Doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống vẫn hái ra tiền

Doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống vẫn hái ra tiền

(ĐTCK) Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống - ngành hàng tiêu dùng thiết yếu – sẽ sáng hơn khi nền kinh tế đang phục hồi vững chắc, thu nhập của người dân tăng lên.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô của ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% trong GDP. Quy mô thị trường trên 93 triệu người cộng với xu hướng tiêu dùng nhanh đang tăng lên là lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp ngành này.

Bên cạnh đó, cùng với xự xuất hiện ngày càng dày đặc các chuỗi bán lẻ như Vinmart, Family Mart, Circle K và sự đầu tư mở rộng mạng lưới phân phối của nhiều nhà bán lẻ lớn từ nước ngoài như BigC, Aeon, Metro… giúp các thương hiệu thực phẩm, đồ uống Việt Nam gia tăng hiện diện trên thị trường, từ đó tăng doanh thu và mở rộng thị phần tiêu thụ.

Báo cáo của Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng. Trong đó, riêng ngành hàng bánh kẹo sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định từ 10 - 12%/năm và có thể bùng nổ tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Số liệu thống kê của BMI cũng cho thấy, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng doanh số của ngành bánh kẹo tại Việt Nam liên tục ổn định ở mức 10 -12%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3% của khu vực ASEAN và mức trung bình 1 - 1,5% của thế giới.

Ngành sữa tiếp tục duy trì ổn định 10 - 11%. Ngành bia cũng được dự báo hết sức khả quan trong năm 2018 với mức tăng trưởng kép trên 11% và sẽ duy trì mức này cho đến năm 2020.

Còn theo nghiên cứu của Vietnam Report, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ có 6,1 triệu hộ gia đình Việt Nam thoát khỏi diện nghèo và nằm trong nhóm có thu nhập 5.000 – 10.000 USD/năm.

Nhờ đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sẽ có những bước chuyển tích cực trong tất cả các phân khúc đi kèm với sự dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao trong tương lai, hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty thực phẩm và thức uống có thương hiệu thuộc ngành sữa, bia và bánh kẹo.

Nhìn tổng quan ngành, các chuyên gia nghiên cứu thị trường đều có chung nhận định khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với mức thu hút FDI cao kỷ lục, khách du lịch ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam có triển vọng sáng sủa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và chính các doanh nghiệp trong ngành cũng thừa nhận, quy mô và khả năng thay đổi để đáp ứng thị hiếu khách hàng vẫn luôn là điểm yếu của các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống trong nước và đây sẽ là vấn đề lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại cùng ngành chực chờ nhảy vào thôn tính thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.

Theo TS. Lê Thanh Tùng, Giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng, xét về quy mô, hiện nay, những doanh nghiệp như Vinamilk, Masan, Sabeco hay Vinacafe dù được coi là lớn ở thị trường trong nước, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những tập đoàn đồ uống nổi tiếng trên thế giới như Heneiken, Nestle hay Coca - Cola.  Việc chậm thay đổi mẫu mã hàng hóa cũng là một điểm bất lợi khiến các doanh nghiệp Việt giảm sức cạnh tranh.

Để biến cơ hội thành lợi thế cho tăng trưởng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn PAN cho rằng, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, thì điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp thực phẩm là phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất.

“Mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần cố gắng tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam”, ông Trung Anh chia sẻ.

Còn theo bà Lê Ngọc Bảo Trâm, quản lý cao cấp, nhóm đo lường bán lẻ của Nielsen, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, với mức thu nhập đang ngày càng gia tăng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm mới, có thương hiệu cao cấp, sản phẩm có lợi cho sức khỏe đang ngày càng tăng. Do đó, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cũng cần chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm thực sự cao cấp thuộc phân khúc này để đón đầu nhu cầu thị trường.

Tin bài liên quan