TNG là doanh nghiệp dệt may thứ 3 tại Việt Nam đủ điều kiện công nhận là doanh nghiệp ưu tiên

TNG là doanh nghiệp dệt may thứ 3 tại Việt Nam đủ điều kiện công nhận là doanh nghiệp ưu tiên

Doanh nghiệp ưu tiên: Đích đến thời hội nhập

(ĐTCK) Được hưởng chế độ ưu tiên đặc biệt và vượt trội hơn hẳn trong xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, song DN cũng phải vượt qua rất nhiều điều kiện ngặt nghèo, đó chính là lý do sau hơn 4 năm triển khai chương trình DN ưu tiên, hiện cả nước mới có 52 doanh nghiệp được công nhận. 

Từ câu chuyện của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại (TNG), doanh nghiệp thứ 51 vừa được trao quyết định hôm 13/7, có nhiều điều để suy ngẫm.

Theo Thông tư 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015, quy định điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên dành cho DN, DN được công nhận là DN ưu tiên được hưởng 7 chế độ ưu tiên đặc biệt và vượt trội hơn hẳn trong XNK hàng hóa.

Cụ thể, đó là được miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; Được thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh; Được ưu tiên thực hiện trước thủ tục hải quan so với các doanh nghiệp khác; Được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; Được hoàn thuế trước, kiểm tra sau; Được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau; Được miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan. Như vậy, có thể thấy, nếu được áp dụng chế độ trên, DN giảm được rất nhiều thời gian, chi phí khi thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, điều kiện để được công nhận là DN ưu tiên Không hề đơn giản. Trước hết, đó phải là các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, hải quan; Kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm đạt từ 100 triệu USD trở lên; DN thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thuế điện tử, thanh toán hàng hóa XNK qua ngân hàng; Thực hiện tốt chính sách kiểm soát nội bộ; Chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán.

Chính vì những điều kiện ngặt ngèo như vậy nên trải qua 6 năm áp dụng chế độ này, đến nay mới có 52 trên tổng số 500.000 DN trong cả nước được Tổng Cục Hải quan công nhận DN ưu tiên, bằng 0,01% số DN hoạt động XNK trong cả nước. Đáng lưu ý hơn là chỉ có rất ít DN có vốn đầu tư trong nước, còn lại đều là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty TNG, để được công nhận doanh nghiệp ưu tiên do Tổng Cục Hải Quan chứng nhận, DN phải trải qua một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, minh bạch trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật.

Chủ trương này đã được Ban lãnh đạo TNG triển khai từ rất lâu và tập trung quyết liệt từ năm 2011 cho đến nay. Điểm khó khăn và thách thức với các DN ở chỗ phải luôn duy trì tốt những điều kiện của doanh nghiệp ưu tiên trong cả chặng đường dài, phải đưa thành nề nếp, quy chuẩn, quy trình trong hoạt động DN. 

Kết quả của những thay đổi chủ động và nhất quán ở TNG là đánh giá khách quan của nhiều bên thứ ba. Đơn cử, năm nào TNG cũng được Cục thuế biểu dương là DN chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế, từ năm 2015 đến nay, TNG liên tục nằm trong 10 Doanh nghiệp minh bạch nhất sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và tới đây được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.

Trong 9 DN thuộc khu vực Bắc Ninh, riêng TNG là DN Việt Nam đầu tiên và duy nhất được công nhận tại khu vực hải quan này. Đây cũng là DN dệt may thứ 3 tại Việt Nam đủ điều kiện công nhận là DN ưu tiên. Với TNG, kết quả này sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi trong thực hiện hoạt động XNK và nâng cao uy tín thương hiệu của Công ty trước khách hàng, bạn bè, đối tác.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, lợi thế của DN ưu tiên trong giai đoạn hội nhập sẽ rất lớn. Bởi tới đây, Hải quan Việt Nam sẽ tham gia Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên (AEO) do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức. Sau khi Việt Nam ký kết thỏa thuận hoặc hiệp định về chương trình này, DN ưu tiên của các nước sẽ được công nhận lẫn nhau và được hưởng các chế độ ưu đãi đặc biệt của mỗi nước dành cho các DN.

Việc công nhận kết quả kiểm tra thông quan lẫn nhau sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo cho hàng hóa của những DN này gia tăng sức cạnh tranh vượt trội trên thị trường. Ông Tô cũng nhận xét rằng, phần lớn DN sau khi được công nhận DN ưu tiên đều có sức phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh hơn so với trước đó, do các DN đều tận dụng được các lợi thế và cơ hội thuận lợi để mở rộng đầu tư, gia tăng quy mô hoạt động.

Theo ông Trịnh Việt Hùng, Phó chủ tịch tỉnh Thái Nguyên, nhờ hoạt động tốt của các DN trên địa bàn tỉnh, trong đó có các DN như TNG, Samsung… kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đột biến, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt trên 80% kế hoạch năm. Bài học ở đây chính là làm gì để có thể nhân rộng nhiều hơn các DN ưu tiên tại Việt Nam, từ những hạt giống tốt, nền kinh tế mới hy vọng có vụ mùa bội thu. 

Tin bài liên quan