Doanh nghiệp thép méo mặt vì khó hai đầu

Doanh nghiệp thép méo mặt vì khó hai đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu ra gặp khó, trong khi giá nguyên liệu vật liệu tăng trở lại đang là thách thức lớn mà các doanh nghiệp ngành thép phải đối mặt.

Tiêu thụ sụt giảm mạnh

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong 2 quý đầu năm, sản lượng thép bán ra toàn ngành đạt gần 12,37 triệu tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thép giảm tới 19,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,28 triệu tấn.

Tại cuộc họp với đại diện hơn 40 doanh nghiệp thành viên của VSA mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội nhận xét: “Thị trường thép các tháng đầu năm khó khăn với tình trạng cung vượt cầu. Điều này tạo sức ép cạnh tranh ngày càng lớn giữa các nhà sản xuất thép xây dựng”.

Trong bối cảnh này, báo cáo tài chính quý II và 2 quý đầu năm của nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Đơn cử, CTCP Thép Vicasa - VNSteel (VCA) báo cáo kết quả kinh doanh quý II với doanh thu 504,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,8 tỷ đồng, tương đương 94,5% và 61,5% cùng kỳ 2019.

Theo lý giải của lãnh đạo Công ty, áp lực cạnh tranh gay gắt khiến sản lượng tiêu thụ thép cán cũng như giá bán giảm so với cùng kỳ, làm cho lợi nhuận gộp trong quý giảm 8,13 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VCA đạt doanh thu 975,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,7 tỷ đồng, lần lượt bằng 79,4% và 72,6% so với thực hiện cùng kỳ 2019.

Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel) vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng mức giảm 83%. Theo giải trình của lãnh đạo VNSteel, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong quý II, lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết âm 91,9 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Tổng công ty ghi nhận 15.348 tỷ đồng doanh thu, giảm 13,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 92 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ, chủ yếu do khoản lỗ gần 250 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và các công ty liên doanh, liên kết.

Hàng loạt doanh nghiệp cùng ngành như Hoa Sen, Nam Kim, SMC, Pomina báo cáo doanh thu suy giảm từ 11 - 13% trong 6 tháng đầu năm. Cá biệt, Đại Thiên lộc giảm tới 42% do tình hình kinh doanh khó khăn, bán hàng sụt giảm. Pomina đã lỗ 144 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng so với mức lỗ 132 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng hiếm hoi có tăng trưởng lợi nhuận trong nửa đầu năm nay là Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim.

Đầu ra chưa cải thiện, chi phí đầu vào lại tăng

Diễn biến đáng chú ý trên thị trường thép là giá nguyên liệu sản xuất đang có xu hướng tăng cao, trong khi đà phục hồi của đầu ra còn chịu nhiều thách thức bởi đại dịch Covid-19.

Số liệu cập nhật của VSA cho thấy, giá phần lớn các loại nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước như quặng sắt, thép cuộn cán nóng đều đang tăng trở lại.

Trong đó, giá quặng sắt loại 62% Fe ngày 8/8 giao dịch ở mức 115 - 118 USD/tấn, tăng 9 - 12 USD/tấn so với đầu tháng 7. Giá cuộn cán nóng HCR ngày 9/8 ở mức 480 - 485 USD/tấn, tăng 50 - 60 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 7, sau khi giảm sâu ở mức 50 - 55 USD/tấn so với mức giá hồi đầu tháng 3/2020.

Không chỉ các loại quặng và cuộn nóng, giá thép phế liệu cũng tăng đáng kể. Thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á đang giao dịch ở mức 280 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2020 và tăng trở lại so với xu hướng đi ngang của giá thép phế liệu chào bán tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Á trong 3 tháng gần đây.

Sản lượng sản xuất thép các loại trong tháng 7 tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2019, song tình hình bán hàng của các doanh nghiệp trong tháng 7 lại kém tích cực.

Cụ thể, số liệu của VSA cho thấy, số lượng bán hàng thép các loại trong tháng 7 đạt 1.955.784 tấn, tăng 11,25% so với tháng 6, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ 2019. Điều này đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh tiêu thụ trong ngành gia tăng.

Chi phí đầu vào tăng, tiêu thụ khó khăn và giá bán khó nâng lên tương ứng với đà tăng đầu vào khiến bài toán lợi nhuận trở nên đau đầu với nhiều doanh nghiệp thép.

Trong bối cảnh bán hàng khó khăn, giá nguyên liệu tăng, VSA khẳng định ủng hộ nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất thép trong nước, hợp tác cùng có lợi.

Hiệp hội cũng khuyến nghị các nhà sản xuất thép xây dựng, phôi thép tăng cường trao đổi thông tin thị trường, minh bạch, thể hiện tinh thần thiện chí. Các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội có khả năng dẫn dắt thị trường, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng các nhà sản xuất, phân phối thép, không lạm dụng vị trí của mình gây tổn hại đến các nhà sản xuất nhỏ. 

Tin bài liên quan