Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang rất chậm chạp.

Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang rất chậm chạp.

Doanh nghiệp “tắc” định giá giá trị văn hóa

(ĐTCK) 7 tháng đầu năm, Nhà nước mới thoái vốn tại 9 doanh nghiệp trong tổng số 62 doanh nghiệp cần thoái vốn năm 2019. Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ thoái vốn nhà nước chậm trễ được chỉ ra là do doanh nghiệp “tắc” khi xác định giá trị lịch sử, văn hóa...

Thiếu hướng dẫn về định giá giá trị văn hóa

Theo Quyết định 1232/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, trong năm 2019, Nhà nước phải thoái vốn ở 62 doanh nghiệp. Thế nhưng, theo Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm nay mới chỉ thoái vốn được ở 9 doanh nghiệp với giá trị 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 8 vừa qua, tại Sở chỉ diễn ra 1 phiên đấu giá thoái vốn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) tại Công ty Tài chính cổ phần Ðiện lực (EVNFinance). Kết quả, số lượng cổ phần trúng giá đạt 16 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ thành công đạt gần 87%. Từ đầu năm đến nay, HNX đã tổ chức 23 phiên đấu giá, trong đó có 19 phiên đấu giá thoái vốn.

Ngoài một số yếu tố như thị trường không thuận lợi, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sút kém, một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho tiến độ thoái vốn diễn ra chậm chạp là do doanh nghiệp lúng túng khi xác định giá trị lịch sử, văn hóa.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE) cho biết, mặc dù kiên trì thực hiện thoái vốn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc về xác định giá trị lịch sử, văn hóa vì chưa có văn bản hướng dẫn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến khó xác định được thời hạn hoàn thành việc thoái vốn.

“Công ty mẹ MIE và các đơn vị thành viên đều xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là củng cố công tác quản trị, dần nâng cao năng lực quản lý, tập trung cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đưa hiệu quả sử dụng vốn, tài sản tăng lên để tạo tiền đề cho việc thoái vốn...”, ông Hải thông tin.

Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, MIE phải thoái vốn với tỷ lệ vốn (so với vốn điều lệ) tối thiểu dự kiến thoái trong năm 2019 là 36%. Trong bối cảnh còn thiếu quy định pháp lý về tính toán giá trị lịch sử, văn hóa, có khả năng MIE sẽ thất hẹn hoàn thành kế hoạch thoái vốn đề ra cho năm nay.

Từ thực tiễn tư vấn thoái vốn cho nhiều doanh nghiệp, giám đốc khối ngân hàng đầu tư một công ty chứng khoán đang niêm yết cho biết, lúng túng trong xác định giá trị lịch sử, văn hóa đang là vướng mắc lớn trong hoạt động thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp.

Lý do bởi đây là các giá trị vô hình nên khó tính toán một cách cụ thể, trong khi quy định pháp lý lại không rõ ràng, dẫn đến cả doanh nghiệp thoái vốn lẫn đơn vị tư vấn gặp khó khăn khi định giá. Bởi vậy, các doanh nghiệp đang chờ cơ quan quản lý tháo gỡ vướng mắc này để khơi thông hoạt động thoái vốn…

Chờ quyết định của Chính phủ

Vướng mắc trong định giá giá trị lịch sử, văn hóa của doanh nghiệp xuất phát từ quy định tại Nghị định 32/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó, về nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên, văn bản này quy định: Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra bên ngoài, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật…

“Bộ Tài chính đã nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến cơ chế thoái vốn, trong đó có vấn đề về xác định giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu, tên thương mại…”, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay.

Tuy nhiên, việc chậm trễ thoái vốn không chỉ vì nguyên nhân này, mà còn vì một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong công khai, minh bạch, chưa tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong thoái vốn nhà nước...

Về hướng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Tiến cho hay, Bộ Tài chính đã tiến hành lấy kiến các bộ, ngành, địa phương về phương án sửa đổi Nghị định 32/2018. Trên cơ sở đó, có thể cân nhắc bãi bỏ quy định về tính giá trị văn hóa, lịch sử khi xác định giá trị các khoản vốn nhà nước cần thoái, vì giá trị này đã nằm trong giá trị thương hiệu.

“Trong hoạt động thoái vốn, không phải yếu tố nào cũng có thể xác định được cụ thể giá trị. Tuy vậy, cần phải công khai những yếu tố này để nhà đầu tư biết, cân nhắc khi tham gia các đợt mua cổ phần nhà nước thoái vốn...”, ông Tiến nói.

Ðại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, việc có bãi bỏ hay không quy định về xác định giá trị văn hóa, lịch sử đang chờ quyết định của lãnh đạo Chính phủ. Trên cơ sở quyết định này sẽ được hiện thực hóa vào các văn bản pháp lý để đưa vào áp dụng trong thời gian tới, qua đó tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến trình thoái vốn.

Không thể định giá 2 lần

Doanh nghiệp “tắc” định giá giá trị văn hóa ảnh 2

Ông Trần Thiên Hà, Phó chủ tịch HÐQT Công ty Chứng khoán APG.

Thực tế, giá trị văn hóa, lịch sử là những yếu tố vô hình, nên rất khó để xác định cụ thể giá trị. Việc yêu cầu phải xác định rõ ràng yếu tố này vừa gây vướng mắc cho doanh nghiệp bán vốn, vừa khó khăn cho các đơn vị tư vấn định giá, vì không biết căn cứ vào đâu để tính giá trị cho đúng. Chính bởi cơ sở để xác định giá trị văn hóa, lịch sử không rõ ràng, nên tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp bán vốn lẫn đơn vị định giá, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều quan trọng là những giá trị văn hóa, lịch sử thực chất đã nằm trong giá trị thương hiệu, lợi thế thương mại của doanh nghiệp, nên không thể định giá hai lần. Ở đây, cần tránh tư tưởng “tính nhầm còn hơn bỏ sót”, dẫn đến giá bán cổ phần không phản ánh sát giá trị khoản vốn nhà nước cần thoái, bán giá cao, khiến khó thu hút được nhà đầu tư tham gia.

Bởi vậy, cần sửa quy định pháp lý theo hướng không tính các yếu tố vô hình như giá trị văn hóa, lịch sử, mà việc xác định giá trị khoản vốn nhà nước cần thoái nên căn cứ vào các yếu tố lượng hóa được để đảm bảo công khai, minh bạch, chuẩn xác và khả thi.

Tin bài liên quan