Ông Nguyễn Văn Dưng

Ông Nguyễn Văn Dưng

Doanh nghiệp nữ trang còn mơ hồ về quy định đo lường chất lượng sản phẩm

(ĐTCK) Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (Thông tư 22) của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. HCM, đến nay, số lượng DN biết về quy định này vẫn còn rất ít.

Các quy định về đo lường chất lượng nữ trang đã được các hội viên trong Hội nắm bắt ra sao khi Thông tư 22 đi vào thực tiễn, thưa ông?

Lần đầu tiên, hệ thống tiêu chuẩn về đo lường và chất lượng vàng trang sức Việt Nam được ban hành. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm minh bạch thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, thống nhất quản lý về đo lường, chất lượng, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng kể từ khi Thông tư 22 được ban hành đến khi có hiệu lực, nhiều DN, đặc biệt là các DN sản xuất - kinh doanh vàng trang sức vẫn không biết hoặc không nắm rõ quy định này.

Theo khảo sát của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn, trong tổng số hơn 3.000 DN kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ ở Thành phố hiện nay, chỉ có khoảng 20% số DN và những đơn vị đầu mối lớn là hội viên của Hội biết về Thông tư 22 để tổ chức thực hiện đúng quy định. Hơn 20.000 thợ kim hoàn có nghe về Thông tư 22, nhưng không biết rõ là quy định gì. Vì thế, với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của các DN sản xuất - kinh doanh vàng bạc đá quý tại TP. HCM, chúng tôi luôn cố gắng phản ánh kịp thời và hiệu quả các ý kiến, nguyện vọng của các hội viên cũng như các DN kim hoàn, nữ trang.

Theo ông, vướng mắc nào cần tháo gỡ để DN dễ nắm bắt và áp dụng?

Trong tháng 4 và tháng 6/2014, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. HCM đã phối hợp với NHNN TP. HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Đo lường chất lượng TP. HCM tổ chức các hội thảo hướng dẫn thực hiện Thông tư 16 của NHNN, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ cho các hội viên, tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ tại Thành phố và một số tỉnh phía Nam.

Tại các cuộc hội thảo này, các cơ quan quản lý nhà nước đã hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là hướng dẫn công bố tiêu chuẩn áp dụng ghi nhãn đối với vàng trang sức mỹ nghệ và xử lý vi phạm hành chính cũng như giải đáp các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh vàng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có những phát sinh, vướng mắc mới. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh vàng kiến nghị cơ quan chức năng ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, giải thích rõ hơn, thống nhất để các tổ chức, cá nhân an tâm sản xuất - kinh doanh, chẳng hạn như về cân, hàm lượng và chất lượng vàng...

Ông có thể nói rõ hơn những khó khăn mà DN gặp phải trong quá trình áp dụng quy định mới?

Đó là về hàm lượng vàng. Theo quy định tại Thông tư 22, có đến 17 hàm lượng vàng từ 8 - 24k sẽ làm cho thị trường rối như canh hẹ. Theo tôi, chỉ cần 4 chuẩn vàng là 10k - 14k - 18k - 24k, sẽ giúp DN thuận tiện hơn trong sản xuất, mà người tiêu dùng cũng dễ dàng nắm bắt.

Bên cạnh đó, hiện hàm lượng vàng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Chẳng hạn, tại Cần Thơ, DN làm vàng nữ trang đạt chuẩn vàng 61%, trong khi tại TP. HCM, DN làm vàng có chuẩn 61 - 62%. Do đó, cần có sự thống nhất về quy định hàm lượng vàng.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề cân trọng lượng vàng, từ trước đến nay, DN sản xuất - kinh doanh nữ trang vẫn dùng cân điện tử để cân nữ trang khi sản xuất cũng như bán ra cho người tiêu dùng.

Các DN cũng đã có sự đầu tư khá nhiều cho công cụ này. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 22, các đơn vị kinh doanh vàng phải sử dụng cân có kẹp chì và niêm phong của Chi cục Đo lường chất lượng. Điều này sẽ làm tăng chi phí của DN (để đầu tư cho một cái cân theo quy định mới, DN phải tốn trên 40 triệu đồng).

Vậy còn vấn đề về vốn thì sao, thưa ông?

DN sản xuất vàng trang sức đang lâm vào bế tắc cả nguồn vốn lẫn nguyên liệu đầu vào. Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. HCM, hơn 70% trong tổng số gần 3.000 DN kinh doanh vàng và nữ trang trên địa bàn Thành phố đang gặp khó, thậm chí phải ngừng hoạt động do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33 của NHNN.

Cụ thể, tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. Tuy vậy, trong thời gian qua, các DN nữ trang vẫn chưa được phép vay tiền để mua vàng nguyên liệu.

Khó tiếp cận vốn lại thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, nên từ đầu năm đến nay, nhiều DN đã thu hẹp hoạt động, chỉ sản xuất cầm chừng để chờ cơ chế chính sách mới.

Tin bài liên quan