàn lựa chọn các DN Việt Nam có đủ năng lực, đáp ứng được các điều kiện tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung, sau đó sẽ cử chuyên gia đến một số DN để giúp đỡ nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Với cách làm này, một số DN phụ trợ cho Samsung đã có những tiến bộ rõ rệt như Công ty Goldsun đã giảm được 60% hàng tồn kho, 72% lỗi thiết bị, tỷ lệ sản phẩm chính xác tăng lên 94%; Công ty Mida tăng 26% hiệu suất thiết bị, 59% năng lực vận hành, giảm 52% hàng lỗi, hàng tồn kho.

Tin bài liên quan