VinFast ra mắt tại Mỹ và dự kiến IPO ở thị trường này qua thương vụ M&A.
Song doanh nghiệp trong nước cũng đang tỏ rõ lợi thế “hơn người”.
M&A để vươn ra toàn cầu
Thông tin VinFast chuẩn bị chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đã được bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định chắc chắn với giới truyền thông. VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn là các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào nửa sau năm 2022.
Nếu niêm yết thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới. Việc này sẽ góp phần củng cố lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu, hỗ trợ Công ty dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này.
Tuy nhiên, để nhận được dòng vốn này, Vingroup phải có quá trình tái cấu trúc. HĐQT Tập đoàn Vingroup vừa phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng (VinFast Việt Nam) cho VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% vốn của VinFast Singapore, gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, dù luật Việt Nam cho phép, nhưng việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ, chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan. Do đó, để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore, vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng Shinsei (Shinsei Bank) vừa ký thỏa thuận nguyên tắc về việc triển khai liên doanh ngân hàng thương mại tại Campuchia. Hai bên thống nhất sau khi được chấp thuận chính thức thành lập ngân hàng thương mại 100% vốn tại Campuchia với quy mô vốn điều lệ tối thiểu 75 triệu USD, MB sẽ thực hiện chuyển nhượng tới 49% vốn cho đối tác chiến lược và ra mắt ngân hàng liên doanh đầu tiên của Việt Nam tại nước ngoài.
Ở phạm vi trong nước, có nhiều thương vụ được công bố hay lên kế hoạch thoái vốn. Cụ thể, Tập đoàn PAN và C.P. Vietnam “bắt tay” chiến lược để tận dụng thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động của nhau, khai thác tốt nhất tiềm năng của thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững chuỗi giá trị mỗi bên…
Bamboo Capital đã nhận được phê duyệt của Bộ Tài chính cho giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Bảo hiểm AAA (AAA). Bamboo Capital và đơn vị thành viên là BCG Financial sẽ mua lại 80,64% cổ phần Bảo hiểm AAA của Tập đoàn Bảo hiểm Úc IAG (IAG). Bamboo Capital sẽ mua lại 79,7 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 71% vốn điều lệ doanh nghiệp này. Còn BCG Financial mua lại 10,8 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 9,64% vốn điều lệ. Giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa thông qua Nghị quyết về việc cấu trúc lại các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các công ty thành viên. DLG dự kiến thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con là Công ty cổ phần Năng lượng Tân Thượng và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.
HĐQT quyết định ủy quyền cho Tổng giám đốc DLG tổ chức thực hiện tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư… để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý chuyển nhượng cổ phần tại 2 công ty này. Trước đó, DLG đã công bố việc thoái toàn bộ 51% vốn cổ phần khỏi Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ.
Transimex cũng muốn mua thêm 25% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Mipec, với tổng giá trị đầu tư tính theo mệnh giá hơn 156 tỷ đồng. Transimex đang sở hữu 10,85% cổ phần tại Cảng Mipec - nhà khai thác bến cảng MPC Port nằm tại hạ lưu sông Cấm, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). MPC Port là bến cảng chuyên dụng cho tàu chở hàng container, có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn đến 40.000 DWT với chiều dài đến 220 m ra vào thường xuyên, liên tục và an toàn.
Chấp nhận rủi ro hơn
Do nhu cầu huy động vốn ở mức cao, thị trường M&A Việt Nam đã bùng nổ với hàng loạt thương vụ trong những năm gần đây. Nếu trước đây, các hoạt động M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, thì sự hiện diện của các công ty quốc tế trở nên ít hơn vào năm 2020, dẫn đến sự sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước về cả số lượng và giá trị giao dịch.
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tiếp cận thận trọng hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Quá trình xem xét và phê duyệt các cơ hội đầu tư này mất khá nhiều thời gian vì họ thường cần cân đo giữa các lợi ích hiện có với những cơ hội đầu tư khác trước khi ra quyết định.
Trong khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam thường quyết liệt hơn và nhanh chóng đưa ra quyết định khi cơ hội đến. Nhờ vào sự am hiểu thị trường trong nước, họ đã nhận ra ngay tiềm năng thị trường của các cơ hội đầu tư này và có mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn. Điều này lý giải vì sao thị trường đang chứng kiến sự nổi dậy của các công ty trong nước. Xu hướng này vẫn tiếp diễn vì họ không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Thực tế cho thấy, M&A đang trở thành một lựa chọn được ưa chuộng đối với các tập đoàn trong nước, vì chiến lược này giúp họ nhanh chóng tiếp cận các lĩnh vực kinh doanh mới, mở rộng thị phần, bổ sung nhân tài cũng như chuyên môn sau khi các giao dịch diễn ra thành công.
Mặc dù vậy, bất chấp lo ngại về sự bùng phát của dịch Covid-19 gần đây, Việt Nam vẫn là thị trường M&A hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2022. Một số công ty Nhật Bản đã tiến hành các thương vụ M&A xuyên quốc gia ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh. Lĩnh vực được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư này tiếp cận thị trường trong nước trong tương lai gồm tài chính, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, bán buôn và dịch vụ.
Trong khi đó, nhà đầu tư Hàn Quốc đang có bước đi rất thận trọng đánh giá tác động của dịch bệnh đến tình hình hoạt động, tài chính và tiến độ phục hồi của các mục tiêu tiềm năng trong nước. Song họ vẫn xem Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ triển vọng và tăng trưởng kinh tế vững chắc. Nhà đầu tư Hàn Quốc đang nhắm đến lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính và hậu cần. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại nhất định đối với các nhà đầu tư ngoại khi thực hiện chốt các giao dịch M&A vào năm tới. Đó là, quy trình thẩm định thích hợp bị hạn chế; biến động trong hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước; bất đồng quan điểm về các điều khoản hợp đồng giữa các bên… Ngoài ra, việc cử đại diện ở trụ sở chính đến các doanh nghiệp ở nước ngoài không còn dễ như thời kỳ trước dịch. Thách thức này trong quản trị hậu M&A khiến các nhà đầu tư khó đạt được sự đồng thuận nội bộ cho các giao dịch xuyên quốc gia.
Để đối phó với các thách thức, một số nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã tận dụng công nghệ không chỉ để tìm kiếm các mục tiêu mới, mà còn để giao tiếp với ban quản lý của doanh nghiệp nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ giữa các bên. Hầu hết các cuộc họp giữa bên mua và bên bán đang được thực hiện qua các nền tảng trực tuyến. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng yêu cầu thông tin thông qua phòng dữ liệu ảo và xem đây như một biện pháp thay thế cho việc thẩm định trực tiếp. Thay vì mua lại 100%, cách tiếp cận đầu tư theo từng giai đoạn đã được thực hiện trong nhiều giao dịch.
Ông Chris Freund, Sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Mekong Capital kỳ vọng, xu hướng đầu tư ở Việt Nam sẽ khởi sắc trong vài năm tới. Do việc đi lại vẫn đang bị hạn chế, nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn khi đến Việt Nam. Một số quỹ trong nước sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp cho các khoản đầu tư mới hơn là các quỹ chưa sẵn sàng giải ngân vào thời điểm này.
Theo ông Chris Freund, ngày càng có nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm thành lập các quỹ mới để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6-12 tháng tới, các thương vụ với các nhà đầu tư nước ngoài và khu vực vẫn đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Theo ước tính từ Bộ Công thương, trong 20 năm qua, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường.