Với khoản đầu tư 258 triệu USD, Tiki sẽ tập trung xây dựng hạ tầng, công nghệ, chuỗi cung ứng… tại Việt Nam

Với khoản đầu tư 258 triệu USD, Tiki sẽ tập trung xây dựng hạ tầng, công nghệ, chuỗi cung ứng… tại Việt Nam

Doanh nghiệp Việt hút vốn ngoại trong mọi thời điểm

0:00 / 0:00
0:00
Bản lĩnh và tiềm năng của doanh nghiệp Việt đã thu hút các nguồn vốn trên toàn cầu, bất chấp thời điểm đại dịch khó lường.

“Chốt đơn” nhanh hàng trăm triệu USD

Tuần qua, giới đầu tư và thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đón nhận 2 tin “hot” liên quan đến thương mại điện tử.

Sau hơn một thập kỷ hoạt động, Tiki - nền tảng thương mại và chuỗi cung ứng tất-cả-trong-một “chốt đơn” 258 triệu USD vào thị trường Việt Nam thông qua vòng đầu tư thứ 5.

Được dẫn dắt bởi AIA - tập đoàn bảo hiểm toàn cầu, vòng đầu tư này còn có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới, điển hình là Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan

Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments (một trong những công ty đầu tư lớn nhất Hàn Quốc và cũng là cổ đông hiện hữu của Tiki)...

Bất chấp nhiều thách thức và biến động của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua, Tiki liên tục duy trì mức tăng trưởng hai con số.

Quý III/2021, Tiki tăng trưởng đột phá ở nhiều sản phẩm và dịch vụ. Cụ thể, dịch vụ giao thực phẩm tươi sống TikiNGON đã thiết lập kỷ lục tăng trưởng khoảng 2.000% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng hội viên sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW 2 giờ tăng gấp 3 lần, và khối lượng hàng hóa của TikiPRO - dịch vụ giao hàng và lắp ráp theo lịch hẹn - tăng trưởng gần 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, tính chất M&A cũng thay đổi sang hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay cho thôn tính. Giai đoạn 2019 - 2021, chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập, tức triệt tiêu một bên; 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát và 9% là liên doanh. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng.

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tiki đã tăng gấp 3 lần danh mục hàng hóa, đặc biệt trong ngành hàng thực phẩm tươi sống TikiNGON nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân trong đại dịch. Ngoài ra, Tiki nhanh chóng đầu tư vào tự động hóa, tiên phong ứng dụng robot vận chuyển, nâng cao năng lực vận hành kho vận lên gấp 2 lần.

Với thương vụ đầu tư này, Tiki và AIA Việt Nam sẽ cùng xây dựng nền tảng bảo hiểm công nghệ (insurtech) theo thỏa thuận 10 năm tới của 2 bên. Dự kiến, vào cuối tháng 12/2021, khách hàng có thể mua bảo hiểm sức khỏe AIA Việt Nam ngay trên Tiki. Trong tương lai gần, khách hàng có thể sử dụng tính năng quản lý hồ sơ bảo hiểm và gửi các yêu cầu giải quyết quyền lợi qua Tiki.

Ở một “chiến tuyến” khác, SK Group - tập đoàn đầu tư đa ngành của Hàn Quốc và Masan vừa thỏa thuận mua cổ phần The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 345 triệu USD. Trong đó, SK Group rót 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần tại đây, còn Masan rót 5 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu từ 84,9% lên 85%.

Hồi tháng 7/2021, Masan công bố mua lại cổ phần của The CrownX từ các cổ đông thiểu số, nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của Masan tại The CrownX tăng từ 80,2% lên 84,9%.

Thương vụ mua cổ phần The CrownX nằm trong kế hoạch mục tiêu gọi vốn năm 2021 mà Masan tiết lộ trước đó. Lần đầu tiên, SK Group rót tiền trực tiếp vào The CrownX - doanh nghiệp hợp nhất WinCommere (đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng tiện lợi WinMart+) và Masan Consumer. Trước đó, vào tháng 4/2021, SK Group chi 410 triệu USD để mua lại 16,26% cổ phần WinCommerce.

Định giá The CrownX không chênh lệch nhiều so với khi Masan bắt tay Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia vào giữa tháng 5/2021. Khi đó, Alibaba cùng đối tác rót 400 triệu USD vào The CrownX. Trong thương vụ đó, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng).

The CrownX sẽ bắt tay Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á - để phát triển thị trường bán lẻ online tại Việt Nam. Trong đó, VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, The CrownX ghi nhận doanh thu 41.472 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITA) 4.774 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,3% và 85% so với cùng kỳ năm 2020. Quý III vừa qua là kỳ đầu tiên, WinCommerce có lãi ròng từ khi về tay Masan.

Được biết, chiến lược của Masan trong thời gian tới là ưu tiên tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall tại The CrownX. Đây là một phần trong chiến lược “Point of Life”, tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), lĩnh vực dược phẩm, Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới) vào một nền tảng khách hàng thân thiết.

Theo ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, thỏa thuận đầu tư của SK Group đã khẳng định niềm tin vững chắc vào sự thành công của mô hình “mini-mall” trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn để tái mở rộng quy mô trên toàn quốc, duy trì lợi nhuận, The CrownX phải có nhiều động thái hơn. Đó là gia tăng mức đóng góp của danh mục nhãn hàng riêng, chiếm 20 - 25% doanh số kênh bán lẻ hiện đại; thúc đẩy xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm trên kênh online, đặt mục tiêu kênh online đóng góp trên 5% vào tổng doanh thu (hay đạt 50.000 đơn hàng/ngày); hợp tác với 2.000 - 3.000 đối tác bán lẻ truyền thống của Masan Consumer Holdings để thúc đẩy mô hình nhượng quyền của WinCommerce…

Niềm tin mãnh liệt vào thị trường thương mại điện tử

Trước nhiều lời đồn đoán Tiki sẽ thuộc về “đại gia” thương mại điện tử của Trung Quốc, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Tiki thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào tiềm năng của thị trường thương mại điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Khoản đầu tư 258 triệu USD nói trên sẽ được Tiki tập trung hoàn toàn vào Việt Nam, bao gồm các hoạt động xây dựng hạ tầng, công nghệ, chuỗi cung ứng… Điều này thể hiện cam kết lâu dài của Tiki trong việc mang lại lợi ích bền vững cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, để phát huy những tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Nhà sáng lập Tiki cũng kỳ vọng, các start-up Việt có thể nhìn vào chặng đường 10 năm của Tiki để có thêm cảm hứng và niềm tin tiếp tục nuôi dưỡng những giấc mơ lớn. Đó là khát vọng đưa Việt Nam trở thành địa chỉ thu hút được nhiều nguồn vốn từ khắp nơi trên thế giới đổ về, đánh dấu Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu của giới start-up.

“Mục tiêu cuối cùng của Tiki không phải IPO, cũng không phải đạt danh hiệu kỳ lân. Chúng tôi gọi vốn, đầu tư vào công nghệ, cải tiến dịch vụ… Hãy để các nhà đầu tư khắp thế giới nhìn thấy tiềm năng rất lớn của thị trường Việt Nam”, ông Sơn khẳng định.

Giá trị bền vững mà ông Sơn tin tưởng là khi doanh nghiệp càng phát triển, sẽ mang lại càng nhiều giá trị cho cộng đồng, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài cho thị trường, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Trở lại với thương vụ đầu tư vào Tiki, ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam khẳng định, đây là thương vụ hợp tác chưa có tiền lệ. Nó hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới về bảo hiểm nhân thọ cá nhân. Ngược lại, insurtech chỉ là bước tiếp theo của Tiki trong hành trình biến tham vọng bành trướng của mình thành hiện thực với những dịch vụ, sản phẩm số.

Chia sẻ về chiến lược phát triển, ông Jikwang Chung, Giám đốc điều hành Mirae Asset Capital cho biết, nhận thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng như quá trình chuyển đổi số và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử, trong đó lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng vượt trội với những bứt phá mạnh mẽ về công nghệ, nên không chỉ đầu tư vào Tiki, Quỹ sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào các công ty công nghệ ở Việt Nam trong tương lai.

Hai thương vụ M&A trong lĩnh vực thương mại điện tử nói trên cho thấy, những gì giới chuyên môn “kháo nhau” là hiện hữu khi có rất nhiều thương vụ đang chờ ngày bùng nổ, bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giai đoạn “bình thường mới” cũng là thời điểm hợp lý để các doanh nghiệp “dọn dẹp” lại sau khi bị “cơn bão” Covid-19 quét qua.

Đây không chỉ là cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, mà nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, còn là cơ hội thay đổi chân dung doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, đẩy mạnh M&A lúc này còn để vực dậy các doanh nghiệp gặp khó, thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch, đồng thời cũng tạo động lực thúc đẩy cải cách, hoàn thiện cơ chế và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

M&A việt nam 2021

Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Khách sạn Mai House Saigon vào thứ Năm, ngày 9/12/2021; trực tuyến trên Zoom; livestream trên Fanpage Báo Đầu tư, www.facebook.com/tinnhanhchungkhoan.

Với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ”, với 2 phiên nội dung chính, Diễn đàn sẽ thảo luận về các cơ hội đón làn sóng M&A của doanh nghiệp bùng nổ trở lại tại Việt Nam.

Diễn đàn thường niên uy tín về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam dự kiến thu hút sự tham gia của đông đảo nhà hoạch định chính sách, chuyên gia uy tín, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp...

Tin bài liên quan