Doanh nghiệp sản xuất tái cơ cấu sớm

Doanh nghiệp sản xuất tái cơ cấu sớm

(ĐTCK) Trước xu thế giảm tốc của thế giới và thách thức với kinh tế Việt Nam còn nhiều, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất đã tiến hành tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn.

Sau thương vụ M&A đình đám mới đây, Tập đoàn Masan (MSN) dự tính sẽ đóng cửa một số cửa hàng Vinmart và Vinmart+ đang hoạt động không hiệu quả để tối ưu hóa lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2019, VinCommerce vận hành 3.022 cửa hàng, trong đó có 134 siêu thị Vinmart và 2.888 cửa hàng Vinmart+. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, Ban lãnh đạo VinCommerce ước ghi nhận EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) lỗ 2.100 tỷ đồng trong năm 2019, với doanh thu khoảng 26.000 tỷ đồng, tương ứng với biên EBITDA giảm 8%.

Trước đó, năm 2018, doanh thu của VinCommerce đã tăng mạnh 67% một phần nhờ mức tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (20% tại Vinmart và 17% tại Vinmart+).

Hoạt động của VinCommerce tại Hà Nội, đặc biệt là chuỗi cửa hàng Vinmart+, được đánh giá tốt hơn so với các thành phố khác, một phần nhờ sức mạnh thương hiệu của Vingroup tại Thủ đô, phần khác nhờ ít cạnh tranh hơn khi chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế giới Di động (MWG) đang tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Năm 2020, MSN đặt kế hoạch VinCommerce sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2019 nhờ tăng trưởng doanh thu 24-25% đến từ hệ thống Vinmart và Vinmart+.

MSN xác định, trong năm nay, việc mở rộng cửa hàng của VinCommerce sẽ diễn ra chọn lọc vì Ban lãnh đạo Tập đoàn sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu.

Theo đó, MSN dự tính sẽ mở mới từ 20-30 siêu thị Vinmart và 300-500 cửa hàng Vinmart+, cùng với đó là kế hoạch đóng cửa khoảng 10 siêu thị Vinmart và 150-300 cửa hàng Vinmart+ hoạt động không hiệu quả.

MSN cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ mặt hàng tươi sống cho VinCommerce và thương hiệu thịt Meat Deli (thịt lạnh) của Tập đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh năm nay. MSN hiện đang lựa chọn các địa điểm Vinmart+ phù hợp để triển khai bán thịt lạnh.

MSN kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ các mặt hàng tươi sống cho Vinmart+ lên 35% vào cuối năm 2020, so với khoảng 30% ở thời điểm hiện tại.

Tại CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI), ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, SHI đã lên kế hoạch cho giai đoạn mới, trong đó tập trung phát triển các ngành hàng gia dụng, nước, năng lượng mặt trời…

Hiện SHI đã có 10 nhà máy, 10 công ty thành viên, 1 công ty tại Myanmar và trong năm 2020 có kế hoạch mua lại 1 công ty ống thép của Ấn Độ để thành lập Sơn Hà Ấn Độ, tạo tiền đề đầu tư ra nước ngoài.

Riêng với năng lượng mặt trời, SHI cho biết, mảng này sẽ có đóng góp tốt trong dài hạn và đây là lý do Sơn Hà Solartech được thành lập.

Lãnh đạo SHI thông tin, Công ty đã bán được điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN), con số tuy chưa nhiều nhưng là tín hiệu tích cực cho triển vọng của mảng năng lượng mặt trời trong thời gian tới. Dự kiến năm 2020, SHI sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời với sản lượng mục tiêu là 10 MWp.

Bên cạnh đó, SHI cũng lên kế hoạch hợp nhất 3 công ty con vào CTCP Sản xuất kinh doanh Toàn Mỹ, hướng tới tham vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực trong ngành hàng gia dụng.

Với ngành sản xuất thép, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, trong năm 2020, công suất sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng, trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, từ đó gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường nội địa và khiến giá thép trong nước biến động mạnh hơn.

Cụ thể, tổng công suất thép xây dựng ước tính tăng 15%, chủ yếu đến từ Khu liên hợp thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Nhà máy thép Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất lần lượt là 2 triệu tấn và 500.000 tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, một phần của việc gia tăng công suất là nhằm bù đắp cho việc đóng cửa một số dây chuyền sản xuất như tại Posco SS với công suất 500.000 tấn/năm.

Về phía HPG, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, kế hoạch năm 2020 sản lượng bán thép xây dựng có thể đạt 3,5-3,6 triệu tấn, tăng trưởng 30-33%.

HPG định hướng năm nay đẩy mạnh thị trường phía Nam và xuất khẩu, trong đó phấn đấu đạt mốc 1 triệu tấn thép tại khu vực này.

Để hiện thực hóa mục tiêu, HPG đang tăng tốc các hoạt động chuẩn bị kho bãi, bến cảng, các chương trình quảng bá, tài trợ xây dựng nhiều cây cầu kiên cố tại các tỉnh miền Tây… để đưa thương hiệu thép Hòa Phát đến gần hơn với người dân khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin bài liên quan